Formosa và PVC làm ‘nóng’ họp báo của Thanh tra Chính phủ

23/07/2016 06:38 GMT+7

“Trong một số dự án lớn, Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN với tư cách là nhà thầu đã có những vi phạm nghiêm trọng, đến mức chúng tôi đã phải làm việc với Viện KSND tối cao và Bộ Công an”.

Ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng thanh tra Chính phủ cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hôm qua (22.7).
Dự án 2.400 tỉ đồng bị “đắp chiếu”
PV Thanh Niên đặt câu hỏi: TTCP đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra về các dự án do Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh thực hiện, đến nay kết quả ra sao, trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh được chỉ ra như thế nào, tại sao có sai phạm vẫn được cất nhắc lên vị trí cao hơn?
Ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng TTCP cho biết từ năm 2011 thanh tra đã tiến hành thanh tra Tập đoàn dầu khí VN (PVN), trong đó có PVC với tư cách là đơn vị thành viên. Tuy nhiên ở thời điểm này, PVN có nhiều đơn vị thành viên, nên TTCP không làm sâu chi tiết từng đơn vị và đã có kết luận, để trên cơ sở đó PVN tổ chức kiểm điểm đánh giá sai phạm của tập thể, cá nhân. “Việc cất nhắc, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh là do các bộ, ngành khác thực hiện, không thuộc trách nhiệm của TTCP”, ông Khánh nói và thừa nhận một số cuộc thanh tra liên quan đến các dự án do PVC thực hiện đã chậm ban hành kết luận, trong đó có dự án xăng ethanol ở tỉnh Phú Thọ. Dù không nêu rõ lý do vì sao chậm kết luận thanh tra song ông Khánh cho biết: “Trong dự án này PVC thực hiện với vai trò là nhà thầu đã có những sai phạm nghiêm trọng, đến mức thanh tra đã phải ngồi với đại diện Viện KSND và Bộ Công an. Những sai phạm này sẽ được kết luận rõ và công bố trong thời gian tới”.
Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng dở dang phải “đắp chiếu”. Trong giai đoạn 2014, Bộ Công an đã phát hiện nhiều lãnh đạo của Công ty PVC-ME, đơn vị thành viên của PVC, có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại gần 50 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi vì sao PVC có nhiều sai phạm nhưng vẫn được nhiều danh hiệu cao quý (như Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì, tập thể Anh hùng Lao động trong giai đoạn 2009 - 2011...), Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của TTCP Hoàng Thái Dương cho biết TTCP không tham gia hoặc đồng ý với việc khen thưởng PVC trong giai đoạn đó.
“Ban Khen thưởng T.Ư có công văn hỏi có phát hiện sai phạm cũng như đơn thư khiếu nại tố cáo nào về sai phạm của PVC không thì chúng tôi trả lời năm 2011 chưa phát hiện sai phạm và chưa có đơn thư đối với PVC”, ông Dương lý giải.
Chưa nghiêm túc xử lý trách nhiệm vụ Formosa
Tại cuộc họp báo, hàng loạt câu hỏi cũng đã được đặt ra về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh, đương kim đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã VN cũng như trách nhiệm của tập thể UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc cấp phép đầu tư cho Formosa thời hạn 70 năm, trái quy định của luật Đầu tư.
Theo ông Ngô Văn Khánh, năm 2014, TTCP đã ban hành Kết luận số 1538 về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn Hà Tĩnh, trong đó có dự án Formosa. “Kết luận của TTCP thời điểm đó đã khẳng định Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng pháp luật. Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, chúng tôi không chỉ ra từng cá nhân mà gắn với cấp có thẩm quyền, ban quản lý phải xem xét xử lý kiểm điểm. Đương nhiên gắn với tên tuổi thời điểm đó thì phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm”, ông Khánh khẳng định.
“Hiện nay TTCP đã thành lập tổ kiểm tra và đang làm việc với Hà Tĩnh để xem xét lại kết luận đó. Về câu chuyện kiểm điểm cá nhân, tập thể thì bước đầu có thể nhận định là chưa nghiêm túc. Tôi tạm dùng từ đó. Trách nhiệm đó của những ai thì sẽ gắn với từng việc, từng người có trách nhiệm và sẽ thông báo chính thức”, ông Khánh cho hay.
Người có chức vụ tiêu từ 20 triệu đồng trở lên phải thông qua ngân hàng
Trả lời câu hỏi của báo chí về trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, nguyên đại biểu Quốc hội có 2 quốc tịch và câu chuyện kiểm soát tài sản đối với người có chức vụ quyền hạn khi có dấu hiệu tẩu tán tài sản ra nước ngoài, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (TTCP) Ngô Mạnh Hùng cho biết đây đều là những “vấn đề rất mới và rất khó” đòi hỏi pháp luật phải có chế tài để điều chỉnh.
“Đề xuất rất mới của chúng tôi là tới đây, những người có chức vụ quyền hạn mà thuộc trong diện kê khai tài sản khi thực hiện các giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên là đã phải thực hiện thông qua các tài khoản ngân hàng”, ông Hùng nói và cho biết TTCP đã có kế hoạch phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.