Chợ hoa Xuân “nhà giàu” cũng ảm đạm

07/02/2021 17:00 GMT+7

Trong khi Đà Lạt phải giải cứu hoa mùa Tết thì tại TP.HCM, n gười bán hoa bắt đầu sốt ruột, đếm ngược từng ngày phập phồng lo lắng do lượng người mua không cao như dự tính.

Hoa mai từ Bình Định, đào từ Hà Nội “lặn lội” vào Sài Gòn đón Tết

Sáng 6.2 (25 Tết, trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM), một tấm bảng viết vội dòng chữ “Mai đồng giá 380k” (380.000 đồng). Trên lề đường rộng là hàng chục chậu mai khoa sắc vàng ươm đầy sức sống. Người bán cho biết, mai nở sớm, muốn bán nhanh, bán lỗ để về quê sớm. “Hoa này chơi được thêm tuần nữa là tàn. Mua bây giờ đến mồng 3 Tết tàn là vừa. Muốn chơi hoa chưng đến rằm thì phải trả tiền triệu đến chục triệu đồng”, người bán cố thuyết phục khách qua đường mua. Tuy nhiên, săm soi một hồi, khách lắc đầu bảo hoa này tàn hết trước Tết với thời tiết nắng nóng như ở Sài Gòn lúc này. Chạy xe tiếp, nguyên đoạn đường Thành Thái kéo dài từ ngã tư Tô Hiến Thành đến đường Bắc Hải (Q.10) đều ngập tràn những chậu hoa mai, bên kia đường là những lan chậu, cúc, hoa đào, cẩm chướng... Đoạn đường này cây hoa mai hoành tráng hơn, tất nhiên giá cao hơn nhiều. Đa số chở được chở từ nhà vườn Thủ Đức, Bến Tre, Đồng Tháp lên.
Những chậu mai không trau chuốt, không được uốn ép bởi bàn tay nghệ nhân, được thanh niên bán hàng tên Thắng hô giá 6 triệu đồng. Trả 5 triệu đồng, lắc đầu bảo chưa đủ vốn. Một người đàn ông giới thiệu tên Châu, chở hoa mai từ Bình Định vào bán, giá mỗi chậu từ 14 – 150 triệu đồng. Nếu thuê giá từ 9 – 70 triệu đồng, từ nay đến mồng 10 Tết trả cây. Chỉ một chậu mai cúc mới nở đúng 1 bông trên cành, ông Châu ra giá 24 triệu đồng, thuê 10 triệu đồng; chậu kia cao nhất, đẹp nhất giá bán 150 triệu đồng, giá thuê 70 triệu đồng; chậu búp nhiều đó 50 triệu đồng, thuê 20 triệu đồng… Hỏi nếu khách không thuê hết? Anh nói giọng trầm buồn: “Thì chở ra quê thôi. Năm nay cũng định “đơm” dân miền Trung ở lại Sài Gòn ăn Tết nhiều, nên chở vào nhiều hơn năm ngoái, nhưng lượng hàng bán và cho thuê thì chưa bằng một nửa năm ngoái cùng thời điểm”.

Những chậu hoa đào "lặn lội" vào miền Nam đón Tết

Ảnh: Ng.Nga

Bên kia đường, lác đác có vài cửa hàng bán chậu hoa đào được chở vào từ Hà Nội. Người bán hàng vựa hoa Tuyền cho hay, năm nay cũng “tha” mấy chục chậu hoa đào nguyên cây từ Hà Nội vào bán do dân Bắc không ra quê ăn Tết. Giá cây đào “mềm” hơn mai với 3 mức giá: 1,5 triệu đồng, 2,5 triệu đồng và 4 triệu đồng, chưa tính tiền chậu. “Tìm mua đào cắt cành giờ này không có đâu, có chăng đi máy bay vào bán trong các shop nhưng giá nay cũng cao rồi”, người bán cho biết. Tuy nhiên, người bán cũng thừa nhận, bị “hố hàng” do người mua hoa đào nguyên cây ít quá, vào mấy chục chậu mà mới bán được 6 chậu.

Chụp ảnh đường hoa giữa Covid-19, người Sài Gòn “giấu” nụ cười sau lớp khẩu trang

Chưa năm nào ế như năm nay

Nổi tiếng là nơi quy tụ những chậu cây kiểng độc, lạ, hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng (Q.7) là điểm hẹn của những “tín đồ” chơi cây mỗi dịp tết đến, xuân về. Mọi năm, từ khoảng 20 âm lịch, hàng ngàn chậu hoa quý, cây lạ đã được vận chuyển từ khắp nơi về đây, thu hút rất nhiều người dân TP.HCM tới thăm quan, mua về trưng tết. Thế nhưng năm nay, đã 24 Tết, chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng vẫn vắng tanh, người mua không có, người bán cũng thẫn thờ.

Chợ hoa mai bên Phú Mỹ Hưng (Q.7) trưa 25 Tết không bóng người

Ảnh: H.Mai

“24 mà con coi đấy, chẳng có ai. Mọi năm tầm này thì đông kín từ trưa đến chiều, 23 là cô đã ngồi phía trước đón khách tấp nập rồi. Chưa năm nào ế ẩm như thế này” – vừa lúi húi dọn chậu tưới phía trong tấm bạt, cô Năm, từ Cai Lậy (Tiền Giang) đã 4 năm liên tiếp đưa mai lên góp hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng, vừa than thở. Theo cô Năm, mai năm nay đứng bông, “thua” năm ngoái do bị mặn. Mới đầu nghe tin dịch bệnh căng thẳng, cô Mai tính không lên bán nhưng lỡ đặt tiền rồi, đành phải đi bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu, chỉ mong đủ hoàn vốn. Số lượng mai từ Cai Lậy lên tới Sài Gòn cũng giảm đi một nửa. Tuy vậy, chỉ còn vài ngày nữa là tới 30 Tết nhưng những gốc mai vẫn nằm đó chờ người tới coi, choáng hết khoảng đất 8m2 mà cô Năm thuê. Mai bán “nhỏ giọt”, trưng mấy ngày mới bán được vài gốc nhỏ.
“Nói về cây thì năm nay cũng không có gì đặc sắc. Mọi năm giá mai giao động từ 3 – 10 triệu đồng tùy loại, năm nay giảm xuống một chút. Tầm này cao điểm nhưng không giảm không được vì chẳng có ai mua. Trong khi phí thuê nền thì tăng 4 triệu đồng so với năm ngoái, không bán rẻ thì có khi không đủ vốn mà trả tiền xe về. Thấy báo đài đưa tin năm nay nhiều người không về quê, ở lại TP.HCM ăn tết, hy vọng mai, ngày kia đông hơn chứ ế thế này từ giờ đến 30 thì chết chắc. Dịch dã khổ quá” – người phụ nữ nhỏ nhắn, trạc 50, đội chiếc nón đã sờn vành, chiếc khăn rằn cũ kỹ che kín khuôn mặt, lắc đầu thở dài.
Gần đó, vợ chồng cô chú Giang – Xuân từ Bến Tre lặn lội vận chuyển mai chiếu thủy lên Sài Gòn bán dịp Tết tự nhận mình là những nhà buôn “bướng” nhất, “cứng đầu” nhất vì dịch dã như thế này vẫn cố mang mai ra bán. “Mấy anh em bạn bè năm ngoái đi cùng tôi năm nay ở nhà tránh dịch hết rồi. Sợ càng bán, càng lỗ. Mình thì liều thôi, lại thành độc quyền. Cô có đi khắp khu này năm nay cũng chẳng thấy ai bán mai chiếu thủy, ngoài tôi đâu. Độc quyền nhưng yên tâm cũng không có chuyện bán đắt, vì có mấy khách đâu mà tăng giá được” – chú Xuân cười, bông đùa mấy câu để vơi đi nỗi buồn của một năm buôn bán ảm đạm.
Đâu đó có những tiếng thở dài của người bán, lao xao tiếng hỏi giá rồi bỏ đi trong nắng xuân những ngày cuối năm, chẳng ai bảo ai nhưng cùng chung cảm xúc. Covid-19 quả thật đã mang đi quá nhiều niềm vui ngày xuân của người dân TP.HCM.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.