Lấy đầu đạn rỉ sét trong cơ thể người 2 lần 'chết đi sống lại'

28/06/2016 20:27 GMT+7

Cách đây 45 năm, bà Cát đang quét sân thì bị trúng đạn vào ngực. Sau 2 lần "chết đi sống lại" và nhiều năm đau đớn, đến nay đầu đạn mới được lấy ra khỏi cơ thể bà.

Chiều 28.6, bác sĩ (BS) chuyên khoa 2 La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho biết, vào sáng cùng ngày đã phẫu thuật thành công ca bệnh hy hữu. Theo đó, bệnh nhân bị ép xe nhiễm trùng do trúng đạn từ năm 1971.
Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Cát, 67 tuổi, ngụ Hòn Heo, thuộc X.Sơn Hải, H.Kiên Lương, Kiên Giang được người thân đưa đến nhập viện hôm 23.6 trong tình trạng đau bụng bên trái dữ dội kèm theo sốt, đi lại rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thanh, 76 tuổi, chồng của bệnh nhân Cát kể: Năm 1971, trong lúc bà Cát đang quét sân thì bị trúng đạn vào vùng ngực trái. Sau đó bà được người nhà đưa vào bệnh viện quân y của Mỹ cấp cứu. Nằm ở bệnh viện được một lúc thì BS nói bà Cát đã chết nên kêu người nhà đưa về lo hậu sự.
Tuy nhiên, trên đường về được chừng 2km, bà Cát thở lại và được đưa trở lại bệnh viện điều trị tiếp. “Lần này cũng nằm được khoảng thời gian ngắn, BS lại kêu bà đã tử vong. Nhưng cũng giống như lần trước, về gần đến nhà bà tỉnh lại rồi tiếp tục được đưa trở lại bệnh viện cấp cứu. Sau khi “chết đi sống lại” lần thứ 2, bà sống đến giờ”, ông Thanh kể.
Phim chụp đầu đạn di chuyển từ trên ngực xuống bụng bà Cát Ảnh: Đình Tuyển
Cũng theo người nhà bệnh nhân, khoảng 10 năm trở lại đây, bà Cát đi kiểm tra thì không còn thấy đầu đạn nằm trong ngực và cũng không còn cảm thấy đau đớn như xưa nên viên đạn bị "bỏ quên". Cho đến giữa tháng 6.2016, bà Cát bị những cơn đau dữ dội ở vùng bụng và được đưa lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ. 
BS Phú cho biết, qua khám lâm sàng và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe vùng hố chậu trái. Sau đó bệnh nhân được chụp X- Quang bụng và chụp MSCT 160 lát cắt. Các BS phát hiện ổ áp xe kèm theo dị vật hình đầu đạn bên trong. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp nội soi vào sáng 28.6.
Cũng theo BS Phú, dù phim chụp MSCT 160 lát cắt dựng hình 3D để xác định vị trí đầu đạn nhưng khi nội soi vào ổ bụng vẫn không thể xác định được vị trí chính xác của đầu đạn. Việc lấy đầu đạn ra rất khó khăn phải sử dụng máy C-Arm phối hợp với nội soi ổ bụng để tìm đúng vị trí đầu đạn. Mất, gần 3 giờ đồng hồ, các BS mới lấy ra được đầu đạn đã bị rỉ sét có kích thước 1cm x 4cm, đầu nhọn nằm sát với tĩnh mạch chậu ngoài, cùng với đó là 300ml mủ.
Đầu đạn nằm trong cơ thể bà Cát 45 năm được lấy ra sáng nay (28.6) Ảnh: Đình Tuyển
Theo BS Phú, đây là trường hợp hy hữu bởi đầu đạn đã nằm lâu ngày trong cơ thể, di chuyển từ ngực xuống vùng hố chậu trái, gây nhiễm trùng, tạo ổ mủ, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
BS La Văn Phú và ông Thanh chồng bà Cát chia sẻ, động viên bà Cát Ảnh: Đình Tuyển
Bà Cát cho biết, 45 năm qua, bà đã nhiều lần đến bệnh viện để khám và lấy đầu đạn ra nhưng đều không lấy được vì các BS giải thích rằng, đầu đạn nằm sâu trong cơ thể nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc lấy đầu đạn ra rất khó khăn và nguy hiểm.
Sau ca mổ, hiện sức khỏe bà Cát bình phục tốt, có thể ăn uống, tiếp xúc bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.