Chợ quê ngày 30 tết ở miền Tây sông nước có gì đặc biệt?

Phúc Kha
Phúc Kha
21/01/2023 11:33 GMT+7

Phiên chợ quê 30 tết dù có hối hả, có vội vàng cho kịp giờ nấu mâm cơm tất niên, vẫn không thiếu được nụ cười chân chất, hiền hậu của cả người bán lẫn người mua. Phiên chợ diễn ra giữa dòng người chen chúc nhau, trong tiếng nói cười, chào bán nhộn nhịp.

Ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần, chợ quê tôi rộn ràng, tấp nập hơn thường ngày. Vậy là thêm một năm nữa lại trôi qua, người trẻ tạm gác lại công việc, với những lo toan cuộc sống đời thường để háo hức ngắm chợ quê 30 tết, cảm nhận vẻ đẹp của những phiên chợ cuối cùng trước khi năm cũ khép lại để chào đón một năm mới với nhiều hy vọng tươi sáng.

Sáng 30 tết, tôi chạy xe len lỏi trong không gian thoang thoảng mùi hương hoa mai, rất đặc trưng của tết miền Tây sông nước. Ngày cuối năm, những tuyến đường quê tấp nập người dân đi chợ mua hoa, trái cây, mứt tết...

Khung cảnh nhộn nhịp của phiên chợ cuối năm

PHÚC KHA

Chợ quê họp từ sáng sớm đến khoảng 12 giờ trưa, thời gian còn lại tiểu thương rục rịch dọn dẹp, trở về mái nhà của mình, nấu mâm cơm cúng tất niên, mời ông bà tổ tiên về ăn tết. Những ngày giáp tết, chợ quê lại thêm rộn ràng và náo nhiệt. Dù có bận rộn cho công việc cuối năm nhưng mọi người vẫn tranh thủ việc mua sắm tết trong gia đình. Chợ quê là nơi gắn bó và lưu giữ kỷ niệm của nhiều người đứa con xa quê.

Chợ quê 30 tết luôn đặc biệt, bởi đây là phiên chợ cuối cùng của năm và cũng là phiên chợ đông đúc, nhộn nhịp nhất trong năm. Mọi sản vật do người dân địa phương trồng, nhiều mặt hàng nông sản được bà con chăm chút cả năm cũng được mang ra bày bán tại đây. Nào bưởi long Cổ Cò, nào xoài cát Hòa Lộc, nào quýt đường Cái Bè… Những sản phẩm của người nông dân làm ra không thể thiếu, góp phần làm nên sự độc đáo của chợ quê.

Tiểu thương ngồi sát mặt đất, phía trước trải một tấm bạt để bày bán các mặt hàng. Đây cũng là một đặc trưng cho chợ tết ở quê

PHÚC KHA

Các mặt hàng bày bán tại chợ quê rất đa dạng và giá cả phải chăng, từ bánh mứt, thịt cá, rau củ quả, hoa... và những món không thể thiếu ngày tết như bánh tét, củ kiệu. Trong buổi chợ cuối năm, tôi cảm thấy luôn có sự cảm thông, giao hòa giữa người bán và người mua.

Tuy đã đi nhiều nơi, đến nhiều chợ, nhưng tôi vẫn thích thú khi được ngắm nhìn chợ quê ngày 30 tết rất rộn ràng, tấp nập. Những món hàng “cây nhà lá vườn” cũng được bà con đưa ra chợ bán, kiếm thêm ít tiền tiêu xài trong những ngày tết. Ai ai cũng mong muốn mau chóng bán hết mớ rau, mớ trái cây để trở về bên mâm cơm tất niên. Vì thế không khí mua bán tại phiên chợ ngày cuối năm khẩn trương hơn bao giờ hết.

Tiểu thương ngồi sát mặt đất, phía trước trải một tấm bạt để bày các mặt hàng. Đây cũng là một đặc trưng cho chợ tết ở quê

PHÚC KHA

Ngắm vườn quýt hồng chín rộ, nếm thử nem Lai Vung gây thương nhớ dịp tết này

Đi chợ tết, tôi càng cảm nhận được giá trị của gia đình, tết không phải là mâm cao cỗ đầy, tết là hạnh phúc bình dị, người thân ngồi bên nhau, nấu một bữa ăn, nghe con cái kể chuyện năm qua, nghe mẹ cha kể chuyện tết xưa.

Tết, với người trẻ, đặc biệt là những đứa con xa xứ luôn là những ngày êm đềm nhất, dù khi họ không còn là trẻ con nữa. Bao nhiêu năm đã qua đi, hình ảnh chợ quê ngày 30 tết vẫn in đậm trong tâm trí của tôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.