Tây ăn tết Việt: Háo hức chờ tết

28/01/2014 14:05 GMT+7

(TNO) Tết đến, không chỉ người Việt háo hức mà ngay cả những người nước ngoài sống ở Việt Nam cũng mong chờ từng ngày.

(TNO) Tết đến, không chỉ người Việt háo hức mà ngay cả những người nước ngoài sống ở Việt Nam cũng mong chờ từng ngày.

Tây ăn Tết Việt: Sự ấm cùng kỳ lạ 1
Diễn viên người Mỹ Aaron Toroto, 38 tuổi

Aaron Toroto (38 tuổi), một diễn viên người Mỹ sống ở Việt Nam hơn 10 năm, cho biết anh mong đến tết để cùng ăn mừng năm mới với gia đình bạn gái người Việt ở Châu Đốc (An Giang). 

“Tết này, tôi có thể ăn tết cùng gia đình cô ấy. Sẽ tuyệt vời hơn nhiều khi được đón tết Việt với người Việt vì bạn sẽ có cơ hội hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của ngày tết”, Toroto chia sẻ bằng tiếng Việt lưu loát.

Tây ăn Tết Việt: Sự ấm cùng kỳ lạ 2
Biên tập viên người Mỹ Jon Dillingham, 32 tuổi

Jon Dillingham (32 tuổi), một biên tập viên người Mỹ của một tờ báo tiếng Anh ở TP.HCM, cho biết đã lên kế hoạch phượt ra Nghệ An cùng một nhóm bạn người Việt trong dịp tết này.

“Chúng tôi không có bạn bè nào ở ngoài đó nhưng có thể chúng tôi sẽ có thêm bạn mới để ăn tết cùng”, Dillingham hăm hở nói.

Tết ở TP.HCM cũng rất thú vị vì đường sá vắng vẻ và sạch sẽ, thời tiết thì dễ chịu, Dillingham cho biết thêm.

 Tây ăn Tết Việt: Sự ấm cùng kỳ lạ 3
Giáo viên người Đức Doyle Mueller, 28 tuổi

Còn Doyle Mueller (28 tuổi), một giáo viên người Đức đang làm việc tại TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên anh đón tết cổ truyền Việt Nam.

Doyle nói anh đã đọc nhiều sách báo và tìm kiếm thông tin trên internet về phong tục đón tết cổ truyền của người Việt Nam. 

Anh dự định sẽ đến thăm gia đình một người bạn Việt Nam để được trải nghiệm một cái tết thật sự.

Tảo mộ, nét đẹp truyền thống cần gìn giữ

Khi được hỏi về phong tục thờ cúng tổ tiên, tảo mộ vào dịp năm mới của người Việt, Aaron Toroto nói anh ngưỡng mộ cách người Việt tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất...

“Tôi không biết có quốc gia phương Tây nào có truyền thống tảo mộ nhân dịp năm mới hay không, nhưng tôi rất trân trọng và thích cách người Việt nhớ về tổ tiên của họ”, Toroto chia sẻ.

Jon Dillingham cũng đánh giá cao phong tục tưởng nhớ những người thân đã khuất vào dịp năm mới của người Việt Nam.

“Một số bộ lạc da đỏ ở Mỹ cho rằng hút thuốc là một cách để liên lạc với tổ tiên. Vì thế tôi hút thuốc lá”, Dillingham hóm hỉnh nói. 

Còn Doyle Mueller dự kiến sẽ đi tảo mộ với gia đình một người bạn Việt Nam của anh ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Doyle cho hay mặc dù ở Đức không có truyền thống tảo mộ, nhưng đối với anh đó là một nét đẹp truyền thống mà người Việt Nam cần phải gìn giữ.

Gia đình sum họp ngày tết

 

Tết Việt và tết phương Tây khác nhau thế nào?

Khi được hỏi về sự khác nhau giữa tết ở Mỹ và ở Việt Nam, Jon Dillingham nói: “Ở Mỹ, những dịp lễ chính trong năm như lễ Tạ ơn, Giáng sinh và có lẽ là cả Phục Sinh đều dành cho gia đình. Nhưng lễ mừng năm mới thì lại không có gì đặc biệt, không có chút gì dành cho gia đình cả”.

Lễ mừng năm mới tại Mỹ và Đức chỉ là thời gian để mọi người đi chơi, tốn hàng đống tiền vào các buổi tiệc tùng cùng bạn bè và “say xỉn”, theo Dillingham và Mueller.

Aaron Toroto chia sẻ anh rất thích truyền thống cả nhà quây quần bên nhau trong những ngày tết tại Việt Nam.

“Tôi từng ăn tết với một số người bạn ở đây và đặc biệt thích phong tục đến chúc tết từng nhà, cùng ngồi nhấm nháp các món ăn truyền thống ngày tết và trò chuyện với nhau”, Toroto nói.

“Tại Mỹ, những dịp gia đình thường quây quần bên nhau là vào lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Cũng giống như ở Việt Nam, các gia đình cố gắng tụ họp lại để hàn huyên”, Toroto nói thêm.

Trải nghiệm thú vị với phong tục lì xì

Đối với người phương Tây, lì xì là một phong tục hoàn toàn mới lạ đối với họ.

Doyle Mueller cho biết: “Người Đức không thích tặng tiền cho trẻ em, thay vào đó là những món quà ý nghĩa...".

“Khi đi ngoài đường, tôi nhìn thấy nhiều bao đỏ đỏ được bày bán khắp nơi nhưng không biết đó là gì cho đến khi một người bạn của tôi bảo rằng đó là phong bao lì xì. Tôi đã chuẩn bị sẵn một số bao lì xì để lì xì cho các cháu nhỏ khi đến thăm gia đình của bạn tôi vào dịp tết này”, Mueller chia sẻ.

Jon Dillingham thì cho rằng, anh rất thích chứng kiến vẻ mặt sáng bừng lên của những đứa trẻ khi nhận được tiền lì xì.

“Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ về tết tại Hà Nội. Tôi đón tết trong cái giá lạnh tại Hà Nội với một gia đình đông người. Chúng tôi có một khoảng thời gian rất vui vẻ bên nhau. Tôi và người bạn thân đi khắp thành phố, đến từng nhà người thân, bạn bè của người này để chúc tết. Chúng tôi ăn uống, ca hát suốt những ngày tết”, Dillingham chia sẻ.

Phúc Duy - Hoàng Uy

>> Tết này xem gì trên Thanh Niên Online
>> Tết gia đình Việt: Nếp nhà ông Soạn
>> Tết gia đình Việt: Đồng thuận thay áp đặt
>> Tết gia đình Việt: Những gia đình lính biển
>> Tết gia đình Việt: Thang giá trị của các loại gia đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.