Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/10/2018 05:13 GMT+7

Bộ Chính trị trình T.Ư nhân sự Chủ tịch nước Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, Bộ Chính trị sẽ trình T.Ư xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước ; bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XII; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.

Sáng 2.10, hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội với sự tham gia của 223 đại biểu.
Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH T.Ư phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, về công tác xây dựng Đảng, tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị sẽ trình T.Ư xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng: ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH T.Ư Đảng; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để QH bầu Chủ tịch nước; bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XII; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ.
Có cán bộ lãnh đạo cao cấp vi phạm nghiêm trọng
Đối với quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Tổng bí thư cho biết, BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
“Đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, Tổng bí thư khẳng định và cho biết, để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Chính trị đã thống nhất kiến nghị với BCH T.Ư ban hành quy định mới về vấn đề này.
Toàn cảnh hội nghị Ảnh: nhật Bắc

“Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH T.Ư phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”, Tổng bí thư nói và đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo, ban hành được quy chế để triển khai thực hiện.
Đối với việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII, Tổng bí thư cho hay, tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình T.Ư dự kiến thành lập 5 tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ đại hội. Theo Tổng bí thư, các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị các báo cáo tại Đại hội XIII và đề nghị T.Ư xem xét, quyết định thành lập các tiểu ban với cơ cấu và nhân sự tại tờ trình của Bộ Chính trị.
Biển đảo là không gian sinh tồn và phát triển người VN
Ngoài công tác xây dựng Đảng, hội nghị T.Ư 8 cũng xem xét, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa X về Chiến lược biển VN đến năm 2020. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, vấn đề này năm nay có nhiều nội dung mới, sâu rộng, dài hạn và toàn diện hơn so với hai năm trước. Cùng với Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính xây dựng, trình T.Ư nhiều báo cáo quan trọng khác về đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển VN đến năm 2020, Tổng bí thư nhấn mạnh, đối với nước ta, biển đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người VN. “Các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới; thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển”, Tổng bí thư nói.
Từ đó, Tổng bí thư cho rằng việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 9 về Chiến lược biển VN đến năm 2020, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới; từ đó đề xuất với T.Ư xem xét, ban hành nghị quyết mới về chiến lược biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển, gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”, Tổng bí thư nói và đề nghị các đại biểu làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện Chiến lược lược biển VN thời gian qua. “Phải chăng, nguyên nhân chủ quan là do tổ chức thực hiện nghị quyết không tốt; đã mắc phải những khuyết điểm trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển các khu kinh tế, du lịch, dịch vụ biển và một số ngành kinh tế biển như đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt hải sản xa bờ…”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Theo thông cáo từ Văn phòng T.Ư Đảng, trong ngày đầu tiên của Hội nghị T.Ư 8, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị điều hành chương trình làm việc ngày đầu tiên.
 Trong buổi sáng, T.Ư đã nghe ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư báo cáo, xin ý kiến về chương trình hội nghị. Tiếp đó, hội nghị nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Tờ trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; nghe ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khoá X về Chiến lược biển VN đến năm 2020; nghe ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH T.Ư Đảng; Tờ trình của Bộ Chính trị về việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.
Trước giờ khai mạc, hội nghị đã dành phút mặc niệm nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần. Trong buổi chiều, T.Ư làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Dự kiến, hội nghị T.Ư 8 sẽ kéo dài tới ngày 6.10

Từ chức khi không đủ điều kiện, cấp dưới tham nhũng
Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư mà Bộ Chính trị trình Hội nghị T.Ư 8 quy định cụ thể mà từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư phải gương mẫu thực hiện; nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Dự thảo gồm có 4 điều, trong đó, điều 1 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng và nhấn mạnh cán bộ giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu. Điều 2 và điều 3 quy định cụ thể những điều mà từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng phải gương mẫu thực hiện; nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Điều 2, gồm 10 điểm, yêu cầu từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên T.Ư phải gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Một điểm mới được nêu ra tại điều 2 là tại điểm 10 yêu cầu các cán bộ nêu trên chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Tại điều 3, quy định từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lội; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… đang gây bức xúc trong dự luận xã hội. Trong đó, tại khoản 9 điều này nêu rõ, một trong những việc phải kiên quyết chống là: lợi dụng uy tín, mượn danh người khác để nói, viết, đăng tin bài sai sự thật, tạo dư luận, gây ảnh hưởng nhằm đề cao cá nhân mình, tô hồng thành tích hoặc bôi nhọ, hạ thấp uy tín tập thể, cá nhân khác.
Điều 4 quy định trách nhiệm của các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng; xác định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định.
Nâng cao trách nhiệm
Đánh giá về dự thảo quy định mới cho ý kiến tại Hội nghị T.Ư 8 lần này, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư đánh giá, việc nâng tầm quy định về trách nhiệm nêu gương thành một quy định của BCH T.Ư, trong đó đề cao trách nhiệm của các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư và ủy viên T.Ư sẽ góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm và cũng là quy định chặt chẽ hơn để cán bộ ở những vị trí này phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và nhân dân.
Theo ông Lê Quang Thưởng, trước đây, Quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp hay Quy định số 55 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng chỉ là các quy định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Nếu Hội nghị T.Ư 8 ban hành quy định mới về trách nhiệm nêu gương thì đây sẽ là một quy định ở tầm T.Ư. “Với quy định ở tầm T.Ư trách nhiệm của ủy viên T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng sẽ được nâng cao hơn, đáp ứng được tình hình mới”, ông Thưởng nói và cho rằng, cốt lõi của quy định mới nằm ở chỗ: cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu. “Cơ chế thị trường ngoài những mặt tích cực cũng đang làm phát sinh nhiều tiêu cực, phức tạp tới mức thời gian qua, có ủy viên Bộ Chính trị đã bị xử lý kỷ luật. Điều đó chứng tỏ, sai phạm không loại trừ bất cứ ai, bất cứ vị trí nào”, ông Thưởng nói và cho rằng, quy định mới ngoài việc nâng cao vai trò trách nhiệm của các cán bộ ở những vị trí nêu trên cũng sẽ tạo ra cơ chế để T.Ư và nhân dân giám sát chặt chẽ những cán bộ này.
Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.