Chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Macron

26/04/2022 10:30 GMT+7

Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có kế hoạch nhanh chóng quay lại làm việc, và ông tập trung vào chính sách đối ngoại, với ưu tiên của nghị trình là Nga và Liên minh châu Âu (EU)

Tổng thống Emmanuel Macron luôn vận động duy trì đối thoại với Nga

reuters

Chỉ sau 5 năm làm tổng thống Pháp, ông Macron được đánh giá đã lột xác từ một chính khách non trẻ để trở thành tiếng nói có tầm ảnh hưởng trên trường thế giới. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách của EU và can dự sâu sắc vào nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.

Những động thái đầu tiên

Như năm năm trước, ông Macron có kế hoạch nhanh chóng đến Berlin, theo truyền thống được nhiều đời tổng thống Pháp tuân thủ. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi đắc cử là dịp để lãnh đạo Pháp – Đức tăng cường và siết chặt quan hệ. Dự kiến ông Macron sẽ gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với nghị trình ưu tiên là tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Pháp cũng có thể công du Kyiv và đối thoại với người đồng cấp Volodymyr Zelensky tại đây. Tuy nhiên, ông Macron từng nói rằng chỉ đến Ukraine nếu chuyến thăm mang đến ảnh hưởng tích cực. Ông Macron đã điện đàm với các ông Zelensky và ông Scholz trong vòng vài giờ sau khi biết kết quả bầu cử.

Ông Macron trở thành tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử sau 20 năm

Ngày 9.5, tổng thống Pháp sẽ phát biểu trước nghị viện EU ở Strasbourg, thành phố miền đông bắc nước Pháp. Trong hơn hai tháng còn lại trên cương vị chủ tịch EU, Pháp với sự lãnh đạo của ông Macron tiếp tục thúc đẩy ưu tiên bảo vệ an ninh của khối, kiểm soát làn sóng nhập cư, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng và phát triển “mô hình tăng trưởng” kinh tế dựa trên đầu tư công nghệ cao ở châu Âu.

Tổng thống Pháp đặt mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU. Ông muốn đảm bảo châu Âu có được quyền “tự chủ chiến lược”, bao gồm khía cạnh quân sự, năng lượng, kinh tế và chính trị.

Tất nhiên các mục tiêu trên hoàn toàn không làm hài lòng Moscow lẫn Bắc Kinh. Thế nhưng, điều này cho phép Washington “dễ thở” hơn và có thời gian tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, để khởi động lại nền kinh tế EU, ông Macron đề xuất các biện pháp bao hàm những khía cạnh kinh tế, xã hội: áp dụng thuế nhiên liệu trên khắp châu Âu, áp dụng các tiêu chuẩn của EU vào những thỏa thuận thương mại, cũng như ấn định mức lương tối thiểu và ủng hộ bình đẳng giới.

Chính sách với Nga

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và hội nghị quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ diễn ra vào tháng 6. Ông Macron, hiện là nhà lãnh đạo châu Âu sau khi bà Angela Merkel của Đức về hưu, luôn sẵn sàng “đứng mũi chịu sào” trong các vấn đề của thế giới, bao gồm Nga.

Từ đầu nhiệm kỳ, ông Macron luôn vận động đối thoại với Moscow. Chỉ trong vòng 3 tuần sau khi ông Macron lần đầu tiên đắc cử tổng thống Pháp năm 2017, ông Putin đã đến Versailles bất chấp tình hình căng thẳng tại Ukraine và Syria khi ấy. Chủ nhân Điện Kremlin cũng thăm dinh thự mùa hè của người đồng cấp ở miền nam nước Pháp trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 8.2019.

Cùng lúc đó, đương kim tổng thống Pháp ủng hộ các biện pháp cấm vận chống Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Chính quyền Paris đang cân nhắc khả năng cấm nhập khẩu dầu Nga. Ông cũng không ngần ngại lên tiếng chỉ trích cái mà phương Tây gọi là cuộc thảm sát ở Bucha, thuộc vùng phụ cận Kyiv, dù Moscow bác bỏ sự liên quan tại đây.

Các nghị trình của ông Macron nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ của các nước vùng Baltic cũng như những thành viên EU ở Đông Âu sau khi chứng kiến những gì đang xảy ra cho Ukraine.

Năm năm tới sẽ là nhiệm kỳ khó khăn nhất của ông Macron, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao. Để thành công, ông cần ổn định tình hình trong nước, thúc đẩy các biện pháp hướng đến những mục tiêu về biến đổi khí hậu, và lèo lái EU hướng đến một tương lai độc lập và mạnh mẽ hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.