Cho bé đi hướng đạo

28/11/2015 08:08 GMT+7

Cứ mỗi sáng chủ nhật, các bậc phụ huynh chở con đến công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM), để các con ở đó trò chuyện, vui chơi cùng với các hướng đạo sinh từ 8 giờ 30 - 10 giờ 30 thì đón về.

Cứ mỗi sáng chủ nhật, các bậc phụ huynh chở con đến công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM), để các con ở đó trò chuyện, vui chơi cùng với các hướng đạo sinh từ 8 giờ 30 - 10 giờ 30 thì đón về.

Ảnh: Lê ThanhẢnh: Lê Thanh
Chỉ thế, nhưng các bé học được rất nhiều thứ…
Đó là nhận xét của chị N.T.K.Oanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có hai cô công chúa đang tham gia nhóm hướng đạo có tên Hải ly (dành cho bé 4 - 5 tuổi) và Sói con dành cho bé 6 - 12 tuổi tại công viên Tao Đàn. Theo chị Oanh, chỉ sau thời gian ngắn tham gia, hai bé gái nhà chị đã học được rất nhiều kỹ năng sống như thắt nút, cột dây giày, biết cách mắc mùng mắc võng, tự rửa chén khi ăn xong… Đặc biệt, các bé tuy còn nhỏ nhưng biết làm cả một tờ báo tường “hoành tráng”, làm thơ ứng khẩu rất hay, khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng. Các hướng đạo sinh luôn nhẹ nhàng giúp các bé có tính nhút nhát biết “tự xử” khi bị ăn hiếp; hướng dẫn các bé biết cách chấp nhận và vượt qua hoàn cảnh “khắc nghiệt” như ngủ dưới đất, di chuyển trong bóng đêm, kỹ năng sống trong rừng, kỹ năng đi bộ đường dài… Mỗi bé đều tự hiểu trách nhiệm với chính bản thân mình và với những người xung quanh như cha mẹ, anh chị em, ông bà, bạn bè… Một anh chị lớn sẽ tự hiểu có trách nhiệm hướng dẫn, dìu dắt một em nhỏ tuổi hơn, đồng thời sẽ biết phải chấn chỉnh, nhắc nhở ngay khi các em ấy phạm lỗi.
Một phụ huynh bày tỏ suy nghĩ của mình trong một lần chứng kiến các nhóm hướng đạo đi cắm trại: “Tôi còn nhớ đó là lần đi cắm trại ở biển, lúc đầu tôi vô cùng lo lắng về sự an nguy khi các bé còn quá nhỏ. Nhưng mọi thứ diễn ra khiến tôi thấy sự lo lắng của tôi là dư thừa. Tôi không hiểu các em lớn được huấn luyện như thế nào nhưng cứ đến giờ các em nhỏ đi tắm là các em lớn không ai bảo ai, tự động nắm tay nhau dàn hàng ngang bên ngoài làm hàng rào chắn an toàn cho các em nhỏ bơi bên trong. Các em lớn sẽ tắm vào giờ khác. Quả thật tinh thần trách nhiệm của các em rất cao”.
Mang những chia sẻ này của phụ huynh trao đổi cùng các hướng đạo sinh và hỏi về bí quyết huấn luyện của họ, tôi được hướng đạo sinh Cam Thị Lệ Liễu có biệt danh “chị Nâu” làm nhóm trưởng nhóm Hải ly cười giải thích: “Để làm được điều đó, đơn giản chỉ là mỗi chủ nhật chúng tôi sẽ cùng ngồi trò chuyện và chơi cùng các em. Dù tôi đã ngoài 60 tuổi nhưng các em vẫn gọi tôi là chị - “chị Nâu” - không có khoảng cách lớn trong những lúc vui chơi, hướng dẫn các em. Chúng tôi giáo dục kỹ năng sống cũng như bổ sung thêm kiến thức cho các em qua những trò chơi. Những kiến thức ấy được chúng tôi tìm hiểu cập nhật sát với lứa tuổi, trình độ các bé như mẫu giáo, cấp 1, cấp 2... ở tất cả lĩnh vực như văn hóa, xã hội, tự nhiên, khoa học... Và cứ nhẹ nhàng, mỗi bé đều có một hướng đạo sinh quan sát kỹ từng biểu hiện, tính cách để có cách giáo dục thích hợp, giúp bé phát huy tối đa ưu điểm và hạn chế dần những khuyết điểm. Để mục đích cuối cùng là các bé trở thành một người tự tin trước đám đông, tháo vát, có trách nhiệm, biết chia sẻ, yêu thương mình, yêu thương người, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.