Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ

Mai Hà
Mai Hà
19/10/2023 12:59 GMT+7

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đại, phù hợp xu thế thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, thực sự là trục "xương sống", theo kết luận của Bộ Chính trị.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận sau cuộc họp tuần trước của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ  - Ảnh 1.

Tàu cao tốc shinkanshen của Nhật Bản

NGỌC MAI

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT huy động chuyên gia về kỹ thuật, kinh tế, tổ chức hội nghị chuyên đề góp ý hoàn thiện đề án. Dựa trên quan điểm đất nước phát triển, có công nghiệp phát triển, thu nhập cao thì tất yếu phải có đường sắt tốc độ cao. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị để thực hiện.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, có nhiều ưu thế như vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn so với phương thức khác. Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/giờ và thực sự trở thành trục xương sống.

Bộ GTVT cần làm rõ hiệu quả đầu tư, tính khả thi, giải pháp về nguồn lực, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao; phát triển công nghiệp đường sắt; đào tạo nhân lực; cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận chuyển giao, từng bước làm chủ công nghệ.

Việc lựa chọn kịch bản đầu tư cần bảo đảm khai thác với tốc độ cao, hiện đại, trên cơ sở đánh giá nhu cầu vận tải, yêu cầu thị trường, mức độ an toàn, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Kịch bản lựa chọn cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Phó thủ tướng cũng lưu ý không nên lập cơ quan quản lý và khai thác đường sắt tốc độ cao mà giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tái cơ cấu, hình thành doanh nghiệp nhà nước đủ năng lực cho việc này. Các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích đầu tư phương tiện, khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao khi đủ điều kiện.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ

Trước đó, tháng 2.2019, Bộ GTVT tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra dự án kiến nghị nghiên cứu thêm phương án vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ khai thác 225 km/giờ cho tàu khách, 160 km/giờ cho tàu hàng, vốn đầu tư hơn 61 tỉ USD. 

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ hoàn thành đề án báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét vào cuối năm nay.

Tháng 3.2023, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030. Trong đó, các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Xem nhanh 12h ngày 19.10: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.