Chỉnh trang đô thị cần sự đồng thuận của người dân

08/10/2012 08:00 GMT+7

Cùng với việc mở rộng, chỉnh trang thêm nhiều tuyến phố cũ trong trung tâm thành phố, Hà Nội đang phải đối diện với nhiều khó khăn để thoát khỏi tình trạng “phố nghìn tỉ, nhà lem nhem”.

Sở QH-KT cho biết, Sở đã lập đề án thiết kế chỉnh trang và cải tạo nhiều tuyến đường. Đặc biệt, với các khu đất có công trình xây dựng, nếu xác định các ô đất không đủ điều kiện xây dựng vẫn sẽ thu hồi cùng dự án mở đường, như đường Trần Phú - Kim Mã, đường Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái... Các đề án này đã cơ bản hoàn thành khối lượng theo yêu cầu và được gửi xin ý kiến cộng đồng dân cư các khu vực có liên quan trước khi hoàn chỉnh trình UBND TP phê duyệt.

 Chỉnh trang đô thị cần sự đồng thuận của người dân
Tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, một điển hình của tình trạng "phố nghìn tỉ, nhà lem nhem" - Ảnh: Ngọc Thắng

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Sở QH-KT cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc chỉnh trang lại với các tuyến đường trung tâm là giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư cho các nhà dân bị di dời. Ngoài ra, công tác thống kê khảo sát đo đạc hiện trạng cũng khó khăn, nhất là các nội dung chính xác về quyền sở hữu nhà, sử dụng đất để từ đó đơn vị tư vấn đưa ra phương án sàng lọc, hợp khối, hợp thửa... Tuy nhiên, bản đồ khảo sát đo đạc hiện trạng tỷ lệ 1/500 không thể hiện được hiện trạng quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Các bản đồ này chưa được cập nhật và không thể hiện được tình trạng mua bán nhà đất không chính thức, nên gây nhiều khó khăn trong công tác lập quy hoạch.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng thừa nhận, để thu hồi đất với các lô không đủ điều kiện về mặt xây dựng theo phương án thu hồi hay hợp khối là quá trình phức tạp và kéo dài, vì liên quan đến thỏa thuận của các hộ liền kề. Việc đề xuất giải tỏa, thu hồi nhiều hộ có diện tích gần đạt 15m2 theo quy định cũng rất khó khăn. Đây là lý do quá trình điều tra khảo sát các hộ dân, lấy ý kiến cộng đồng dân cư rất mất thời gian, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án. Thêm vào đó, với các lô đất dưới 15m2 phải thu hồi, thì việc nghiên cứu giải pháp kiến trúc, cảnh quan cho các lô đất nhỏ này rất khó khăn, nhất là các lô đất có hình dạng phức tạp, méo mó... Chưa kể, hiện chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn tổ chức lập thiết kế đô thị và thiết kế chỉnh trang đô thị.

Phải được dân đồng thuận

Theo Sở QH-KT, để hạn chế khó khăn trong việc thu hồi, chỉnh trang với các diện tích dưới 15m2, cần sử dụng đúng chức năng tiện nghi đô thị phù hợp, như sử dụng làm ki ốt bán lẻ, máy rút tiền tự động, trạm công an, dân phòng hoặc khoảng không gian mở, cây xanh... Đồng thời, Sở cũng đề xuất nghiên cứu các giải pháp chỉnh trang mặt đứng các công trình xung quanh các ô đất này bằng các giải pháp che chắn, quảng cáo.

PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, ông đã nhiều lần phát biểu trước HĐND TP về việc để chống nhà siêu mỏng, siêu méo, chỉnh trang được bộ mặt đô thị Hà Nội đòi hỏi sự đồng thuận rất lớn giữa người dân và chính quyền.

“Phải có chế tài rõ ràng, nghiêm ngặt trong triển khai quy hoạch. Mặt khác, chế tài cũng chỉ là áp đặt về mặt hành chính, nên để được người dân đồng thuận thực sự TP phải đưa ra được các giải pháp thỏa đáng về mặt kinh tế xã hội. TP có thể tính tới phương án lập ban quản lý/ công ty gom các lô đất diện tích quá nhỏ mà người dân không chịu hợp khối để khai thác, sử dụng”, TS Hanh phân tích. Để có được sự đồng thuận của người dân, TP phải xây dựng những “lối thoát” hợp lý cho người dân khi mất chỗ ở, ở đây là quỹ nhà ở tái định cư. Vấn đề này chỉ mình Sở QH-KT hay Sở TN-MT sẽ không thể thực hiện được, mà phải giao cho từng quận, từng xã kết hợp tiến hành.

Cũng theo ông Hanh, khi chỉnh trang các con đường mới, Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ việc thất bại trong chỉnh trang nhiều tuyến đường nghìn tỉ trước đây. Theo đó, sau khi có quy hoạch chi tiết được duyệt của tuyến đường, phải làm thiết kế đô thị, những diện tích siêu mỏng, siêu méo phải thực hiện hợp khối ngay bằng các biện pháp khác nhau. Quá trình này cần được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong người dân, và người dân phải có lợi ích, quyền lợi đi kèm trong dự án đó, thì quy hoạch mới có thể triển khai thành công trong thực tế.

Mai Hà

>> Lễ hội Cốm lần đầu tiên tại Hà Nội
>> Dẫn giải Dương Chí Dũng ra Hà Nội để điều tra
>> Công an Hà Nội thu giữ nhiều súng, kiếm, dùi cui điện
>> Rực rỡ lễ hội múa rồng Hà Nội
>> Áp giải Dương Chí Dũng từ TP.HCM ra Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.