Cho và nhận thương yêu từ di sản đến cuộc sống

18/01/2023 07:28 GMT+7

Nhân ái của “Cho và Nhận” đã là một phần của người Việt từ rất lâu. “Cho và Nhận” trong tích truyện, trong đời sống bề bộn cũng đa dạng, nhưng đều có điểm chung là lòng Nhân.

Cho mà giả ác, cho tận hiến, cho biết điều

Cho và Nhận được mổ xẻ một cách đơn thuần lý tính theo kiểu giáo lý nhà Phật là “nhân nào quả nấy”. Nhưng cuộc sống bề bộn hơn thế nhiều. Nó được gửi vào những tích dân gian. Đã từng có những câu chuyện người ta hoàn toàn cho đi mà chẳng nhận về cái gì cả. Hoặc ngược lại…

Tích xưa có truyện nôm lục bát hai anh chàng Lưu Bình và Dương Lễ cùng nhau dùi mài kinh sử những mong đỗ đạt làm quan. Dương Lễ nhà nghèo, được gia đình Lưu Bình chu cấp nên phải gắng sức học. Lưu Bình nhà giàu học hành chểnh mảng, thi trượt. Dương Lễ đỗ làm quan, khi Lưu Bình tới chẳng thèm tiếp đón, chỉ sai gia nhân mang ra cho một bát cơm hẩm với cà thiu.

Trao kỷ niệm chương và hoa cho các nhân vật được vinh danh tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Sống đẹp lần 2, do Báo Thanh Niên tổ chức, ngày 21.12.2022

độc lập

Lưu Bình tức giận bỏ về quyết chí tu thân học hành. Dương Lễ lén sai người thiếp Châu Long của mình sang phụng dưỡng Lưu Bình. Châu Long thủ tiết không cho Lưu Bình gần gụi, chỉ hứa nếu đỗ đạt thì sẽ được thành thân. Kỳ thi năm ấy Lưu Bình đỗ trạng nguyên, võng lọng đến phủ quan Dương Lễ cũng muốn đôi lời trách bạn. Nhưng kiệu vừa ghé đến nơi đã thấy Dương Lễ cùng Châu Long ra rước vào. Lưu Bình chợt hiểu và lấy làm xấu hổ cho bụng dạ hẹp hòi của mình. Lưu Bình - Dương Lễ từ đó càng thân thiết hơn trước. Câu chuyện dừng ở chỗ kẻ cho và người nhận đã được bình đẳng.

Lại có chuyện anh chàng Trương Chi người thì cực xấu mà hát thì cực hay. Xấu đến nỗi không dám gặp ai, chỉ thui thủi một mình hát vọng ra bến sông. Tiếng hát lọt vào tai Mỵ Nương con gái quan tể tướng để nàng say mê rồi ốm tương tư. Tể tướng phải cho người đi tìm Trương Chi về.

Thế nhưng khi nhìn thấy gương mặt xấu xí của Trương Chi thì Mỵ Nương muôn phần thất vọng. Đuổi về. Trương Chi vì quá si tình Mỵ Nương nên nhảy xuống sông tự vẫn. Dân làng đem chôn và ngôi mộ ấy mọc lên một cây gỗ hoàng đàn. Người ta đem gỗ tiện thành bộ chén mang vào dâng, Mỵ Nương lấy chén ra pha trà. Khi rót nước vào chợt thấy bóng dáng anh chèo đò Trương Chi đang hát hiện ra. Mỵ Nương thương xót nhỏ một giọt nước mắt vào chén trà. Tất cả tan biến. Câu chuyện cổ tích này cho thấy anh chàng Trương Chi chỉ là kẻ muôn kiếp dâng hiến mà thôi. Đổi lại chỉ là một giọt nước mắt của Mỵ Nương.

Tục ngữ cổ của người Việt có câu “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu” là muốn nói đến cách cư xử lịch thiệp sòng phẳng mà ta hay gọi nôm na là “biết điều”. Tuy nhiên, cũng tục ngữ có câu “Thương người như thể thương thân”. Mới nghe có vẻ như đối chọi với câu tục ngữ trên, mà không phải. Thực ra chúng được các bậc lớn tuổi dạy dỗ có thứ tự hẳn hoi. Hãy cứ thương người như thể thương thân trước, rồi sẽ có ngày người ta cũng phải nhận ra nghĩa vụ báo đáp.

Nhật thịnh

Những nhân ái đồng bào

Những năm chiến tranh chống Mỹ gian khổ, hẳn là đồng bào ở các đô thị lớn còn chưa thể quên được những ngày sơ tán. Ai có quê hương họ hàng thì còn nhờ vả được. Ai không có chỉ còn biết trông vào lòng tốt của cư dân các vùng quê xa thành phố. Họ cưu mang dân phố từ nơi ăn chốn ở cho đến lương thực, thực phẩm những khi lỡ chuyến tiếp tế. Có những gia đình Hà Nội như thế đi sơ tán về những vùng quê không phải quê hương mình. Họ cầm cự được ở đấy nhiều năm liền cũng là nhờ vào truyền thống sẻ chia nhân ái ấy của đồng bào mình.

Những năm bao cấp khó khăn đủ đường, thị dân đã hình thành hẳn một nếp sinh hoạt tưởng như rất nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Đó là thăm hỏi nhau những lúc ốm đau. Quà cáp chỉ là cân đường, hộp sữa thôi nhưng nhiều khi phải vài người đồng nghiệp mới góp được cho đủ. Món quà thăm hỏi ấy dù người ốm không dùng đến vẫn có thể mang ra chợ bán lấy tiền thêm vào bữa ăn khốn khổ thời tem phiếu.

Giờ tất nhiên phong tục này vẫn còn. Cân đường, hộp sữa khi ốm trở thành chiếc phong bì. Nó không còn thiết thực như xưa, chỉ là món nhỏ thêm vào ngân sách chữa bệnh. Nhưng Tình trong đó vẫn còn nguyên.

Chúng ta lại vừa trải qua vài năm chống dịch Covid-19. Những tháng ngày thật ấm áp tình người. Từ mớ rau, con cá cũng có những người tận tâm đi kêu gọi và vận chuyển cho vùng cách ly. Họ đã quên đi chính mình, hy sinh cả tính mạng mình để giúp đỡ đồng bào gian khó…

Không ai làm thiện nguyện thiện tâm mà lại chỉ mong ngóng được lưu danh. Nhưng tôn vinh họ cũng là làm ấm lòng xã hội. Kết nối họ lại làm những Cho và Nhận theo đạo lý người Việt trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhiều năm gần đây, những ngày chủ nhật đỏ của phong trào hiến máu nhân đạo được nhiều người dân tự giác tham gia. Người tình nguyện hiến tạng cũng ngày một đông hơn. Hiến cho nhau đôi mắt, trái tim, quả thận…; họ cứu sống được rất nhiều đồng bào của mình. Họ có khi chẳng bao giờ có cơ hội nhận lại những gì mình cho đi nữa, nhưng vẫn tận hiến như nghĩa cử cuối cùng với cuộc đời.

Ngày bão lụt, thiên tai, lại liên tiếp đồng bào, văn nghệ sĩ và chủ doanh nghiệp khắp cả nước giúp đỡ những vùng thiên tai, bão lụt và tai nạn. Đã có rất nhiều người làm từ thiện chỉ với mỗi một yêu cầu thôi: Xin đừng phổ biến tên tuổi của họ. Nói như phương Tây, doanh nghiệp này doanh nghiệp kia đang làm “trách nhiệm xã hội”. Còn người Việt nghĩ giản đơn đó là cái nghĩa cử của người thành đạt muốn trả lại cho đời một chút tài sản của mình. Nghĩa cử này cũng dễ hiểu.

Mở hành lang pháp lý cho lòng nhân ái

Những người nghèo khổ xung quanh ta còn khá nhiều. Công nhân ở khu công nghiệp, có người suốt đời đi làm thuê vì không có ruộng đất. Bệnh nhân nằm ở các bệnh viện lớn với các chứng nan y. Với họ, chỉ là cốc nước và ổ bánh mì miễn phí thôi cũng là mơ ước. Cả xã hội vẫn chung tay giúp họ hằng ngày.

Ở Hà Nội có nhóm thiện nguyện của các nhà báo nghèo vẫn hằng tháng giúp xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai khi thì tiền bạc, khi thì tiêu thụ giúp họ sản phẩm rau mầm họ sản xuất nhỏ trong lúc chờ đợi chạy thận. Tất nhiên nhà nước vẫn có những chính sách lớn làm giảm đến mức tối thiểu người nghèo cả nước. Nhưng nhân dân mới chính là người bù đắp cho họ những thiệt thòi tức thì. Nhỏ thôi nhưng ý nghĩa thật lớn. Nó chính là một tính cách ngàn đời của người Việt chưa hề bị mai một.

Nhưng nhà nước cũng cần có những con đường rộng để khuyến khích người dân đi trên đó mà làm điều thiện nguyện. Nhớ năm nào, việc thành lập Quỹ Cơm có thịt của ông Trần Đăng Tuấn mãi mới xong thủ tục thành lập. Quỹ thành lập chậm ngày nào, việc đóng góp, chuyển tới cho trẻ nghèo vùng cao khó thêm ngày ấy. Có nơi, gạo mang phát cho dân bị cất kho tới ẩm mục phải bỏ đi.

Không ai làm thiện nguyện thiện tâm mà lại chỉ mong ngóng được lưu danh. Nhưng tôn vinh họ cũng là làm ấm lòng xã hội. Kết nối họ lại làm những Cho và Nhận theo đạo lý người Việt trở nên mạnh mẽ hơn.

Đó là khi Báo Thanh Niên lan tỏa điều tử tế, vinh danh những chiến sĩ cứu hỏa, cậu bé cứu người đuối nước… Đó cũng là khi bạn đọc Báo Thanh Niên góp tiền để “cùng con đi tiếp cuộc đời”… Những nghĩa cử mở ra đó, ngày nối ngày, sẽ làm Cho và Nhận được nối dài theo truyền thống. T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.