'Chơi Tết' sớm tại Hà Nội

16/01/2016 10:01 GMT+7

Nhiều chương trình trải nghiệm Tết dân tộc bắt đầu diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần này, từ ngày 17.1.

Nhiều chương trình trải nghiệm Tết dân tộc bắt đầu diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần này, từ ngày 17.1.

Các bạn trai người Mông đùa nghịch. Một tác phẩm được trưng bày tại Tết người Mông - Ảnh: Ly Thị MáyCác bạn trai người Mông đùa nghịch. Một tác phẩm được trưng bày tại Tết người Mông - Ảnh: Ly Thị Máy
Gia đình chị Thu Hà, Hà Nội đã sẵn sàng để đến khám phá tranh Tết vào ngày 17.1 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, 66 Nguyễn Thái Học, Q.Ba Đình. Bé nhà chị Hà cũng vô cùng háo hức. Cháu đã tham gia tô màu mặt nạ ở đây dịp Tết trung thu vừa rồi. “Cháu nhà tôi 7 tuổi. Tưởng là bé nhưng khi giải thích về trung thu cháu cũng nhớ, cũng hiểu. Tô mặt nạ cũng rất vui. Nên giờ các cô chú ngày trước tổ chức tô mặt nạ lại tổ chức làm tranh Tết, tôi lại cho cháu đến”, chị Hà chia sẻ.
Với chương trình Cùng bé sáng tạo tranh Tết này, các bé sẽ được nghe kể về những dòng tranh treo Tết xưa như Kim Hoàng, Hàng Trống, làng Sình… Cũng có các hoạt động trực tiếp in tranh, câu đố vui về tranh dân gian. Không chỉ là tranh treo, những bức tranh Tết này sẽ bước vào các sản phẩm Tết như thiệp chúc Tết, bao lì xì năm mới. “Chúng tôi sẽ cho các cháu làm thiệp, bao lì xì tạo hình từ cảm hứng dân gian. Như thế, các giá trị văn hóa dân gian sẽ trở về và sống trong lòng văn hóa đương đại”, nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền nói. Kinh phí cho mỗi bé là 150 nghìn. Kinh phí này cũng sẽ dùng để gây quỹ nhân ái cho trẻ em nghèo ở Cao Bằng đón Tết.
Cũng ngày 17.1, Tết Mông xuống phố sẽ được Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE), tổ chức Plan International VN và nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông, thực hiện. Sự kiện diễn ra tại sân Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, 418 La Thành, Q.Đống Đa. “Chúng tôi hỗ trợ điều kiện, còn các bạn người Mông mới là người chủ động về nội dung của lễ hội. Các bạn chọn những món ăn nào mà mình thấy Tết nhất, trò chơi nào đặc trưng Tết nhất và vui về điều đó. Họ là những người hiểu hơn cả về Tết của dân tộc mình. Tôi nghĩ có lẽ những thú chơi Tết như ném pao, hát giao duyên sẽ hấp dẫn hơn cả”, bà Phương Thảo, Phó Viện trưởng ISEE nói. Công chúng có thể tham gia Tết Mông miễn phí. Bên cạnh đó, các quầy hàng sẽ bán một số đặc sản dân tộc như mật ong rừng, táo mèo khô, bánh dày, rượu táo mèo Mù Cang Chải.
Tết cổ truyền của nhóm Đình Làng Việt lại diễn ra muộn hơn một chút. Nhóm này hiện vẫn đang nhận đăng ký, hạn cuối là 25.1. Hoạt động Tết Việt của nhóm dự kiến diễn ra tại Đình So, xã Cộng Hòa, H.Quốc Oai vào ngày 30.1. Nhóm sẽ mở cuộc thi gói bánh chưng từ lúc 8 giờ sáng. Bánh sau đó cũng sẽ được luộc liên tục trong 12 tiếng bằng củi, luộc xong sẽ dâng lễ lên Thành Hoàng, một phần biếu dân làng. Mỗi người tham gia sẽ được nhận suất của mình 2 chiếc. Trong quá trình luộc bánh, các hoạt động bổ trợ như thư pháp, trưng bày bán tranh dân gian, diễn xướng dân gian cũng được tiến hành cùng lúc. “Người tham gia sẽ được xin chữ lấy may miễn phí. Ai muốn tìm hiểu về tục lễ đình đầu năm cũng sẽ có diễn đàn. Chương trình Hát cửa đình sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ chiều”, ông Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên của nhóm nói. Kinh phí tham gia để thuê xe đưa đón từ 51 Trần Hưng Đạo, ăn trưa và bánh chưng là 500 nghìn với người lớn, 250 nghìn với trẻ em.
Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc VN tại Đồng Mô, Hà Nội lại tổ chức gói bánh chưng trong ngày 30.1, từ 10 - 16 giờ. Sự kiện này có sự tham gia của khoảng 100 phật tử chùa Pháp Vân, chùa Khai Nguyên (Hà Nội) và khoảng 100 chiến sĩ trường Sĩ quan Lục quân 1. Các nghệ nhân làng Ước Lễ, H.Thanh Oai sẽ đích thân hướng dẫn gói bánh chưng. Khách du lịch trong nước và quốc tế có thể cùng tham gia gói bánh và gói quà cho người khó khăn.
Bánh chưng cùng với quà sẽ được tặng cho các thương bệnh binh nặng tại các trung tâm thuộc Hà Nội và Bắc Ninh; trẻ mồ côi tại các trung tâm thuộc thị xã Sơn Tây, Ba Vì; trẻ em dân tộc nghèo, hoàn cảnh khó khăn thuộc một số tỉnh Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng…; Nạn nhân chất độc da cam, theo đề xuất của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.