Cho các bé trải nghiệm sân chơi trung thu truyền thống

07/09/2016 21:31 GMT+7

Đã là năm thứ hai nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền mở sân chơi trung thu "Cùng bé sáng tạo". Năm ngoái, sân chơi này được tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật VN, còn năm nay tại không gian Văn Miếu vào ngày 4.9.

Hấp dẫn các sân chơi
Nhân vật quen thuộc trong văn hóa dân gian là Thằng Bờm sẽ tham gia rước đèn với các em tham gia ngày hội. “Các em vẫn sẽ được học cách tạo mặt nạ cho riêng mình như năm ngoái. Cũng sẽ có thêm việc học vẽ trên quạt giấy. Chúng tôi muốn giúp các em phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật từ những hình ảnh đời sống quen thuộc”, bà Hiền cho biết. Cũng vì thế, chương trình này chỉ thu một khoản phí để mua vật liệu là 180 nghìn/bé, vé vào Văn Miếu được miễn phí.
Theo ban tổ chức chương trình "Cùng bé sáng tạo", sẽ có phần lễ hội mặt nạ, trong đó có cả mặt nạ châu Phi. “Ban tổ chức sẽ mang những chiếc mặt nạ do các bé, các bạn sinh viên và họa sĩ vẽ để tặng các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Lễ hội mặt nạ cũng sẽ đến với các em có hoàn cảnh khó khăn ở Trường nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em tàn tật H.Sóc Sơn”, cô Du Nguyên - một điều phối viên của chương trình cho biết.
Trong khi đó, tại Bảo tàng Dân tộc học, những trò chơi truyền thống như: rước đèn, làm bánh nướng bánh dẻo, làm ông tiến sĩ giấy…vẫn diễn ra như hàng năm. Các nhóm trò chơi vận động sẽ có: nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu, nhảy dây chun, cướp cờ. Thêm vào đó, các bé được khám phá một chuyên đề văn hóa là ẩm thực Bạc Liêu qua 3 món: dưa bồn bồn, bánh tằm và mắm cá rô rút xương. Người tham gia chỉ phải mua vé vào cửa bảo tàng 40 nghìn/người lớn, 15 nghìn/sinh viên, 10 nghìn/học sinh. Mọi hoạt động vui chơi đều miễn phí. Hoạt động diễn ra cả ngày 10 và 11.9.
Tại Blossom Art House, 94B Trần Hưng Đạo sẽ có lớp dạy làm đèn lồng giấy kính với nan tre tươi theo kiểu miền Nam. “Một nét đặc trưng của dòng đèn lồng này là sau khi dán giấy kính, người thợ dùng bút lông và màu vẽ tô điểm cho các hình đèn lồng bằng các hoạ tiết rực rỡ và sáng tạo”, nhà tổ chức cho biết. Dự kiến, sẽ có hai buổi học như vậy vào 19 giờ 30 ngày 9.9 và 17 giờ 30 ngày 11.9. Trẻ từ 6 tuổi có thể tham gia hoạt động này. Phí tham dự 200 nghìn/người, các em có cơ hội mang về nhà những chiếc đèn ông sao, đèn con chim, con thỏ mình tự làm.
Mẹ con cùng chơi
Lễ hội trung thu truyền thống ở phố cổ Hà Nội bắt đầu từ 2 - 15.9 tại chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã. Lễ hội này trải dài qua các tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và các điểm di sản văn hóa tại phố cổ như: 50 Đào Duy Từ, đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc và ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Trên tuyến Hàng Mã - Hàng Lược - Hàng Rươi - Hàng Đào - Đồng Xuân có các gian hàng trưng bày và hướng dẫn làm sản phẩm trung thu truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo và các loại đèn ông sao, đèn kéo quân, tiến sĩ giấy, tò he, mặt nạ… Đêm hội trò chơi dân gian tối 9.9 và liên hoan múa lân sư tối 10.9, sẽ được tổ chức tại sân khấu chính trước cửa chợ Đồng Xuân.
Bà Thùy Lan, Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, thế mạnh về hoạt động Trung thu phố cổ sẽ tiếp tục được phát huy. Ban quản lý đã kết nối với các nghệ nhân, cũng như các nhóm người yêu văn hóa cổ. Chính vì thế, khi tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, họ luôn được ủng hộ. Chưa kể, khách nước ngoài cũng rất thích những hoạt động này. Đây là nét hút khách du lịch đáng kể. “Chúng tôi vẫn tiếp tục những hoạt động đã quen thuộc và được nhiều người yêu mến”, bà Lan cho biết.
Bà Trang Thanh Hiền cho rằng, những hoạt động giới thiệu trò chơi truyền thống này giúp các thế hệ trong gia đình kết nối với nhau bằng văn hóa. Mẹ con có thể chơi cùng nhau những trò chơi đều thân thuộc với tuổi thơ của mình. Chưa kể, nó còn mở ra các câu chuyện văn hóa. “Chúng tôi làm miễn phí. Nhiều người hỏi vì sao không thu thêm tiền, nhưng điều tôi muốn nhất là làm sao càng nhiều người trải nghiệm văn hóa truyền thống càng tốt. Có như thế, mới đẩy được các loại lồng đèn Trung Quốc đi”, bà Hiền chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.