40 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ

15/03/2008 23:00 GMT+7

* Một đại lễ của tâm linh nhân dân * Tiết lộ kinh hoàng từ cuộc điều tra về vụ thảm sát Từ sáng sớm ngày 15.3, trước lễ tưởng niệm 40 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ một ngày, từng đoàn người đã lặng lẽ hành hương về Sơn Mỹ, dự trai đàn siêu độ - chẩn tế cô hồn - cầu âm siêu dương thái, một đại lễ do Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. >> Cuộc hội ngộ lịch sử >> BBC 4 nhìn lại vụ Mỹ Lai

Lời nguyện cầu cho 504 nạn nhân

Trước đây 10 năm, khi tham dự lễ tưởng niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, tôi đã có cảm giác đó là một đại lễ của truyền thông, của hàng chục đài truyền hình quốc tế, hàng chục tờ báo lớn trên thế giới cùng với truyền thông Việt Nam tham gia phản ánh một cách sâu sắc, rốt ráo vụ thảm sát. Nay, ở lễ tưởng niệm 40 năm này, tôi lại có cảm giác đây chính là đại lễ tưởng niệm của tâm linh nhân dân.
 
Lần đầu tiên ngay trước tượng đài Sơn Mỹ xuất hiện một trai đàn cầu hồn trang nghiêm, xúc động với sự tham gia của 40 tăng ni và do những cao tăng có uy tín nhất Quảng Ngãi đứng ra chủ tế. Trong nườm nượp người Quảng Ngãi về tề tựu quanh trai đàn, tôi nhìn thấy rất nhiều trẻ con, nhiều người già, nhiều phụ nữ. Khi giọng cầu nguyện cất lên rền vang bài kinh “Địa Tạng vương bồ tát”, tôi đã thấy nhân dân tôi lặng im thành kính nhập thành một khối, cùng nguyện cầu cho 504 oan hồn Sơn Mỹ 40 năm trước được siêu thoát. Trong cái ngày 16.3.1968 đau thương oan nghiệt ấy, lính Mỹ đã tàn sát những người già, phụ nữ, trẻ con một cách lạnh lùng vô cảm, một cách say máu cuồng điên. Đó là một vết nhơ không thể rửa sạch của quân đội Mỹ, nhưng cũng là lời cảnh báo khắc nghiệt nhất cho nhân loại: một khi trên thế giới này còn những cuộc chiến tranh xâm lược, còn những xung đột vũ trang vì toan tính lợi ích của những nhóm, những tập đoàn, những thế lực đen tối, thì những vụ thảm sát như vụ Sơn Mỹ còn tiếp tục xảy ra.
 
Đông đảo người dân về dự lễ cầu siêu - Ảnh: Thanh Thảo - Trần Đăng

Khác với những lễ tưởng niệm vụ Sơn Mỹ trước đó, năm nay lễ tưởng niệm mở ra hai hướng: hướng sâu cái nhìn vào tâm linh nhân dân, vào lương tâm từng con người về đây dự lễ, và hướng chung cái nhìn của Sơn Mỹ về tương lai, một tương lai của hội nhập nhân ái, của khát vọng vươn lên chiến thắng đói nghèo nơi một vùng đất từng chịu nhiều đau thương nhất.

Nổi tiếng vì đau thương, nổi tiếng vì ý chí 

Gặp lại chị Trần Thị Oanh sau mấy năm, gương mặt người phụ nữ 48 tuổi này vừa khắc chìm những nét chịu đựng đau thương, vừa hằn lên vẻ cương nghị quả cảm. Khi vụ thảm sát xảy ra, chị Oanh mới 8 tuổi, và là một trong những nạn nhân hiếm hoi may mắn sống sót, dù cả cha mẹ, ông nội chị đều tử nạn. Chị là cháu nội của bà cụ Đốc, một nhân chứng nổi tiếng từ vụ thảm sát Sơn Mỹ mà nhiều nhà báo nước ngoài đã quá quen biết. Cứ ngỡ những đau thương, cực khổ quá sức chịu đựng sẽ vùi dập người phụ nữ nhỏ nhắn này, khi quê hương Sơn Mỹ của chị nổi tiếng thế giới vì là vùng đất đau thương nhất. Nào ngờ...

Chị Trần Thị Oanh, một trong số ít người may mắn sống sót trong vụ thảm sát - Ảnh: Thanh Thảo - Trần Đăng

Năm năm trước, tôi đã đến ngôi nhà hai tầng của vợ chồng chị Oanh. Đó gần như là ngôi nhà xây hai tầng duy nhất trong xóm. Đường về nhà chị rất khó đi, đầy bùn lầy lội. Năm năm sau, khi tôi về lại, con đường làng đã trải bê tông, thẳng tắp. Ngôi nhà của chị Oanh không còn là ngôi nhà tầng duy nhất trong xóm. Đã mọc lên nhiều nhà ngói khang trang, cả những ngôi nhà tầng đẹp đẽ. Bầy vịt đẻ 1.000 con, mà tôi gọi đùa là “trung đoàn vịt” của vợ chồng chị Oanh cũng không còn là bầy vịt đông nhất trong làng. Sơn Mỹ đã xuất hiện những “cánh đồng 50 triệu”, nơi cây lúa không còn là độc tôn. Những khu vườn rau chuyên canh cao sản khiến vùng đất này đã xanh lúa, xanh khoai, nay càng xanh hơn với các loại rau đậu thời vụ và thời thượng.  Tôi đã từng nhìn những cây cần vọt múc nước giếng khơi ở vùng đất cát này như một biểu tượng của ý chí người dân Sơn Mỹ. Nay những cây cần vọt đã lùi vào quá khứ, nhưng ý chí người Sơn Mỹ thì vẫn có thể gặp ở bất cứ đâu.

Cách đây 10 năm, sau nỗ lực hết mình của Báo Thanh Niên và của hàng triệu tấm lòng cả nước, điện đã về tới những nhà dân ở Sơn Mỹ. Cùng với ánh điện sáng, là một cuộc đổi đời. Ở mốc kỷ niệm 40 năm hôm nay, có lẽ Sơn Mỹ cần một “cú hích” mới, một “cú hích tin học”, một “cú hích nông học”, một “cú hích du lịch” chẳng hạn, để thêm một lần nữa đổi đời. Nhà nước đã chuẩn bị cho những “cú hích” này, nhưng chưa đủ. Và bên cạnh Nhà nước, rất cần những tấm lòng bà con người Việt trong nước và ngoài nước chung tay với Sơn Mỹ, rất cần những hoạt động thiết thực và hữu ích của những tổ chức thiện nguyện quốc tế, những tổ chức phi chính phủ, của giới truyền thông trong và ngoài nước để cùng góp sức đưa Sơn Mỹ thoát hẳn những ám ảnh kinh hoàng của quá khứ đau thương.

Gặp lại Đỗ Hòa

Tôi biết Đỗ Hòa từ 10 năm trước, và gặp lại anh sau 7 năm. Vào dịp kỷ niệm 30 năm Sơn Mỹ, phóng viên Báo Thanh Niên đã tới tận trại cải tạo Z30 để thăm Hòa, và sau đó cùng viết chung với tôi bài báo khá xúc động về người thanh niên quê Sơn Mỹ này. Từ là một nạn nhân của vụ thảm sát Sơn Mỹ, may mắn được phi công Mỹ Hugh Thompson và đồng đội Lawrence Colburn cứu thoát, lẽ ra Hòa đã có một đời sống bình lặng hơn. Nhưng những “di chứng Sơn Mỹ” kinh hoàng đã không ngừng ám ảnh anh, đưa cuộc đời anh nhiều lúc vào bế tắc. Hòa đã lang thang vất vưởng, đã phạm lỗi, đã tù tội. Nhưng vào những lúc cuộc đời anh ngỡ chìm vào tăm tối, thì ánh sáng Sơn Mỹ - ánh sáng của lương tri, của nhân ái, của ý chí quyết sống, của nỗ lực làm lại đã cứu anh. Với sự giúp sức của Báo Thanh Niên và của nhiều người tốt, Hòa trở lại là một công dân lương thiện. Những tấm lòng nhân ái đã đến với anh. Công ty cơ điện lạnh Thái Vi của anh Kiều Xuân Long đã chìa tay nắm chặt tay anh. Hòa đã được công ty cho đi học nghề điện lạnh, đã thành công nhân của công ty, và đã lập gia đình. Hiện vợ chồng anh mới có đứa con trai kháu khỉnh 14 tháng tuổi.

Mừng cho gia đình Hòa, nhưng cũng rất lo cho gia đình bé nhỏ của anh. Vì vợ anh, chị Đặng Thị Cư - có nghề may nhưng thiếu việc làm, thiếu thu nhập - nay lại có cháu nhỏ, trong khi lương Hòa ngót 2 triệu lại phải ở nhà thuê tại Sài Gòn, nên đời sống rất khó khăn. Tâm sự với tôi, Hòa nói anh dự tính đưa vợ con về lại Sơn Mỹ. n nhân Colburn, rất xúc động gặp lại Hòa và cả gia đình hôm nay tại Sơn Mỹ, cũng rất băn khoăn về hoàn cảnh hiện tại của gia đình Hòa. Ông hứa sẽ cùng chung tay hỗ trợ gia đình đứa trẻ Sơn Mỹ mà ông đã cứu mạng từ 40 năm trước.  

 T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.