Cấp bách ngăn chặn vi rút gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam

21/02/2017 06:51 GMT+7

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các bộ: Quốc phòng, Công an, Công thương, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải, về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào VN.

Theo Bộ NN-PTNT, diễn biến dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc rất phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch có độc lực cao như A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8... và nguy cơ vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm vào VN rất cao, thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán... gia cầm nhập lậu, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía bắc. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị lãnh đạo các địa phương, bộ ngành liên quan tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trong đó, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Tuyên truyền sâu rộng đến từng cư dân biên giới, chính quyền cấp xã, huyện và tổ chức đoàn thể tại các khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm; các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc cúm... Khẩn trương rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Lập kế hoạch chủ động bố trí lực lượng cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan cho người và xảy ra trên diện rộng.
Bộ NN-PTNT cũng giao Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo lực lượng thú y tại các tỉnh biên giới phối hợp cơ quan thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; tổ chức lấy mẫu gia cầm sống để giết mổ, thịt gia cầm nhập lậu qua biên giới để xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng về sự nguy hiểm, tác hại của gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.