Formosa hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề: Đi biển còn để bảo vệ chủ quyền!

02/07/2016 09:31 GMT+7

Nói về việc Formosa có cam kết hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, đi biển ngoài mang lại thu nhập, còn là phong tục và bảo vệ chủ quyền.

Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa môi trường do Formosa vừa gây ra. PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình để hiểu rõ hơn những thiệt hại và mong muốn của người dân nơi đây.
* Xin ông cho biết thảm họa cá biển chết do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra với tỉnh Quảng Bình?
- Thức sự, thiệt hại quá lớn, quá nghiêm trọng và nặng nề. Là tỉnh có bờ biển dài 116 km, kinh tế biển có vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Toàn tỉnh có 5.500 tàu cá, trong đó với hơn 3.100 tàu dưới 90 CV khai thác gần bờ, 1.100 tàu đánh bắt vùng biển xa, sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 60.000 tấn; số lao động trực tiếp trên các tàu cá trên 15.000 người, số lao động tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản trên 60.000 người. Về hoạt động du lịch, có 286 cơ sở lưu trú, với 7.500 phòng; hằng năm đón trên 3 triệu lượt khách. Sự cố môi trường biển đã làm cho hoạt động khai thác thủy hải sản, du lịch, dịch vụ đình trệ, đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân sống dựa vào biển và ngư dân các xã vùng biển trên địa bàn hết sức khó khăn, người dân hoang mang, lo lắng. Vụ việc tác động trực tiếp đến từng nhà dân ở các xã về cả vật chất, tinh thần và môi trường biển làm cho đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Hoài đi thăm hỏi, động viên ngư dân huyện Bố Trạch trong thảm họa cá chết Ảnh Minh Huyền
* Khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh đã có những biện pháp gì?
- Ngay khi sự việc xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát địa bàn, về từng hộ dân để kịp thời động viên nhân dân cùng nhau vượt qua khó khăn. Đã có nhiều chính sách như trích ngân sách tỉnh mua ngay gạo hỗ trợ cứu đói cho nhân dân, hỗ trợ tiền đối với các tàu đánh bắt gần bờ ngừng khai thác, hỗ trợ 20% giá thu mua cho các cơ sở thu mua để tiêu thụ hải sản xa bờ cho các tàu cá của tỉnh. Các địa phương, các lực lượng và các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý cá biển chết; bảo đảm vệ sinh môi trường, nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng cá biển chết...
* Việc Formosa thừa nhận gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng vừa qua và đã được công bố, ông có những cảm xúc và đánh giá gì?
- Khi sự cố môi trường xảy ra, tôi thực sự lo lắng, thậm chí còn hoang mang vì đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố nghiêm trọng như thế này. Nhà tôi ở gần biển, khi nhìn thấy những bãi biển không một bóng người tôi đau xót lắm. Trong cuộc đời tôi, chưa lúc nào lo lắng như vừa qua. 
Khi Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố, tôi nghĩ người Quảng Bình đỡ một phần hoang mang. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, cái quan trọng là hỗ trợ cho người dân, xử lý ô nhiễm biển, phục hồi hệ sinh thái và đặc biệt là từ nay trở đi tuyệt đối không để xảy ra sự cố.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài kiểm tra tình hình biển khi xảy ra thảm họa môi trường do Formosa gây ra Ảnh Minh Huyền
* Formosa có cam kết sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, ông có nhận xét gì về điều này?
- Nếu hiểu về biển và nghề biển thì việc để ngư chuyển đổi nghề nghiệp là việc khó khăn. Vì người miệt biển, đi biển ngoài mang lại thu nhập cho họ, đi biển là phong tục, là văn hóa; ngư dân sống dựa biển. Đi biển còn để bảo vệ chủ quyền. Tất nhiên trong điều kiện hiện nay, chúng ta cũng phải có giải pháp cho bà con. Đối với tàu khai thác hải sản xa bờ, cần tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích đóng tàu, hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm để ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi bám biển. Đối với các ngư dân khai thác gần bờ cần có chính sách và động viên ngư dân làm thêm nghề như nếu có đất thì trồng trọt, chăn nuôi, nếu không thì hỗ trợ đào tạo nghề để họ có thể làm việc tại các cơ sở công nghiệp và xuất khẩu lao động hoặc đóng tàu lớn đánh bắt biển xa.
* Trên cương vị lãnh đạo tỉnh, ông có suy nghĩ gì, đã và sẽ hành động như thế nào khi lựa chọn và quyết định nhà đầu tư, giữa được và mất từ kinh tế và môi trường?
- Là một tỉnh nghèo, cần phải phát triển kinh tế, cần dự án. Trong những năm qua, chúng tôi đã có nhiều chính sách và giải pháp để thu hút các nhà đầu tư và đã đạt được những kết quả nhất định. Sẽ là tuyệt vời nếu kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường sinh thái. Với quan điểm phát triển bền vững, tỉnh chúng tôi không chấp nhận dự án gây ô nhiễm môi trường. Vụ Formosa là một bài học lớn, từ đây, khi chấp thuận dự án cần phải nghiên cứu, xem xét, đánh giá và giám sát kỹ.
Vụ cá biển chết do Formosa gây ra làm ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đối với hoạt động đánh bắt gần bờ Ảnh Trương Quang Nam
* Tâm tư của người dân Quảng Bình hiện nay như thế nào?
- Hiện chúng ta đã biết nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường trong thời gian vừa rồi, nhưng người dân vẫn băn khoan là biển đã thực sự sạch chưa. Đối với vùng biển gần bờ thì đã công bố các chỉ số về môi trường cơ bản là đảm bảo, nhưng đối với tầng nước sâu đã thực sự sạch chưa? Vậy nên làm sạch biển là yêu cầu cấp thiết.
* Là một công dân sống gần biển, gắn bó với biển, hưởng lợi từ biển, cá nhân ông mong muốn điều gì trong thời gian tới?
- Như đã nói ở trên, mong muốn của tôi, biển là yêu thương, biển là sạch. Vì biển đối với người dân Quảng Bình không chỉ cung cấp hải sản, tạo thu nhập cho người dân, mà biển còn là người bạn, biển là tâm hồn của họ, là linh hồn của ngư dân. Muốn làm được điều này, trước tiên yêu cầu Formosa phải thực hiện đúng cam kết xử lý ô nhiễm biển, phục hồi hệ sinh thái, cam kết khắc phục tất cả những tồn tại của hệ thống xử lý chất thải cũng như thay đổi công nghệ để đảm bảo tuyệt đối không xảy ra sự cố tương tự và lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường biển cho 4 tỉnh miền Trung; công khai thông tin cho người dân yên tâm và đảm bảo tính minh bạch. Đây là bài học lớn, bài học xương máu chúng ta cần phải rút kinh nghiệm một cách sâu sắc, không chỉ đối với dự án của Formosa mà còn đối với các dự án đầu tư sau này nữa.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.