Không để người dân thiếu đói, bệnh tật sau mưa lũ

22/12/2016 06:06 GMT+7

Chiều 21.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử, trong vòng 1 tháng Bình Định phải gánh chịu 5 đợt lũ lớn khiến 34 người chết, 5 người mất tích và tổng thiệt hại về tài sản ước tính 1.965 tỉ đồng.
Hiện nguồn dự phòng ngân sách tỉnh đã sử dụng gần hết cho công tác ứng phó các đợt mưa lũ vừa qua, chỉ còn khoảng 2 tỉ đồng để dự phòng cho công tác phòng chống dịch bệnh từ nay đến cuối năm. Bình Định kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm, xem xét hỗ trợ tỉnh 500 tỉ đồng và 3.000 tấn gạo khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ người dân bị thiệt hại.
Đồng thời, Bình Định cũng kiến nghị Thủ tướng về các vấn đề như: miễn học phí, hỗ trợ sách vở cho học sinh trên địa bàn, bố trí kinh phí để xây dựng 3 khu tái định cư cho người dân vùng bị sạt lở đê, hỗ trợ để phòng chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UBMTTQ VN đến nhân dân 8 tỉnh miền Trung và tỉnh Gia Lai bị thiệt hại do mưa lũ, trong đó tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng nhất; gửi lời chia buồn sâu sắc đến nhiều gia đình bị mất mát về người trong mưa lũ. Thủ tướng cũng biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Quân khu 5, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành trong công tác đối phó với mưa lũ ở miền Trung trong đợt này. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các tỉnh có giải pháp khắc phục, nghiêm túc rút kinh nghiệm vì để xảy ra quá nhiều người chết trong mưa lũ.
“Nhiệm vụ cấp bách nhất của tỉnh Bình Định hiện nay là chăm lo, không để một gia đình nào, một người dân nào bị thiếu đói, bệnh tật do lũ lụt gây ra; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là thiệt hại về người”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu tỉnh Bình Định cùng các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an... huy động lực lượng triển khai ngay công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân ngay sau khi lũ rút và hỗ trợ tiền, sức lao động để dựng lại nhà cửa cho các gia đình có nhà bị sập. Thủ tướng căn dặn: “Đừng để người dân màn trời chiếu đất trước khó khăn”.
Thủ tướng đồng ý bổ sung trước mắt cho tỉnh Bình Định 80 tỉ đồng để hỗ trợ đời sống dân sinh và 2.000 tấn gạo để cứu trợ cho người dân; giao Bộ GD-ĐT chỉ đạo xử lý cụ thể việc miễn phí học kỳ 2 năm học 2016 - 2017 và hỗ trợ sách vở cho hơn 50.000 học sinh của tỉnh Bình Định.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ đi khảo sát các đoạn đê sông bị sạt lở, gây sập hoặc uy hiếp các nhà dân ở thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ) và thôn Luật Lễ (TT.Diêu Trì, H.Tuy Phước). Thủ tướng thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại mà người dân phải gánh chịu và tặng quà cho các hộ dân có nhà bị sập; yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương quy hoạch khu tái định cư, bố trí đất ngay cho những hộ dân có nhà bị sập xây dựng nhà ở.
Ngày 21.12, Văn phòng T.Ư Đảng đã phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn cơ quan đóng góp tối thiểu mỗi người một ngày lương, giúp đồng bào nam Trung bộ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Tổng số tiền thu được là 410 triệu đồng.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước đã phát động toàn thể cán bộ, nhân viên của văn phòng quyên góp, giúp đỡ đồng bào nam Trung bộ đang bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Văn phòng Chủ tịch nước đã tiến hành quyên góp. Nhân dịp này, Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, người VN ở nước ngoài bằng những hành động, điều kiện, khả năng cụ thể của mình, tham gia quyên góp, giúp đỡ đồng bào nam Trung bộ, vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, chuẩn bị đón xuân Đinh Dậu...
Cũng trong ngày 21.12, các cán bộ, công chức, viên chức cơ quan T.Ư Đoàn đã tham gia quyên góp. Tính đến 18 giờ cùng ngày, tổng số tiền quyên góp được là 268 triệu đồng, trong đó Báo Thanh Niên hỗ trợ 100 triệu đồng, NXB Kim Đồng trên 40 triệu đồng, Báo Tiền Phong gần 40 triệu đồng...
TTXVN - Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.