Hôm nay, miền Trung lại hứng mưa lớn

17/12/2016 07:00 GMT+7

Trong khi mưa lũ vẫn đang hoành hành, gây nhiều hậu quả nặng nề về người và của, thì hôm nay các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận dự báo lại có mưa to đến rất to, dẫn đến nguy cơ lũ chồng lũ...

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực bắc và giữa Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh. Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận còn có mưa vừa, mưa to cho đến hết ngày 17.12; các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa to đến rất to, lượng mưa trong khoảng 100 - 200 mm, từ ngày 18.12 trở đi, vùng mưa vừa mưa to còn duy trì ở các tỉnh Quảng Ngãi đến Ninh Thuận.
Tan hoang vì lũ dữ
Trong khi đó, mưa lớn từ tối 15 đến sáng 16.12 đã nhấn chìm các tỉnh miền Trung, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập, nhiều nơi giao thông bị tê liệt. Ngày 16.12, lũ tiếp tục dâng cao khiến hàng ngàn nhà dân ở Bình Định bị ngập. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Bình Định, tỉnh có 64.696 hộ bị ngập, 4.497 hộ phải di dời. Nhiều khu dân cư ở các vùng ngập lũ bị mất điện. Đến trưa 12.12, toàn tỉnh đã sơ tán gần 5.000 hộ dân đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, sáng 16.12, bà con ngư dân ở Đề Gi, xã Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định hoảng hốt trước cảnh tượng 31 tàu cá đang neo đậu trong bến bị đứt neo cuốn thẳng ra cửa biển do nước từ trên thượng nguồn đổ về gây lũ lớn. Trong đó có 13 chiếc đã chìm hoàn toàn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Một cháu bé ở TX.An Nhơn, Bình Định được sơ tán Ảnh: Hoàng Trọng
Tại Quảng Nam, mưa lớn trên diện rộng, 4 hồ thủy điện, 3 hồ thủy lợi tiếp tục xả tràn đã gây ra cảnh ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng. Sạt lở đồi núi xảy ra nhiều nơi ở Tiên Phước, Bắc Trà My, Tây Giang… khiến một số nhà dân bị sập; 15.231 nhà dân bị ngập, 51 nhà phải di dời khẩn cấp, 4.334 ha hoa màu và lúa bị hư hại.
Tại Quảng Ngãi, trận lũ thứ 4 khiến nhiều xã, thị trấn chìm trong biển nước, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập sâu từ 0,5 - 1,5 m. Sáng 16.12, Quảng Ngãi di dời gần 2.000 hộ dân bị ngập sâu, sạt lở núi. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi điều 500 lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện xuồng máy, ghe để di dời hàng ngàn hộ dân.
Mưa lớn kéo dài khiến TP.Nha Trang (Khánh Hòa) bị ngập nghiêm trọng. Khu vực Hòn Xện thuộc P.Vĩnh Hòa, hệ thống kênh thoát lũ khu dân cư Đường Đệ bị vỡ từ ngày 13.12 nên nước lại xối xả từ khu vực kênh vỡ đổ thẳng xuống khu dân cư. Nước mạnh kéo theo nhiều đá tảng trôi xuống ngổn ngang. Nhiều nhà dân phải tạm di dời đến nơi an toàn.
Nhiều người chết và mất tích
Trong ngày 16.12, tỉnh Bình Định ghi nhận thêm 6 người chết và 5 người mất tích do mưa lũ. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế xác nhận anh Nguyễn Văn Bình (22 tuổi, ở thôn Hòa Đa Tây, TT.Phú Đa, H.Phú Vang) tử vong trong lúc chèo ghe do vướng dây điện người dân kéo nuôi cá lồng bè. Trước đó, có 2 trường hợp tử vong là em Huỳnh Ái Thế (13 tuổi, học lớp 7, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) bị ngã xe đạp bị lũ cuốn và ông Phạm Minh Trí (44 tuổi, trú ở thôn 4, xã Hồng Tiến, TX.Hương Trà) bị nước lũ cuốn trôi khi đi lùa bò về nhà. Tại Đại Lộc, Nam Giang (Quảng Nam), có 2 trường hợp tử vong (theo cơ quan phòng chống lũ lụt tỉnh); còn theo các địa phương, 3 người khác tử vong và mất tích ở Thăng Bình (1 người), Bắc Trà My (1 người) và trường hợp mới nhất tại Điện Bàn xảy ra lúc 16 giờ 30 chiều qua: anh Nguyễn Đình Toàn (26 tuổi, công tác tại TP.Hội An) về thăm nhà tại xã Điện Phước (TX.Điện Bàn) đã bị lật thuyền ngoài đồng, cuốn trôi mất tích. Ông Nguyễn Ngọc Lý (66 tuổi, xã Tam Lộc, H.Phú Ninh) được chính quyền xã xác nhận có đi dự hội nghị tại trụ sở UBND xã hôm 14.12 nhưng đến nay vẫn chưa thấy về nhà.
Người dân Quảng Nam lùa bò đi tránh lũ Ảnh: Hoàng Sơn
Giao thông ách tắc
QL1 đoạn qua đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam, H.Đông Hòa (Phú Yến) bị sạt lở gần 10 điểm lớn, nhỏ. Nghiêm trọng nhất là tại Km 1361 đã sạt lở đất đá tràn xuống mặt đường đúng vào thời điểm xe đầu kéo 51C-087.78 lưu thông hướng nam - bắc đi ngang qua gây ách tắc giao thông. Đến 17 giờ ngày 16.12, tại đây chỉ lưu thông được một chiều. Dự kiến trong ngày 17.12 mới thông hai chiều.
Tương tự, tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt (đoạn H.Lạc Dương, Lâm Đồng) bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt. QL1 qua tỉnh Khánh Hòa bị ngập sâu, còn tuyến đường sắt qua tỉnh cũng bị sạt lở, nước tràn qua đường ray, nhiều đoàn tàu bị mắc kẹt. Ngành đường sắt đang khắc phục tại hai vị trí thuộc tuyến Lương Sơn - Phong Thành và ngã ba Cà Rôm - Suối Cát. Dự kiến trong ngày 17.12, các điểm sạt lở được khắc phục xong. Nước lũ dâng cao cũng khiến nhiều tuyến giao thông ở Quảng Ngãi bị tê liệt. Chiều 16.12, nước lũ đã tràn qua QL1 đoạn qua TT.Sông Vệ (H.Tư Nghĩa), còn nhiều đường phố tại trung tâm TP.Quảng Ngãi tiếp tục bị ngập sâu.
Tại Kon Tum, đường Trường Sơn Đông vừa khắc phục sạt lở xong, thông tuyến ngày 15.12 nhưng đến sáng 16.12 lại bị ách tắc do nhiều nơi sạt lở lớn với hàng nghìn mét khối đất đá tràn xuống mặt đường, đoạn qua xã Ngọc Tem, H.Kon Plông. Chi cục Quản lý đường bộ 3.4 huy động máy móc khắc phục sạt lở để sớm thông tuyến.
Tại Quảng Nam, sáng 16.12, PV Thanh Niên đã tìm cách vào H.Đại Lộc để mang tiền hỗ trợ khẩn cấp đến cho gia đình ông Hùng, người bị tử vong do lũ, nhưng bất thành do nước lũ ngập quá sâu, đường nối TX.Điện Bàn với H.Đại Lộc đã bị nước lũ gây ngập hoàn toàn.
Giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa
* Bộ Quốc phòng xuất 36 tấn lương khô ứng cứu
Ngày 16.12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác T.Ư kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ, thị sát vùng lũ ở TX.An Nhơn và H.Tuy Phước (Bình Định). Phó thủ tướng hỏi thăm tình hình, động viên, an ủi người dân vùng lũ. Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, báo cáo từ đầu tháng 12 đến nay người dân Bình Định phải chống chọi với 4 đợt lũ liên tiếp, thiệt hại về tài sản ước tính 1.230 tỉ đồng. Tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ 500 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Cùng ngày 16.12, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó với mưa lũ ở khu vực miền Trung. Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh bất cập (nếu có) của quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, hạn chế thiệt hại do xả lũ. Có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa. Chỉ đạo việc vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống lưới điện, khắc phục nhanh các sự cố; bảo đảm các hàng hóa thiết yếu...
Chiều 16.12, thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết Bộ Quốc phòng quyết định xuất từ kho dự trữ 36 tấn lương khô, ứng cứu khẩn cấp người dân vùng lũ miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên) trong ngày.
Lao vào dòng nước lũ cứu người
Chiều 16.12, UBND H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) tặng bằng khen đột xuất cho anh Nguyễn Công Việt thuộc lực lượng dân quân cơ động TT.Sông Vệ, vì đã có hành động cứu người trong lũ dữ. Sáng cùng ngày, tổ công tác Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TT.Sông Vệ trong lúc chèo ghe đến khu dân cư số 6 để kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt và di dời dân thì gặp dòng nước chảy xiết khiến ghe bị lật. Rất may, 4 người đi trên ghe thoát nạn, còn anh Trương Quốc Đạt bị nước cuốn trôi ra sông Cây Bứa khoảng 1 km. Thấy người bị trôi trên sông, anh Việt không ngần ngại lao ra dòng nước lũ đang chảy xiết cứu sống anh Đạt.
Hiển Cừ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.