Chợ thực phẩm online cận tết: Hệ lụy 'sớm nở, tối tàn' nghiêm trọng tới đâu?

Thúy Liễu
Thúy Liễu
25/01/2024 11:50 GMT+7

Mua sắm thực phẩm online trên không gian mạng, qua các sàn thương mại điện tử hỗ trợ rất nhiều cho người mua trong cuộc sống bận rộn hiện nay. Tuy nhiên, với lĩnh vực thực phẩm, vẫn còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng.

Báo cơ quan chức năng khi mua phải thực phẩm online kém chất lượng

Trả lời Thanh Niên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, những cửa hàng kinh doanh thực phẩm online trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử vẫn phải có bước công khai đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng như chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng.

"Khi mua thực phẩm online mà gặp phải thực phẩm kém chất lượng, không giống quảng cáo thì người tiêu dùng vẫn có thể phản ánh đến cơ quan chức năng như hội bảo vệ người tiêu dùng để tiến hành các thủ tục khiếu nại, khởi kiện như khi mua hàng ở các chợ truyền thống, siêu thị… Cạnh đó, người dân cũng có thể gọi điện vào số đường dây nóng 02839301714 của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM để chúng tôi xác minh và xử lý theo đúng pháp lý", bà Lan thông tin.

Chợ thực phẩm online cận tết: Hệ lụy 'sớm nở, tối tàn' nghiêm trọng tới đâu?- Ảnh 1.

Người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm và lựa chọn kênh bán hàng uy tín

THÚY LIỄU

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng lưu ý, việc kinh doanh thực phẩm online sẽ khó kiểm soát hơn kiểu truyền thống do mọi thao tác đều diễn ra trực tuyến, người mua và người bán không hề gặp nhau.

Khi xảy ra vấn đề về chất lượng thực phẩm online, người mua khó có bằng chứng chứng minh đã mua hàng ở đó và khi cơ quan chức năng tìm đến để kiểm tra thì trang bán hàng và người bán đã xóa, rồi vài ngày sau lại mở một địa chỉ khác để bán. Theo bà Lan, việc quản lý kinh doanh online không chỉ mỗi ngành thực phẩm gặp khó khăn mà các hàng hóa khác cũng bị phản ánh.

"Tôi nghĩ là khi mua hàng online thì người mua họ cũng đã có tâm lý 50 - 50 rồi, nếu may thì được chỗ tốt, nếu không thì thôi, sau này không mua ở đó nữa. Kể cả mua hàng truyền thống mà người mua không lấy hóa đơn, chứng từ đầy đủ thì khi xảy ra vấn đề, công tác khiếu nại sẽ gặp khó khăn do không chứng minh được người mua đã mua hàng tại đó", bà Lan nói.

Thực phẩm không an toàn có thể gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Thạc sĩ Ngô Duy Anh Triết, Phó trưởng bộ môn Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm (Trường đại học Công thương TP.HCM) khuyến cáo, sử dụng thực phẩm không được kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng và nhiễm độc. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, sốt, suy thận, liệt cơ…, thậm chí tử vong.

Theo báo cáo tại buổi họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ngày 3.1.2024) ở TP.Hà Nội, năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong. Đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum - một độc tố rất hiếm gặp.

"Người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin liên lạc, địa chỉ cửa hàng của nhà bán hàng trên website hoặc trang mạng xã hội của họ. Đọc đánh giá và nhận xét từ khách hàng đã mua trước đó cũng là cách để kiểm tra uy tín của người bán. Người mua phải đọc kỹ mô tả sản phẩm, bao gồm thông tin về nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản để đảm bảo thông tin cần thiết được cung cấp và phù hợp với nhu cầu sử dụng", thạc sĩ Triết nói.

Người mua có thể kiểm tra các chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc các chứng nhận chất lượng khác mà nhà bán/nhà sản xuất có như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy công bố chất lượng sản phẩm, các chứng nhận về an toàn thực phẩm như HACCP, ISO 22000, FSSC 22000, IFS… Đối với khách hàng mua hàng trực tuyến, khi nhận hàng, phải kiểm tra kỹ sản phẩm và đảm bảo rằng hàng hóa được đóng gói gọn gàng và an toàn, lưu trữ sản phẩm theo hướng dẫn của người bán để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mua thực phẩm online, tránh những website 'sớm nở, tối tàn'

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, người dân khi mua hàng trên mạng nên chọn những cửa hàng uy tín, có nhiều lượt khách hàng sử dụng và đánh giá tốt, tránh những website "sớm nở, tối tàn".

"Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo tất cả những đơn vị, tổ chức, cá nhân buôn bán online thực phẩm phải ghi nhớ, dù bán online nhưng những sản phẩm đấy là sản xuất ra để bán cho cộng đồng. Vì vậy, người bán phải có những thủ tục cần thiết về tự công bố sản phẩm và là đối tượng để các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất. Đồng thời, trình bày những giấy tờ đó cho người mua chứ không phải chỉ có những lời quảng cáo sáo rỗng", bà Lan nhấn mạnh.

Chợ thực phẩm online cận tết: Hệ lụy 'sớm nở, tối tàn' nghiêm trọng tới đâu?- Ảnh 2.

Trên các chợ thực phẩm online, dễ dàng tìm thấy các loại thực phẩm từ tươi sống đến chế biến sẵn cùng quảng cáo "có cánh"

THÚY LIỄU

Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trước tết đã được Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tiến hành trước đó một thời gian khá dài, tập trung vào các kho bãi chứa nguyên liệu, cơ sở sản xuất và phân phối thực phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở sản xuất kinh doanh mức độ lớn, hệ thống hiện đại, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng và quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, thì vẫn tồn tại nhiều cơ sở nhỏ lẻ, tự phát, kể cả là không phép mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết được.

"Chúng tôi rất cần sự trợ giúp từ cộng đồng, người dân nếu phát hiện những cơ sở sản xuất kinh doanh quá mất vệ sinh, hãy báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn thực phẩm bẩn được đưa ra thị trường. 11 đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và các đoàn liên ngành của 21 quận, huyện, TP.Thủ Đức đang được huy động để thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Người dân khi mua phải thực phẩm kém chất lượng thì đừng ngậm ngùi chịu đựng một mình mà hãy báo cáo để chúng tôi tổng hợp và tiến hành xác minh, xử lý vi phạm đó", bà Phạm Khánh Phong Lan kêu gọi.

8 dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường để kiểm tra chất lượng thực phẩm

1. Kiểm tra hạn sử dụng: Xem ngày hết hạn sử dụng được in trên bao bì thực phẩm để đảm bảo thực phẩm vẫn còn trong thời hạn sử dụng.

2. Kiểm tra bao bì, nhãn mác: Xem xét bao bì thực phẩm để xem có bất kỳ dấu hiệu hư hỏng, rách, biến dạng hoặc bị nứt không; tránh mua các sản phẩm có bao bì bị hỏng, nhàu nát hoặc không kín đáo; sản phẩm phải có tên, địa chỉ của nhà sản xuất và số công bố chất lượng theo quy định trên nhãn mác được in lên bao bì.

3. Màu sắc: Nếu màu sắc của thực phẩm không tự nhiên hoặc có sự thay đổi đáng ngờ, có thể là dấu hiệu của vi khuẩn phát triển hoặc quá trình ô xy hóa.

4. Mùi hương: Nếu có mùi hôi, mùi lạ hoặc mùi khác thường, có thể là dấu hiệu của thực phẩm đã hỏng hoặc không tươi.

5. Vết nứt hoặc phồng: Kiểm tra thực phẩm có bất kỳ vết nứt hoặc phồng lên không? Điều này có thể chỉ ra sự ô xy hóa hoặc sự phát triển của vi khuẩn bên trong thực phẩm.

6. Độ ẩm: Kiểm tra độ ẩm của thực phẩm. Thực phẩm quá ẩm có thể dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và mốc.

7. Độ đồng đều: Kiểm tra sự đồng đều của màu sắc, kết cấu và hình dạng. Nếu có sự không đồng đều hoặc khác biệt lớn, có thể là dấu hiệu của quá trình chế biến không đúng hoặc sự biến đổi không mong muốn.

8. Điều kiện bảo quản: Nhiệt độ bảo quản thực phẩm cần tuân thủ theo sự khuyến cáo của nhà sản xuất trong hạn sử dụng đã xác định.

Tiểu thương chợ kẹo mứt xoay xở hút khách: Vừa nghĩ đủ kiểu tạo hình vừa bán online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.