Chợ Lớn, lang thang ngóc ngách ký ức: Lối xưa xe ngựa 'Mã xế họn'

30/07/2019 12:32 GMT+7

Hẻm người Hoa ở Chợ Lớn luôn chứa nhiều điều thú vị với những ai muốn tìm hiểu văn hóa của người Hoa ở TP.HCM. Hẻm Mã xế họn (Mã xa hạng) dù không còn sửa xe ngựa nữa nhưng dấu ấn thì còn mãi.

Các hẻm người Hoa ở khu Chợ Lớn đa phần đều được đặt tên. Tên gọi có thể là tên của ngành nghề của người dân sinh sống tại hẻm đó, tên quê gốc hoặc tên của người chủ xây khu nhà. Các bảng tên này thường được viết bằng tiếng Hoa, treo ngay chính giữa cổng vào.
Theo một số tài liệu, các khu nhà của người Hoa ở Chợ Lớn phân ra 4 loại thường gặp là lý, hạng, phường, cư. Trong đó, lý là làng hoặc xóm, hạng là hẻm, phường là khu nhà của những người làm cùng một ngành nghề thường do ông chủ xây cho những người làm thuê ở, cư là khu nhà chung
Tác giả Nguyễn Đức Hiệp trong Sài Gòn - Chợ Lớn viết: Chợ Lớn cách Sài Gòn khoảng 6km, trước đây từng được coi là thủ đô lúa gạo của toàn Đông Dương. Vai trò của Chợ Lớn là cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Nam kỳ xưa kia và cả ngày nay. Lịch sử Sài Gòn gắn liền với lịch sử Chợ Lớn. Chợ Lớn được thành lập trước Sài Gòn.
Cũng theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp, Sài Gòn thật ra là tên trước đây đặt cho khu Chợ Lớn và chính tên Sài Gòn có thể có nguồn gốc từ “Tai Ngon” hoặc “Tin-Gan” (Hán Việt là Đề Ngạn, chỉ thành phố gần đê dọc kênh Tàu Hủ) mà người Quảng Đông đọc là Thầy Ngòn” hay “Thì Ngòn”.
Những năm gần đây, cảnh quan đô thị ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã thay đổi thật nhanh chóng qua sự bùng nổ dân số và kinh tế cùng các cơ sở hạ tầng và sự mở rộng đô thị với nhiều quận mới được thành lập.

Không biết chủ nhà đi đâu

Hẻm ở khu Chợ Lớn đã trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, có những con hẻm không còn nhiều dấu ấn của người Hoa nữa nhưng vẫn còn lưu giữ được những đặc trưng riêng biệt của mình. Mã Xa hạng là một con hẻm như thế.
Bảng tên hẻm đặt ngay chính giữa cổng ra vào Vũ Phượng
Người viết tìm đến hẻm 671 đường Nguyễn Trãi theo sự chỉ dẫn trên nhiều tài liệu giới thiệu đây là hẻm Mã xa hạng (tạm dịch là hẻm xe ngựa). Vừa dừng xe đầu hẻm đã thấy tấm bảng viết 3 chữ Tàu màu vàng nền đỏ nổi bật chính giữa cổng. Còn chưa kịp hỏi đó là chữ gì thì mấy người đang ngồi uống nước nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa liền quay ra nói: “Mã xế họn. Mã xa Hạng. Hẻm xe ngựa đó”.
Đây là một con hẻm cụt, khu nhà được xây hình chữ L, 3 lầu, căn nào căn nấy y chang nhau về thiết kế. Bà Minh (65 tuổi), nhà ở lầu 1 cho biết, đáng lý là sẽ xây hình chữ T cho cân đối nhưng sau đó không hiểu sao chỉ xây được chữ L, khoảnh đất còn lại giờ thành nơi để họp tổ dân phố.
Bà Minh thuê nhà ở đây từ năm 1972 do người Hoa làm chủ. Tới giờ, bà Minh cũng chỉ biết chủ nhà đã xuất ngoại mà bỏ lại hàng chục hộ thuê nhà. Rồi sau 1975, bà bắt đầu đóng tiền hàng tháng cho nhà nước. Ở mãi đến khoảng năm 2007 thì được đóng tiền làm giấy tờ hợp thức hóa sang tên của gia đình bà.
Căn nhà rộng chừng 70 m2, được xây gác lửng chắc chắn. Khác với các chung cư hiện đại ngày nay, khu nhà trong Mã xa hạng được xây khá cao nên không gian thoải mái. Cả gia đình ba thế hệ 8 người ở mà vẫn thấy rộng.
Thùng trà đá dễ thương của một tiệm bánh online ở ngay đầu hẻm Vũ Phượng
Những nhà ở tầng trệt đều đã làm cổng ngay phần sân nhỏ trước nhà để có thêm chỗ để đồ Vũ Phượng
“Xưa hẻm này kêu là hẻm xe ngựa vì có nhiều người sửa xe ngựa. Đi tới hẻm là lúc nào cũng thấy có xe ngựa với ngựa đậu ngay đầu hẻm, riết hồi người ta gọi là hẻm xe ngựa đó. Ngày trước những người Hoa gặp nhau ngoài đường sẽ hỏi mày sống ở đâu thì nói “Mại xế hỏn” là ai cũng biết ở đây. Mà phải nói đúng là Mại xế hỏn chứ nói Mã xế hạng hay hẻm xe ngựa có thể người ta không biết đâu, vì nhiều người già 70, 80 tuổi ở lâu năm không biết tiếng Việt. Còn ngày nay, đi đâu cứ nói ở chung cư 671 là ai cũng biết”, bà Minh kể về nguồn gốc tên hẻm.

Không còn nhộn nhịp như xưa

Gia đình bà Minh là người gốc Việt nhưng vẫn giữ nếp truyền thống của người Hoa là thờ thiên, thờ địa ở ngay mé cửa ra vào. Bà Minh cho biết: “Từ lúc tôi tới ở đã thấy có sẵn hai bàn thờ ngày, mà người ta xây vậy đó, nhà nào cũng vậy. Cũng theo đạo Phật nên có bàn thờ thì tôi cứ thắp nhang cúng bình thường”.
Theo lời bà Minh, ngày nay khu hẻm yên tĩnh, nhà nào đóng cửa biết nhà nấy chứ không nhộn nhịp như ngày xưa, thời mà xe ngựa còn đi ra đi vào thường xuyên trong hẻm, những đứa nhỏ chạy chơi rần rần ở dọc hành lang và phần sân chung.
Chỉ vào phần cầu thang bị nứt sát bên nhà, bà Minh nói: “Chỗ này đáng ra không bị nứt đâu, mà có thời, người ta chủ yếu đun củi nên lấy củi về rồi mang ra ngay cầu thang chặt. Chặt hoài mà nứt cầu thang đến giờ. Thấy vậy chứ cũng còn chắc chắn lắm. Hai năm trước nghe phong phanh chuyện giải tỏa, tôi cũng lo người ta xây mới rồi không còn rộng rãi như thế này, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy rục rịch. Chừng nào người ta kêu đi thì mình đi thôi”.
Ở lâu, bà Minh cũng biết đôi ba câu tiếng Hoa để nói chuyện với hàng xóm. Nhưng càng ngày trong hẻm lại càng nhiều người Việt, người Hoa ít dần. Vậy nên vốn tiếng Hoa của bà lâu ngày không có dịp sử dụng nên bà lại quên mất.

Giữ nguyên thiết kế

Bà Trang (48 tuổi) cho biết gia đình bà ở căn nhà trên lầu 1 từ thời ông bà, cách đây hơn 50 năm. Ông bà của bà Trang là người gốc Hoa, sang Việt Nam ở rồi sinh cha mẹ bà. Bà Trang hay đùa: “Tôi cũng sinh ở đây luôn nên giờ tôi thích nói tôi gốc Hoa thì nói, mà nói gốc Việt thì nói à”.
Những căn nhà giống nhau về mặt thiết kế, những ô rộng bên trên giúp không gian trong nhà không bị bí, cửa chính lớp ngoài cùng là cửa sắt, bên trong là cửa gỗ Vũ Phượng
Những hẻm của người Hoa ở Chợ Lớn hầu như đều có cầu thang ở ngay đầu hẻm để đi lên lầu, người dân ở lâu năm tận dụng được khoảnh hẻm để bán nước uống giải khát hoặc đồ ăn phục vụ người dân trong hẻm Vũ Phượng
Bà Trang cho biết, khi gia đình bà bắt đầu vào ở thì dãy nhà chỉ còn chung thiết kế, màu sơn đã khác nhau theo ý thích của chủ nhà chứ không còn chung một màu như ban đầu. Ngày trước màu sơn có nét cổ kính, nhìn u buồn, dần dần người ta sơn những màu tươi hơn, sáng sủa hơn. Nhà nào có tiền thì ốp gạch men để tường sạch sẽ hơn.
Mỗi nhà đều có 2 lớp cửa, cửa sắt kéo ở ngoài và cửa gỗ ở trong. Bà Trang tâm sự: “Cửa xài từ hồi đó tới nay mà vẫn còn tốt đây nè. Chưa phải thay gì hết, chỉ có lâu lâu buồn quá sơn lại nhà nhìn cho tươi mới thôi”.
Bà Trang cũng kể, ngày trước những nhà ở tầng trệt không phải có cổng như bây giờ mà chỉ có cửa ra vào nên phần sân dưới rất rộng, xe hơi đi vào cũng được. Dần dà người ta lấy phần sân nhỏ trước nhà quây thành cái cổng cho chắc chắn để dựng xe cộ cho yên tâm. Những nhà ở trên lầu thì gửi xe ở đường Triệu Quang Phục gần đó.
Sau một hồi nhìn ngó khắp khu nhà, bà Trang thở dài: “Ngày trước người ta còn mang ghế, trải chiếu ra trước nhà ngồi hóng gió, nói chuyện để nhìn tụi con nít đùa giỡn. Còn nay nhà nào cũng có máy lạnh, có ti vi nên ngồi trong nhà chứ không ra ngoài nữa. Khu nhà này cũng trở nên buồn hơn…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.