Chính phủ đốc thúc trình phương án lương tối thiểu vùng năm 2024

Thu Hằng
Thu Hằng
22/09/2023 14:01 GMT+7

Căn cứ diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, các yếu tố liên quan khác và quy định của pháp luật, Hội đồng Tiền lương quốc gia chủ động xem xét việc khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu đối với người lao động.

Đây là ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại công văn mới đây của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Hội đồng Tiền lương quốc gia về thời điểm báo cáo phương án tiền lương tối thiểu năm 2024.

Chính phủ đốc thúc trình phương án lương tối thiểu vùng 2024 - Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH sớm có báo cáo đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2024

THU HẰNG

Công văn nêu rõ, xét báo cáo của Hội đồng Tiền lương quốc gia về việc xem xét phương án tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia căn cứ vào diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, các yếu tố liên quan khác và quy định của pháp luật để chủ động xem xét việc khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu đối với người lao động theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và theo đúng quy định hiện hành.

Bộ LĐ-TB-XH được giao nghiên cứu báo cáo của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 30.9.

Trước đó, ngày 9.9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trong tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ nhất để bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.

Đại diện phía người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 5 - 6%.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của thành viên hội đồng đề nghị lùi thời điểm xem xét điều chỉnh tiền lương để doanh nghiệp có điều kiện duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH tại 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm cho thấy, hơn 500.000 người bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó có gần 300.000 người thôi việc.

Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Do đó, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất cần thêm thời gian để đánh giá về các yếu tố tăng lương tối thiểu.

Dự kiến, phiên họp tiếp theo được lùi vào cuối tháng 11 tới để chốt lại phương án và thời điểm tăng lương tối thiểu trong năm 2024.

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1.7.2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng từ 180.000 - 260.000 đồng so với trước đó, tùy theo vùng lương. Hiện mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, mức lương tối thiểu giờ tại vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.