Chính quyền Mỹ 'nhức đầu' vì Ukraine thúc giục cung cấp đạn, bom chùm

10/12/2022 15:00 GMT+7

Theo CNN, các quan chức và nghị sĩ Ukraine trong những tháng gần đây đã cố gắng thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine các loại bom và đạn chùm.

Đây là loại vũ khí hiện đã bị cấm tại hơn 100 quốc gia, nhưng cả Mỹ, Nga và Ukraine đều không cấm.

Theo các quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin CNN, yêu cầu cung cấp bom và đạn chùm của Ukraine là một trong những yêu cầu gây tranh cãi nhiều nhất trong nội bộ chính quyền Mỹ.

Bom và đạn chùm được thiết kế nhằm tấn công trên diện rộng, rải ra nhiều "bom con" trên một diện tích lớn. Tuy nhiên đôi khi bom con không phát nổ ngay khi va chạm và có thể để lại hậu quả lâu dài cho bất kỳ ai vô tình giẫm phải.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ từng công khai tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể để giúp nước này giành ưu thế trên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, các kho đạn dược của phương Tây không phải là vô hạn, và Ukraine đã đề nghị Mỹ để mình dùng số đạn và bom chùm mà Washington không dùng đến.

Đối với Ukraine, loại vũ khí này sẽ giải quyết được hai vấn đề chính. Đầu tiên đó là nhu cầu có thêm đạn dược cho các tổ hợp pháo và tên lửa. Thêm vào đó, đây cũng là một cách để cân bằng ưu thế về số lượng pháo binh của Nga.

Chính quyền ông Biden cũng không loại bỏ lựa chọn này và xem chúng như là lựa chọn cuối cùng nếu như các kho vũ khí bắt đầu cạn kiệt.

Tuy nhiên, những nguồn tin tiết lộ rằng yêu cầu này vẫn chưa nhận được cân nhắc đến bởi vì những hạn chế trong luật định mà Quốc hội Mỹ đã đặt ra đối với khả năng chuyển giao bom và đạn chùm.

Mỹ không phải là một bên ký kết Công ước về bom và đạn chùm vào năm 2010, nhưng giới chức Mỹ tin rằng ngoài hạn chế của Quốc hội thì còn có quá nhiều điểm hạn chế khi sử dụng loại vũ khí này. Một trong số đó là nguy cơ ảnh hưởng đến dân thường.

Quan trọng hơn nữa là Mỹ không cho rằng đạn dược là yếu tố tối cần thiết để giúp Ukraine thành công trên chiến trường.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn tiếp cận "nhiều lần" với Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ để vận động hành lang cho các loại đạn dược mà họ cần.

Mỹ đã bắt đầu giảm sử dụng đạn và bom chùm này từ năm 2016 với lý do “chúng chứa hàng trăm 'bom con' bên trong, và thường không phát nổ ngay lập tức trên chiến trường, mà sẽ gây nguy hiểm cho thường dân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.