Chính quyền ra tối hậu thư, người dân tiếp tục phản đối

08/03/2021 08:00 GMT+7

Liên quan đến việc Tây Ninh thu hồi đất Nông trường cao su Bời Lời trước đây ký hợp đồng giao cho người dân trồng cao su, khi chính quyền thị xã Trảng Bàng ra “tối hậu thư” sẽ tiến hành thu hồi đất vào ngày 8.3 thì bà Huỳnh Thị Lan Phương khẳng định sẽ tiếp tục khiếu nại tới cùng.

Trước đó, bà Huỳnh Thị Lan Phương từng gửi đơn khiếu nại các quyết định thu hồi đất trước thời hạn hơn 20 năm của chính quyền thị xã Trảng Bàng và vụ việc đã được Thanh Niên phản ánh.

Quan điểm trái chiều

Như Thanh Niên đã thông tin, năm 1993 Nông trường cao su Bời Lời (NTCSBL) ký hợp đồng (HĐ) kinh tế số 6 với bà Huỳnh Thị Lan Phương với nội dung giao cho bà 50 ha đất tại ngã tư, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận để trồng cao su. Ngày 15.1.1997, giữa hai bên tiếp tục ký HĐ số 12/KH giao 2 ha đất và ngày 12.5.1997 ký tiếp HĐ số 19/KH giao thêm 2,4 ha đất để trồng cao su.
Trong khi Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến khẳng định nguồn gốc 149,52 ha các hộ dân nhận giao khoán trồng, khai thác cao su (trong đó có hơn 55 ha của bà Huỳnh Thị Lan Phương - PV) là đất do nhà nước quản lý, không phải là đất được nhà nước giao cho các hộ dân quản lý sử dụng, các hộ dân là người được nhận khoán trồng cây cao su theo HĐ mà HĐ không còn hiệu lực pháp lý (khi NTCSBL giải thể từ năm 1998); phía bà Huỳnh Thị Lan Phương và luật sư đại diện là ông Lê Văn Đức viện dẫn hàng loạt căn cứ pháp lý để khẳng định quan điểm ngược lại.
Cụ thể, theo bà Phương và phía luật sư đại diện, bản chất của những HĐ trên đều là HĐ giao khoán đất trồng cao su với thời hạn giao là 50 năm và có các căn cứ pháp luật rõ ràng gồm: Căn cứ quy định tại điều 1, điều 3 và điều 4 Nghị định 01-CP, ngày 4.1.1995, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2005/NĐ-CP và Nghị định số 168/2016/NĐ-CP.
Về thẩm quyền ký HĐ giao khoán đất, bên giao khoán NTCSBL là doanh nghiệp nhà nước thực hiện giao khoán đất phù hợp quy định tại khoản 1, điều 1, Nghị định số 01-CP ngày 4.1.1995; khoản 1, điều 2 Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8.11.2005; khoản 1, điều 2, Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27.12.2016. Còn bên nhận khoán là hộ gia đình, cá nhân phù hợp quy định tại điều 3, Nghị định số 01-CP ngày 4.1.1995; khoản 2, điều 2 Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8.11.2005 và khoản 2, điều 2 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27.12.2016.
Về thẩm quyền giao khoán đất của NTCSBL cũng hợp pháp. Theo đó, căn cứ điểm d, khoản 1, điều 1 và điều 3, Pháp lệnh số 37-L/CTN, ngày 25.10.1994 quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được nhà nước giao đất, cho thuê đất, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành. Theo Pháp lệnh 37-L/CTN thì NTCSBL được quyền giao khoán đất cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp “Thực hiện biện pháp giao khoán để phát huy vai trò tự chủ của hộ gia đình nhằm sử dụng hết diện tích và có hiệu quả vốn đất được giao”, phù hợp quy định tại khoản 1, điều 5, Pháp lệnh 37-L/CTN. Ngoài ra, Nghị định số 01-CP về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước thì tại điều 1 đã quy định rõ, và như vậy NTCSBL là doanh nghiệp nhà nước được quyền giao khoán đất cho 4 đối tượng hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp. “Có cơ sở pháp luật để tôi khẳng định việc ký kết 3 HĐ kinh tế trên là hoàn toàn đúng pháp luật, đúng thẩm quyền”, bà Phương nói.
Công nhân khai thác cao su trên đất bà Phương nhận giao khoán buồn rầu vì có thể mất việc nay mai

Công nhân khai thác cao su trên đất bà Phương nhận giao khoán buồn rầu vì có thể mất việc nay mai

Người khiếu nại yêu cầu gì ?

Từ những viện dẫn và phân tích nêu trên, bà Huỳnh Thị Lan Phương cho biết “sẽ khiếu nại đến cùng để giành lấy quyền lợi hợp pháp”, sau khi nhận được Thông báo số 24/TB-UBND ngày 14.1.2021 và Thông báo số 63/TB-UBND ngày 2.3.2021 của UBND thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nội dung hai thông báo này có phần nêu: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bà Huỳnh Thị Lan Phương có trách nhiệm thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc và thanh lý tài sản để giao lại đất cho UBND thị xã Trảng Bàng quản lý theo quy định của pháp luật. UBND thị xã Trảng Bàng cũng sẽ tiến hành kiểm đếm, thanh lý tài sản trên đất. Thời gian thực hiện là ngày 8.3.2021...
Quyền lợi hợp pháp mà bà Phương viện dẫn như sau: HĐ kinh tế về việc giao khoán đất giữa bà và NTCSBL (nay là Công ty cao su 30/4 Tây Ninh) chưa bị chấm dứt. Phần đất này đang sử dụng hợp pháp, chưa có bất kỳ quyết định thu hồi đất hợp pháp nào được cấp có thẩm quyền ban hành. Phần đất này cũng được giao khoán để sản xuất theo đúng quy định pháp luật tại thời điểm ký kết. “UBND tỉnh cho rằng việc ký kết HĐ là không theo định hướng kế hoạch của nhà nước, các chính sách, chế độ, các chuẩn mực kinh tế - kỹ thuật hiện hành, trái với điều 10 của Pháp lệnh HĐ kinh tế năm 1989 quy định về các căn cứ để ký kết HĐ kinh tế... Nhưng chúng tôi khẳng định việc ký kết HĐ kinh tế về giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông lâm nghiệp là theo đúng định hướng kế hoạch của Đảng, của Nhà nước”, bà Phương nói.
Bức xúc về việc chính quyền thu hồi đất trước thời hạn HĐ với NTCSBL hơn 20 năm, bà Phương còn cho biết thêm: “Căn cứ điều 20, luật Đất đai năm 1993; và khoản 3, điều 9 Nghị định số 01-CP ngày 4.1.1995 quy định: “Thời hạn giao đất để trồng cây lâu năm là 50 năm”, thì HĐ kinh tế giữa tôi và NTCSBL có thời hạn 50 năm là đúng quy định pháp luật. Trong vụ việc này, chính quyền địa phương đã vô lý lại còn thiếu cái tình. Bởi tôi đã đầu tư rất nhiều vào đất để trồng được cao su, đóng thuế đầy đủ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động, nhưng nay chính quyền quyết thu hồi trong khi chưa đưa ra giải pháp đền bù”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vụ việc thu hồi đất này, nhiều người dân cũng rơi vào tình cảnh giống bà Phương và họ cũng rất bức xúc.
Những lô cao su của bà Phương đang khai thác mủ sẽ bị thu hồi mà không có thương lượng, bồi thường?

Muốn thu hồi, phải chấm dứt HĐ với người dân được giao khoán đất qua thương lượng và bồi thường thiệt hại

Phân tích về vụ việc mà bà Huỳnh Thị Lan Phương đang khiếu nại, luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng đối tượng bị thu hồi là NTCSBL (sau này là Công ty cao su 30/4 Tây Ninh). NTCSBL không bị giải thể mà chỉ sáp nhập vào Công ty cao su 30/4 Tây Ninh nên Công ty cao su 30/4 Tây Ninh kế thừa các quyền và nghĩa vụ của NTCSBL, trong đó có quyền và nghĩa vụ liên quan đến các HĐ kinh tế về giao khoán đất. Công ty cao su 30/4 Tây Ninh muốn giao đất lại cho UBND tỉnh thì phải chấm dứt HĐ với các hộ dân, cá nhân được giao khoán đất qua thương lượng, hòa giải và bồi thường thiệt hại theo quy định (điểm d, khoản 1, điều 8, NĐ 01-CP; điểm e, khoản 2, điều 10 NĐ135/2005/NĐ-CP; điểm b, khoản 2, điều 9, NĐ 168/2016/NĐ-CP). Nếu hai bên không thương lượng, hòa giải để chấm dứt HĐ thì có quyền đề nghị tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (điều 10, NĐ 168/2016/NĐ-CP). Sau khi quan hệ dân sự giữa Công ty cao su 30/4 Tây Ninh với bà Huỳnh Thị Lan Phương (người được giao khoán đất) được giải quyết xong thì bà Phương giao lại đất cho nông trường mới phù hợp. Trên cơ sở giao đất này thì UBND tỉnh có thể quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.