Chợ đồ cổ ở Stuttgart

20/02/2015 05:00 GMT+7

(TN Xuân) Chợ đồ cổ với những món đồ nhuốm màu thời gian nhưng mang lại cho người sở hữu một niềm vui tươi mới. Một nơi hội tụ cả yếu tố lịch sử, văn hóa, thương mại mà du khách luôn muốn quay trở lại.

(TN Xuân) Chợ đồ cổ với những món đồ nhuốm màu thời gian nhưng mang lại cho người sở hữu một niềm vui tươi mới. Một nơi hội tụ cả yếu tố lịch sử, văn hóa, thương mại mà du khách luôn muốn quay trở lại.
Du khách đang xem chiếc radio sản xuất năm 1938 mất núm vặn giá 180 euro - Ảnh: Đ.P.TDu khách đang xem chiếc radio sản xuất năm 1938 mất núm vặn giá 180 euro - Ảnh: Đ.P.T
Ở châu Âu, những phiên chợ đồ cổ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa thương mại của người dân và du khách đến đây. Nổi tiếng phải kể đến chợ trời lớn nhất châu Âu là chợ Lille (Pháp) đã có thương hiệu từ năm 1127, hay chợ trời Berlin (Đức), chợ đồ cổ Warsaw (Ba Lan).
Chủ hàng và khách cùng nâng ly mừng Giáng sinh và năm mới - Ảnh: Đ.P.T
Chủ hàng và khách cùng nâng ly mừng Giáng sinh và năm mới - Ảnh: Đ.P.T
Món gì cũng có
Đầu tháng 12, đoàn nhà báo chúng tôi sang Đức dù không đến Berlin nhưng lại may mắn có mặt tại Stuttgart, một thành phố phía nam, đúng vào dịp chợ đồ cổ mở cửa. Mỗi năm, chợ đồ cổ Stuttgart chỉ diễn ra từ đầu tháng 11 đến hết Giáng sinh.
Nằm trên quảng trường trung tâm thành phố với hai dãy nhà bạt trắng tinh, kín và ấm áp trong mùa đông lạnh lẽo châu Âu là khoảng 20 gian hàng, bán đủ các loại. Từ trang sức, bàn ghế, đồng hồ, búp bê, huy hiệu, bưu thiếp, đĩa nhạc, đèn chùm các loại, máy khâu cổ, bút các loại, những chiếc radio từ trước Thế chiến thứ 2 vẫn hát om sòm...
Đến đây bạn có thể sẽ bị mê hoặc bởi các gian hàng đồ sứ có xuất xứ từ Anh, Slovakia, Hungary, Czech... với các loại ấm chén cổ, bình hoa, đèn sứ, bát đĩa kiểu... cùng các loại họa tiết trang trí đẹp rực rỡ, ấm áp, hoặc viền vàng hoàng kim sang trọng, hoặc họa tiết hoa leo mảnh mai thanh nhã... Một bộ đồ trà men hoa xanh tuổi từ năm 1930 xuất xứ Slovakia với gần 20 món: đĩa tách, chén, ấm to, nhỏ, bình đường, thìa, gạt tàn cầm lên tay thấy nhẹ bâng và mỏng tang. Xúm quanh trò chuyện với bà bán hàng phúc hậu và nói chúng tôi đến từ Việt Nam, sau một hồi kỳ kèo từ giá niêm yết 65 euro, món hàng đã về tay một thành viên trong đoàn với giá 45 euro đồng thời còn được khuyến mãi một con chim sứ. Chủ khách đều hỉ hả, đóng hộp bưng đi.
Trang sức cũng là mặt hàng hút khách. Các loại nhẫn, bông tai chủ yếu bằng vàng 24K gắn kim cương, ngọc trai, đá opal, peridot, painite, garnet... chỉ nghe thôi đã “hoang mang” khi lựa chọn.
Tại chợ Stuttgart, trang sức bằng ngà voi cũng rất đẹp và tinh xảo. Những bông hoa cài áo chạm từ ngà voi mềm mại như cánh hoa thật, hay mặt dây chuyền chạm tổ chim xinh xắn có chú chim con đang há mỏ chờ mẹ về, hoặc những cặp nhẫn đôi ngà voi rất ấn tượng. Tuy nhiên giá không hề rẻ chút nào, mỗi món thường khoảng từ 50 đến 500 euro.
Một góc gian đồ sứ - Ảnh: Đ.P.T
Một góc gian đồ sứ - Ảnh: Đ.P.T
“Bạn đã mua được món quá hời”
Thực sự hấp dẫn tôi là các loại đồng hồ, từ đeo tay, treo tường, để phòng khách, hay nhỏ xíu đeo ở cổ đều có ở đây. Có những chiếc thực sự là kiệt tác điêu khắc tinh xảo bằng nhiều chất liệu gỗ, đá, sứ, sừng, đồng, bạc, vàng... Có chiếc giá hàng ngàn tới cả trăm ngàn euro, tương đương cả một gia tài.
Nhiều người nói chơi đồng hồ để biết trân trọng thời gian, chơi đồng hồ cổ lại càng thú vị. Nghe tiếng vặn cót cọt kẹt lên dây, để chiếc đồng hồ hàng trăm năm tuổi tích tắc chạy và bíng boong đánh chuông trở lại như một sự hồi sinh quả là một cảm giác đặc biệt. Người viết bài này cũng đã không thể cưỡng lại sự mê hoặc đó, nên mặc cả và mua một chiếc đồng hồ để bàn của Pháp từ năm 1890 bằng đá xanh ngọc với giá gần 300 euro. Khi xuất cảnh, các nhân viên hải quan Đức đã mời vào phòng riêng soi rất kỹ, sau khi kiểm tra, biết giá đã cười toe và chúc mừng: Bạn đã mua được một món quá hời!
Đa phần các mặt hàng tại đây được thu gom từ các đợt siết nợ của ngân hàng, của các gia đình cần tiền mang bán, hoặc của những người muốn trao đổi, sưu tầm. Và không quan trọng mua gì, người Stuttgart đi chợ đồ cổ như một thú vui, giải trí, là nơi gặp gỡ không phân biệt giàu nghèo, già trẻ. Vô tư trả giá, lựa chọn, tham quan như đi trong bảo tàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.