Đi làm sổ đỏ quá khổ

15/08/2016 08:00 GMT+7

Nhiều người dân TP.HCM hết sức khổ sở khi đi làm giấy tờ nhà đất vì phải mỏi mòn chờ đợi, bổ sung nhiều lần.

Có đến văn phòng đăng ký đất đai ở các quận, huyện trên địa bàn TP, mới thấy hết nỗi khổ của người dân trong việc đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, mà người dân còn gọi là “sổ đỏ”.
Bỏ hết công ăn việc làm...
Tôi đi làm sổ đỏ từ tháng 2.2016, nhưng cứ mỗi lần đến nộp thì lại bảo thiếu cái này cái kia phải về làm lại. Tôi quá cực khổ, bỏ hết công ăn việc làm để chạy lui chạy tới
Chị Vương Lệ Mai (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Ngày 10.8, tại Văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân, chị Vương Lệ Mai bức xúc: “Tôi đi làm sổ đỏ từ tháng 2.2016, nhưng cứ mỗi lần đến nộp thì lại bảo thiếu cái này cái kia phải về làm lại. Tôi quá cực khổ, bỏ hết công ăn việc làm để chạy tới chạy lui. Tôi không hiểu vì sao nhân viên nhận hồ sơ rồi sau đó lại yêu cầu bổ sung quá nhiều lần. Giờ cũng không biết đến lúc nào mình có sổ”. Chị Mai cho biết mua nhà đất hợp pháp ở đường Bùi Tư Toàn, P.An Lạc và làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ. Ngày 26.5, chị nộp hồ sơ với 10 loại chứng từ, trong đó có bản vẽ sơ đồ nhà đất, đơn đề nghị cấp đổi sổ đỏ, giấy phép xây dựng, thông báo trước bạ... và được hẹn ngày 7.7 trở lại nhận kết quả, nhưng ngày 10.8 (trễ hơn 1 tháng) vẫn không có.
Tại Văn phòng đăng ký đất đai Q.Thủ Đức, ông Nguyễn Thanh Minh (P.Linh Xuân) than: “Tui quá mệt mỏi”. Hồ sơ ông Minh xin cấp sổ đỏ lần đầu, theo quy định chỉ trong 30 ngày, nhưng từ khi bắt đầu đi nộp hồ sơ tháng 11.2015 đến nay kết quả vẫn chưa có. “Hồ sơ của tôi hợp lệ nhưng cứ bị “ngâm” hoài. Thời gian kéo dài nên tôi không nhớ hết mình bị trễ hẹn bao nhiêu lần nữa”, ông Minh nói.
Chiều 9.8, tại Văn phòng đăng ký đất đai Q.12, cầm trên tay bộ hồ sơ bị trễ hẹn gần 6 tháng, bà V.T.T, ở P.Hiệp Thành bức xúc: “Tôi nộp hồ sơ đầu tháng 2.2016, được hẹn trả kết quả là cuối tháng 3.2016 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Đến ngày hẹn trả kết quả, cán bộ xử lý hồ sơ nói chưa thể hoàn thành do bản vẽ trước và bản vẽ sau không đồng nhất, phải đi xác minh lại. Nay đến hẹn lên nhận kết quả lại yêu cầu bổ sung bản cam kết không tranh chấp với các chủ đất khác”.
Trường hợp người mua nhà anh H., ở P.Thới An (Q.12) còn bi đát hơn. Anh H. kể năm 2009 anh mua nhà ở hẻm 720 Lê Văn Khương, đến năm 2015 bán lại cho một người khác. Người mua tự làm hồ sơ và rồi gặp đủ thứ rắc rối khiến hơn 1 năm trời vẫn chưa xong. “Điều tôi ngạc nhiên là cũng diện tích đó, ngôi nhà đó nhưng khi tôi nhờ dịch vụ làm giấy tờ thì trơn tru, không phải chờ đợi”, anh H. nói.
Ông Nguyễn Thanh Minh bắt đầu làm sổ đỏ từ tháng 11.2015 đến nay chưa xong ẢNH: TÂN PHÚ
Bất cập vì lượng hồ sơ "khổng lồ"
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Tiến Quân, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân, thừa nhận có tình trạng người dân bức xúc vì hồ sơ trễ hẹn, bị cán bộ thụ lý bắt bổ túc nhiều lần.
Còn theo thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai Q.12, trong 6 tháng đầu năm nay những trường hợp làm sổ đỏ lần đầu tỷ lệ đúng hẹn chỉ đạt 58%.
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (trực thuộc Sở TN-MT), cho biết theo luật Đất đai 2013, việc làm sổ đỏ giao cho cơ quan chuyên môn, không để UBND các quận, huyện cấp như trước đây. Với nhiều tỉnh, thành khác có lượng hồ sơ ít thì không sao, nhưng tại TP.HCM thì nảy sinh quá nhiều bất cập vì lượng hồ sơ "khổng lồ", khiến người dân bức xúc vì bị chậm trễ. TP đã có kiến nghị T.Ư sửa đổi theo hướng cho phép Sở TN-MT ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai TP được ký cấp đổi sổ đỏ. Theo đó, cơ quan thụ lý giải quyết được rút lại còn 2 nơi: chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở các quận, huyện - Văn phòng đăng ký đất đai TP. “Tuy nhiên, cách làm này cũng không căn cơ. Việc đăng ký biến động trên giấy gốc và cấp đổi mới đều có giá trị pháp lý như nhau, thì chỉ nên giao cho từng chi nhánh quận, huyện tự giải quyết hồ sơ trên địa bàn; nếu 2 nơi thì vẫn còn 1 vòng chuyển hồ sơ lên TP, chắc chắn sẽ không tránh khỏi chậm trễ vì ùn ứ hồ sơ. Phải có phân cấp, phân quyền mới giải quyết được nhanh và giải pháp của chúng tôi là cơ cấu Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai những quận, huyện có lượng hồ sơ lớn để ký luôn, tránh phải đi lòng vòng”, ông Liên nói.
Về việc cán bộ thụ lý hồ sơ yêu cầu bổ túc giấy tờ lắt nhắt và vấn nạn “phải thông qua cò mới nhanh”, theo ông Liên: “Do không công khai minh bạch nên anh em có thể vin vào đó mà đòi hỏi giấy này giấy kia, rồi dẫn đến phát sinh chuyện dịch vụ. Chúng tôi nhận diện rõ thực trạng này và đang phối hợp Sở TT-TT triển khai quy trình ISO điện tử giám sát từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, không để cán bộ xử lý hồ sơ tiếp xúc với người dân. Cách làm này sẽ “chặt đuôi” được tiêu cực”.
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP, thừa nhận: “Có tháng đến 60% hồ sơ trễ hẹn. TP chủ trương tìm cách khai thông việc này để cuối năm nay giảm tỷ lệ trễ hẹn xuống dưới 10%. Giải pháp đang thực hiện là người dân có thể đến văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện đăng ký cập nhật biến động nhà đất trên sổ gốc, chứ không cần lên Sở TN-MT đổi sổ mới, bởi sổ cập nhật biến động và sổ cấp đổi mới theo luật đều có giá trị pháp lý như nhau”.
Phải “lót tay”
Ngày 10.8, trong buổi làm việc với UBND TP.HM, các tổ chức đánh giá về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (chỉ số PAPI) đã công bố kết quả khảo sát giai đoạn 2009 - 2015. Theo đó, có hơn 28% người dân TP.HCM tham gia khảo sát cho hay họ phải trả chi phí “lót tay” để làm xong sổ đỏ, tiền “lót tay” gần 14,5 triệu đồng/lượt.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định ngay trong tháng 8.2016, TP tập huấn cho cán bộ, công chức về trách nhiệm công khai minh bạch. Theo ông Tuyến, nếu như người dân mong muốn kêu gọi chống tham nhũng, tiêu cực thì người dân cũng phải kiên quyết không chung chi. Nếu cán bộ, công chức đòi chung chi thì người dân cứ mạnh dạn phản ánh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.