Cần kiểm soát việc thu chi từ lễ hội tín ngưỡng

09/09/2016 09:22 GMT+7

Đó là ý kiến được nêu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức hôm qua (8.9) tại Hà Nội.

Khi bàn, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 2 dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới là luật Tín ngưỡng tôn giáo và luật Về hội.
Thảo luận về quy định cấm lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, đại biểu (ĐB) Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng cần xác định rõ thế nào là lợi dụng để trục lợi. Theo ĐB Vượt, hiện ranh giới của việc trục lợi hay không rất khó phân biệt.
Có tình trạng phổ biến là một số chức sắc tôn giáo tổ chức các hoạt động có nguồn thu lớn, nhiều đình chùa có thu nhập “kinh khủng”. Bên cạnh đó, nhiều “đại gia” cũng đầu tư xây dựng công trình tín ngưỡng lớn có nguồn thu rất cao. “Vậy bản chất của nó có là lợi dụng tín ngưỡng không? Cần được làm rõ”, ĐB Vượt nói.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tán đồng với quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng. Theo quy định tại dự thảo, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó nêu rõ tên lễ hội, nguồn thu, mục đích, cách thức sử dụng. “Quy định trên góp phần tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng, làm cho người đại diện, cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm quản lý công khai, minh bạch, đúng mục đích, đáp ứng nguyện vọng của người dân”, bà Khánh nói.
Liên quan dự luật Về hội, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, thẳng thắn đặt câu hỏi: “Chúng ta làm ra luật Về hội để làm gì? Để đảm bảo quyền lập hội cho người dân hay làm luật để quản lý, kiểm soát hội? Hay cả hai?”. Theo tiến sĩ Giao, luật bao trùm cả hai vấn đề, không xem nhẹ vai trò quản lý của nhà nước, nhưng quản lý ở mức độ tạo điều kiện thực hiện quyền lập hội chứ không nên quản lý theo hướng triệt tiêu, kiểm soát quyền lập hội.
Ông Giao cũng cho rằng vấn đề lớn nhất của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do Đảng, Nhà nước thành lập hiện nay là hoạt động theo xu hướng hành chính hóa, kém hiệu quả và rất hình thức. Khiếm khuyết thứ hai của nhóm tổ chức này là tiêu xài ngân sách nhà nước nhưng không minh bạch, khó kiểm soát. Theo ông Giao, kinh phí dành cho khối này, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), lên tới 14.000 tỉ đồng năm 2016. Còn nếu tính cả tài sản của các tổ chức này dùng để khai thác khách sạn, du lịch cho thuê thì tổng giá trị tài sản là 68.000 tỉ đồng, tương đương 1,7% GDP, chưa nói đến nguồn nhân lực, cán bộ… “Đây là vấn đề lớn. Đảng đã có các nghị quyết, chủ trương về việc giữ ổn định biên chế các tổ chức này đến hết 2016. Từ 2017 khoán hoặc hỗ trợ thực hiện kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao. Nên có quy định rõ về nguyên tắc sử dụng ngân sách, trách nhiệm giải trình đối với các tổ chức này để làm căn cứ đảm bảo giải quyết vấn đề Đảng, Nhà nước đang đặt ra”, ông Giao đề nghị.
Làm rõ bà Châu Thị Thu Nga đã dùng 1,5 triệu USD để chạy ai?
Trả lời báo chí bên lề hội nghị, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc cho biết rất bất ngờ trước thông tin bà Châu Thị Thu Nga bỏ ra 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỉ đồng) để “chạy” vào danh sách ứng cử ĐBQH. Theo ông Phúc, nếu có thông tin như thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của QH. “Phải làm rõ đưa ai, bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời. Bỏ một khoản tiền lớn thế vào QH làm gì, giải quyết vấn đề gì? Giờ một số ĐBQH chuyên trách mời người ta còn tránh không tham gia, vậy một cá nhân muốn vào QH làm gì?”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, 30 tỉ đồng là số tiền rất lớn “rải đi đâu hết chỗ đó”. “Nếu chạy thì chỉ có mấy chỗ. Là người ứng cử tự do thì MTTQ của Hà Nội giới thiệu. Sau 3 vòng hiệp thương, rồi đến cơ quan Thường vụ QH. Vậy 30 tỉ đi đâu?”, ông Phúc đặt câu hỏi và “không tin có chuyện chạy tiền vào QH, nhất là với khoản tiền lớn thế”. Theo ông Phúc pháp luật không loại trừ ai nên việc cần "mác" ĐBQH để lợi dụng chuyện này chuyện khác là sự nhầm tưởng. “Anh vào QH để làm gì? Có được lợi lộc gì không thì mới lao vào như thế. Anh có thể có ý kiến cá nhân, nhưng muốn bảo vệ quan điểm doanh nghiệp thì không chỉ ý kiến của anh có thể thuyết phục được QH mà tất cả cơ quan cho ý kiến”, ông Phúc cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.