Thuốc quý trên non thiêng Yên Tử

16/02/2013 08:27 GMT+7

(TN Xuân) Theo chân vị tiến sĩ dược học, chúng tôi tận mắt thấy những loài thuốc quý mọc leo trên triền núi. Yên Tử là nơi hội tụ của cả văn hóa, lịch sử và tự nhiên để hình thành một vườn cây thuốc cấp quốc gia.

Nơi đạo sĩ luyện đan

Sáng mùa đông, dãy núi Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) bồng bềnh sương. Chúng tôi theo tiến sĩ Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn thực vật, Trường ĐH Dược Hà Nội đi thực địa điều tra cây thuốc. Dừng ô tô ở lưng chừng núi, chúng tôi cuốc bộ lên dốc. Đến độ cao gần 900 m so với mực nước biển, đi qua tượng đá An Kỳ Sinh, tiến sĩ Ơn giải thích: “Theo truyền thuyết, cách đây hơn 2.000 năm, đạo sĩ An Kỳ từ Trung Quốc sang Việt Nam, qua dãy núi Bạch Vân này thấy có nhiều cây thuốc quý đã dừng lại, hái thuốc, luyện đan. Tương truyền ông mất tại đây và hóa thành đá”.

Thuốc quý trên non thiêng Yên Tử 2 
Tỏa dương, loại cây bổ thận, mọc nhiều trên núi Yên Tử  - Ảnh: Thiên Bình

Trên đường lên chùa Đồng, chúng tôi rẽ phải, không có đường mòn, mọi người phải bám cây mà đi. Lúc ra bờ khe, khi lại vòng theo các gốc cây to trên triền núi để tìm cây, nấm và cả những loài dây leo tầm gửi. Sương mù đặc quánh, nhiệt độ ngoài trời chỉ hơn 10 độ nhưng đôi chân ông tiến sĩ gần 50 tuổi vẫn thoăn thoắt qua các mỏm đá, khe suối. Chốc chốc, ông dừng lại cầm nắm lá, nhổ rễ cây cho vào túi, thỉnh thoảng lấy máy ảnh ra bấm vài kiểu rồi ghi chép cẩn thận trên cuốn sổ tay.

Dãy non thiêng này có cả một vườn thuốc quý giá, từ cây gừng gió, gừng tía có thứ tinh dầu rất quý có thể làm giảm đau nhức, cây hoa tiên giúp tan máu tụ rất hiệu quả đến cây phong một lá, dùng lá cây đun lên để tắm sẽ hết ngay cảm giác mệt mỏi, đau nhức xương khớp; đặc biệt, có cả loài cây được ví như Viagra thiên nhiên...

Ngồi nghỉ bên bờ suối, tiến sĩ  Ơn chỉ vào một nắm lá vừa hái được: “Nhà báo có biết sâm A. mà người ta quảng cáo rầm rộ là giúp giảm mãn dục nam, được làm bằng gì không? Thảo dược Eurycoma mà họ nói chính là cây này. Ít người biết ở ngay vùng núi Yên Tử này cũng có khá nhiều. Đồng bào ở đây gọi là cây bá bệnh, tên khoa học là Eurycoma longifolia". Ông tiến sĩ hóm hỉnh: “Sau này có vườn thuốc quốc gia, có thể trồng cả chục héc ta cây này, các quý ông tha hồ dùng".

Vườn thuốc quốc gia

Lúc mới gặp tiến sĩ Ơn ở hội thảo quốc tế về hòa hợp thảo dược các nước tây Thái Bình Dương (tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11 năm ngoái), thấy ông trình bày tham luận bằng tiếng Anh lưu loát, tôi khá bất ngờ khi biết ông là người dân tộc Sán Chay. Vị tiến sĩ vốn là con nhà làm thuốc ở vùng rừng núi Phú Lương, Thái Nguyên. 28 năm trước, năm 1984, Trần Văn Ơn phải mất 3 ngày vượt quãng đường 120 km xuống Hà Nội vào giảng đường Trường ĐH Dược. Hơn chục năm sau, ông trở thành người Sán Chay đầu tiên có học vị tiến sĩ. Đề tài ông nghiên cứu chính là bảo tồn những loài cây thuốc quý của đồng bào dân tộc thiểu số. Bước chân ông đã đi khắp các bản làng của người Thái, Mường, Dao...

Thuốc quý trên non thiêng Yên Tử 1
 Vườn cây thuốc rộng gần 10 ha ở vùng núi Yên Tử - Ảnh: Káp Long

Từ việc bảo tồn những loài cây thuốc quý trong các bản làng vùng cao, tiến sĩ Ơn đã khởi xướng và đang tham gia đề án xây dựng Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử rộng hàng trăm héc ta, với hy vọng sẽ bảo tồn và phát triển hàng ngàn loài cây thuốc quý ở khắp vùng núi thấp phía bắc.

Qua phân tích của tiến sĩ Ơn, Yên Tử là nơi hội tụ của cả văn hóa, lịch sử và tự nhiên để hình thành một vườn cây thuốc cấp quốc gia. Nơi đây, không chỉ có vị đạo sĩ người Trung Quốc luyện đan hơn 2.000 năm trước theo truyền thuyết, mà sử sách ghi chép rõ ràng 700 năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lên núi Yên Tử lập thiền phái Trúc Lâm. Tại đây, có cả địa danh Am Dược, vốn là nơi ngài cho bào chế thuốc chữa bệnh cứu người. Với những thảo dược quý bản địa, cộng với sự nổi tiếng của danh thắng Yên Tử, vườn cây thuốc quốc gia đặt tại nơi đây sẽ không chỉ là nơi bảo tồn nguồn gien của loài thuốc quý. Khi kèm theo dịch vụ chăm sóc sức khỏe và du lịch, nơi đây sẽ tạo ra nguồn tài chính thường xuyên đảm bảo cho vườn thuốc phát triển bền vững.

Rời non thiêng Yên Tử với những loài thuốc hoang dã mọc bên triền núi, chúng tôi xuống một bãi trống có hàng rào mới dựng. Tiến sĩ Ơn cho biết: “Đây là vườn cây thuốc rộng gần 10 ha mà chúng tôi đang hỗ trợ một doanh nghiệp Quảng Ninh triển khai, làm tiền đề cho dự án vườn cây thuốc quốc gia sau này”.

Bước vào vườn, những hàng, những luống đã được vun xới thẳng tắp. Bên ruộng cây bìm bìm, ông Trần Văn Long, một thầy thuốc thuộc Hội Đông y TP.Uông Bí, đang chăm sóc, cắm giàn cho cây leo. Ông Long  được mời về chăm sóc vườn cây thuốc tại núi Yên Tử này đã hơn một năm. Chỉ vào cây bìm bìm, ông bảo: “Cây này có tác dụng bổ gan mật, tiêu độc, hỗ trợ điều trị bệnh trướng bụng, phù thũng. Giống cây do Trường ĐH Dược mang về, chúng tôi có nhiệm vụ gieo trồng, chăm sóc và theo dõi khả năng phát triển của chúng”.

Nói về vườn cây thuốc quốc gia sẽ hình thành trong tương lai không xa, ông Long hào hứng: “Đó là một ý tưởng rất hay, chúng tôi nhiệt tình tham gia dự án này vì nó sẽ góp phần bảo tồn những vị thuốc hay, những bài thuốc quý trong dân gian. Ở đây sẽ xây dựng trung tâm bào chế thuốc, chăm sóc sức khỏe, tập thiền, nơi điều dưỡng tâm lý, giải tỏa stress... Với người địa phương, chúng tôi cũng có thêm sản phẩm du lịch gắn liền với danh thắng Yên Tử, có thêm việc làm và thu nhập”.

Nền y thuật ngàn năm

“20 năm trước, từ năm 1992, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo mỗi quốc gia cần có ít nhất một vườn cây thuốc cấp quốc gia để bảo tồn và phát triển cây thuốc. Các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Singapore hay xa hơn như Đức, Mỹ... rất quan tâm đến nghiên cứu, phát triển dược phẩm, mỹ phẩm có nguồn gốc thảo dược. Còn tại Việt Nam, một đất nước phương Đông có nền y thuật cả ngàn năm nhưng đến nay mới có những bước khởi động để hình thành vườn cây thuốc quốc gia đầu tiên, đó là điều khiến chúng tôi luôn trăn trở”. (Tiến sĩ Trần Văn Ơn)

Káp Thành Long - Hải Sâm

>> Nhiều cây thuốc quý bị xuất lậu sang Trung Quốc
>> Chưa định danh được “cây thuốc lạ”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.