Cho đi một phần để cứu thêm một người…

03/01/2016 07:43 GMT+7

“Ngay sau khi được bỏ máy thở, tôi đã có cảm giác đói quá, muốn được ăn”, anh Nguyễn Văn H., 40 tuổi (ở Hà Nội), người được nhận tim ghép tâm sự với nụ cười tươi.

“Ngay sau khi được bỏ máy thở, tôi đã có cảm giác đói quá, muốn được ăn”, anh Nguyễn Văn H., 40 tuổi (ở Hà Nội), người được nhận tim ghép tâm sự với nụ cười tươi.

Các bạn trẻ tại ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015” - Ảnh: Ngọc LuânCác bạn trẻ tại ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015” - Ảnh: Ngọc Luân
Quả tim tôi được nhận là của một thanh niên chết não. Sau ghép tim, tôi thấy mình hoàn toàn mới, khỏe mạnh hơn. Tôi luôn biết ơn người hiến và gia đình anh, vô cùng cảm phục các thầy thuốc
Bệnh nhân Nguyễn Văn H.
Bệnh nhân Nguyễn Văn H. là trường hợp đầu tiên được nhận tim ghép từ người hiến chết não cách xa 1.700 km, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Anh được ghép tim hồi tháng 9.2015 tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). “Quả tim tôi được nhận là của một thanh niên chết não. Sau ghép tim, tôi thấy mình hoàn toàn mới, khỏe mạnh hơn. Tôi luôn biết ơn người hiến và gia đình anh, vô cùng cảm phục các thầy thuốc”, anh H. chân thành nói về những người đã đem đến cho anh cuộc sống mới.
PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim và lồng ngực Bệnh viện Việt Đức, người thực hiện ghép tim cho anh H., chia sẻ để có được trái tim ghép này, suốt chặng đường 1.700 km, các bác sĩ giữ nó rất cẩn trọng trong chiếc thùng ở nhiệt độ đủ lạnh và phải 4 lần bổ sung dung dịch đặc biệt để quả tim được bảo toàn, không hư hỏng. “Sau ghép tim, bệnh nhân đã có được mọi sinh hoạt bình thường, anh H. đang có sức khỏe rất tốt để đón tết”, PGS-TS Ước vui mừng thông báo.
Thầy thuốc đăng ký hiến tạng
“Hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, hơn 1.500 người có chỉ định ghép gan, hàng trăm ca chờ ghép tim và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc. Rất nhiều người suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu có nguồn tạng hiến tặng. Với người bệnh, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng”, GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, chia sẻ với sự thấu hiểu những người bệnh. Chuyên gia Hồng Sơn bày tỏ tại Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày có 2 - 3 ca chết não, họ sẽ vẫn “sống” nếu như tạng của họ được dành cho những người suy tạng chờ ghép.
Một ca phẫu thuật ghép tạng
Chị Phạm Thị Tuyết (ở Hải Phòng), người từng hiến thận cứu một thanh niên 27 tuổi, tâm sự: “Sau hiến thận, tôi vẫn có sức khỏe bình thường. Tôi nghĩ đó là cách mà tôi có thể giúp cứu người. Tôi dự định sẽ hiến gan sống và sẽ hiến thi thể của mình sau khi tôi mất đi”. Chồng chị Tuyết cũng trở thành người bạn đồng hành, cùng chị đăng ký hiến tạng. “Mong rằng tất cả mọi người trong mọi tầng lớp xã hội ngày càng hiểu hơn và hưởng ứng hiến tặng mô tạng để cứu sống người”, chị Tuyết bày tỏ.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia ghép gan, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, xúc động: “Tôi nhớ mãi một bệnh nhân nam ở Hà Nội, suy gan nặng, sau thời gian dài chờ đợi đã có được gan hiến từ người chết não. Thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình người hiến cùng hy vọng kết quả tốt đẹp. Nhưng sau khi xét nghiệm, các chỉ số gan hiến và người cần ghép không phù hợp nên không thể thực hiện”. “Thông báo kết quả không được như mong muốn mà cả bệnh nhân, gia đình và bác sĩ đều khóc. Sự hồi sinh tưởng như đã kề bên rồi lại qua đi. Bệnh nhân nặng quá, hầu như không còn nhiều thời gian để chờ đợi. Anh có người vợ hết mực thương yêu chồng và người con còn chưa đến tuổi trưởng thành”, PGS-TS Quyết kể với tâm trạng vẹn nguyên cảm xúc.
Bệnh nhân Nguyễn Văn H. khỏe mạnh sau ghép tim - Ảnh: Ngọc Thắng
“Đừng chần chừ hiến tạng khi bạn có thể. Thực sự, bạn sẽ hồi sinh cùng với một, thậm chí nhiều người khác được sống nhờ tạng hiến của bạn. Rất nhiều thầy thuốc đã đăng ký hiến tạng”, PGS-TS Quyết khích lệ. Tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân đầu tiên được ghép gan vào năm 2007 là nữ, hiện vẫn có sức khỏe tốt, đang sống tại Anh. Bệnh nhân được ghép tim lâu nhất đã sống thêm gần 5 năm, sức khỏe ổn định.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho biết đã có hơn 2.000 người đăng ký hiến tạng, mô trong năm 2015. Điều này cho thấy cộng đồng đã hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn cao đẹp của hành động “cho đi một phần cơ thể để cứu sống thêm một người”.
Chỉ riêng trong ngày hội "Chung tay vì sự sống 2015" được tổ chức ngày 19.12 vừa qua, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã nhận được 1.417 đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng từ các bạn trẻ đến từ Học viện Quân y, Đại học Kiến trúc, Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Hà Nội. “Đây là kỷ lục được xác lập về số người đăng ký hiến tặng mô, tạng. Chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt thành từ những trái tim trẻ trung nóng bỏng, sự sẻ chia từ cộng đồng. Điều đó đem lại cuộc sống mới cho những người bệnh, và cũng là niềm động viên cho thầy thuốc”, ông Nguyễn Hoàng Phúc nói.
Bộ trưởng đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Cá nhân tôi từ năm 2013 đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não. Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho người bệnh, cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người. Cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc và là cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời. Tôi cũng tin rằng, người hiến tạng khi nhắm mắt xuôi tay sẽ cảm thấy ấm lòng bởi sự ra đi của mình đã giúp người khác sống khỏe mạnh hơn. Gia đình người hiến tạng cũng sẽ vui vì vẫn thấy người thân đang còn sống ở người được ghép, tim vẫn đập cùng với sự sống của người nhận tạng ghép. Cùng với sự hạnh phúc của người được nhận tạng ghép, thầy thuốc cũng sẽ hạnh phúc khi giúp được người bệnh của mình”.
Thúy Anh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.