Chính phủ thừa nhận 9 bài học sau sự cố Formosa

29/07/2016 06:55 GMT+7

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về "tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường" tại các tỉnh miền Trung vừa rồi.

Pháp luật nhiều kẽ hở
Tại báo cáo này, Chính phủ đã tự rút ra 9 bài học trong công tác điều hành và kiến nghị với Quốc hội (QH) một số điểm đáng chú ý. Trước tiên, theo Chính phủ, đó là bài học về sự cần thiết xây dựng cơ chế phối hợp thực chất, hiệu quả giữa các bộ ngành, địa phương, huy động các nguồn lực ứng phó với thảm họa. Thứ hai, về thu hút đầu tư, cần xác lập một hệ thống tiêu chí sàng lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Thứ ba, Chính phủ cũng thừa nhận thời gian qua đã quá coi trọng thu hút đầu tư mà chưa quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường.
Thứ tư, cơ quan điều hành xác định, trong bối cảnh gia nhập TPP thì sự đổ bộ các dự án đầu tư, nhất là trong dệt, sợi, nhuộm tới đây càng làm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhóm ngành này lớn hơn nên cần tăng cường giám sát đầu tư ở góc độ bảo vệ môi trường là rất cấp bách.
Thứ năm, Chính phủ nhìn nhận có rất nhiều kẽ hở trong pháp luật về đầu tư, môi trường, nhất là thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bất cập về quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Thứ sáu, từ đó, cơ quan điều hành cho rằng cần làm rõ chức năng các bộ ngành trong xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, thẩm định đánh giá công nghệ môi trường…
Các bài học khác là: Cần học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, đặc biệt là những nước phải hứng chịu nhiều thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố môi trường; Việc giải quyết với Formosa cho thấy một cách giải quyết mới các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài trong xu thế hội nhập, tạo sức ép buộc Formosa phải hợp tác; Quá trình giải quyết vụ việc, luôn thể hiện nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước là kiên quyết bảo vệ môi trường, song cũng phải giữ được môi trường đầu tư.
Do vậy, Chính phủ đã kiến nghị QH khóa 14 chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường; Chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các bộ ngành liên quan đến bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Chính phủ kiến nghị QH xây dựng và tổ chức chương trình giám sát chuyên đề bảo vệ môi trường với các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm cao do QH và Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Còn HĐND cấp tỉnh giám sát các dự án thuộc quyền quản lý của địa phương. Chính phủ cũng đề xuất tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường, nhất là cơ chế tăng chi ngân sách cho quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Chưa thống kê được số cá chết
Trước đó, tại mục đánh giá hậu quả, Chính phủ cho hay đã có những tính toán sơ bộ về thiệt hại môi trường trên cơ sở các luận cứ khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của thế giới bao gồm suy giảm chất lượng môi trường biển, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Cụ thể, số cá tự nhiên chết dạt vào bờ tổng cộng khoảng 115 tấn (trong đó nặng nhất là Quảng Bình 100 tấn) chủ yếu là cá tầng đáy, gần đáy, các rạn san hô. Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận "số cá chết chìm dưới đáy biển chưa thống kê được", có thể làm nước bị phú dưỡng gây ô nhiễm môi trường. Có những nhóm sinh vật số loài và sinh lượng giảm tới 50%. Diện tích các rạn san hô bị tác động trực tiếp khoảng 450 ha. Một số điểm khảo sát ban đầu cho thấy trung bình 40 - 60% rạn san hô bị phá hủy.
Cũng theo báo cáo, có khoảng gần 17.700 tàu thuyền khai thác với gần 41.000 người trực tiếp, 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng. Với khu vực khai thác hải sản ngoài 20 hải lý, chỉ có 50 -70% tàu tham gia đánh bắt. Trong vùng 20 hải lý, có tới 90% tàu dưới 90 CV nằm bờ, sản lượng hải sản khai thác ven bờ vùng lộng thiệt hại ước tính 1.600 tấn/tháng. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm chết hoàn toàn là 5,7 ha, tương đương 9 triệu tôm giống và 7 tấn tôm thương phẩm sắp thu hoạch; 140 tấn cá, 67 tấn ngao nuôi bị chết và 10 ha cua nuôi cũng rơi vào cảnh tương tự.
Về du lịch, không chỉ các cơ sở tại 4 địa phương bị ảnh hưởng mà các công ty tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng. Nhưng 4 tỉnh này nặng nhất khi có 50% khách hủy tour, công suất sử dụng phòng giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt tại Hà Tĩnh giảm 80 - 90%. Chính phủ cho biết phấn đấu trong tháng 8.2016 tiền khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại sẽ đến tay người dân.
Sẽ xử lý hình sự Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh
Về biện pháp khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm, đáng chú ý là nội dung mới liên quan đến lượng chất thải rắn mới phát hiện trên đất liền, Chính phủ cho biết riêng lượng bùn thải mà Formosa chuyển cho Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh trong hơn hai tháng qua là 276 tấn. Bộ TN-MT cho rằng Formosa, với tư cách là chủ nguồn thải, phải chịu trách nhiệm thu gom, xử lý toàn bộ. Còn với Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh, sau khi hoàn tất hồ sơ sẽ xử lý hình sự theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.