Chính phủ sẽ xử lý một vài địa phương làm việc cầm chừng, sợ sai không làm

10/05/2023 17:30 GMT+7

Theo Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục ngay biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ; đồng thời giao Chính phủ kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu một vài địa phương để xảy ra tình trạng này.

Chiều 10.5, Ban Nội chính T.Ư đã thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) vừa diễn ra sáng cùng ngày.

Chính phủ sẽ xử lý một vài địa phương làm việc cầm chừng, sợ sai không làm - Ảnh 1.

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Đặng Văn Dũng thông tin tại cuộc họp chiều 10.5

NGUYỄN TRƯỜNG

Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, sau khi thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 23 đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu trong thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) với tinh thần "kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. "Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy, cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này. Giao Chính phủ kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu một vài cơ quan địa phương để xảy ra tình trạng đùn đẩy; trước hết xử lý trách nhiệm người đứng đầu", ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đề nghị của đại diện các cơ quan báo chí về việc thông tin cụ thể trường hợp nào, địa phương nào để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, cho biết sẽ cần "một khoảng thời gian" để trả lời.

Theo ông Yên, đây là vấn đề nhìn nhận từ thực trạng xã hội, hoạt động kinh tế của cơ quan, bộ, ngành trong bối cảnh có nhiều nguyên nhân, lý do về mặt khách quan, chủ quan, trong nước, ngoài nước. 

Hiện, Ban Chỉ đạo đã giao cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá sâu về thực trạng này. "Trước mắt giao cơ quan hành pháp (Chính phủ - PV) là nơi mà có thể nói rằng để xảy ra, dung dưỡng, tạo điều kiện cho tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm tổ chức biện pháp hành chính theo thẩm quyền, tổ chức thanh tra, kiểm tra ở những nơi có vấn đề", ông Yên thông tin thêm.

Lấy ví dụ tại cuộc họp, ông Yên cho biết, với cùng sự chỉ đạo đồng bộ của Đảng, Nhà nước nhưng tại sao tỉnh A tăng trưởng âm, tỉnh B lại tăng trưởng tốt?. Tại sao thành phố C lại suốt ngày hỏi T.Ư, đề nghị hướng dẫn giải quyết việc này thế nào, trong khi công việc thuộc thẩm quyền, chức năng của địa phương. "Đây đang là biểu hiện để chúng ta nhận diện và trách nhiệm của Thường trực Ban Chỉ đạo đã thấy, đã chỉ ra", ông Yên nói.

'Chính phủ sẽ xử lý một vài địa phương làm việc cầm chừng, sợ sai không làm' - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sáng 10.5

TTXVN

Làm rõ trách nhiệm việc để ban hành pháp luật có nhiều sơ hở

Trước đó, chia sẻ về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Đặng Văn Dũng cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cấp, cơ quan chức năng chỉ đạo kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo để kiểm tra chuyên đề việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước tại một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án xảy ra tại: Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố; khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án trong quý 2.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; xử lý nghiêm, có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt"; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC giao địa phương chỉ đạo xử lý và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

5 vụ án đưa ra xét xử sơ thẩm trong quý 2

1. Vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, P.Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

2. Vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1).

3. Vụ án "đưa hối lộ; nhận hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; môi giới hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan.

4. Vụ án "buôn lậu; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại khóm 5, P.Châu Phú An, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang.

5. Vụ án "tham ô tài sản" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.