Chính phủ đề nghị chưa giảm số bộ, ngành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/07/2021 07:43 GMT+7

Chính phủ đề nghị giữ nguyên cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ trước với 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Giữ nguyên 18 bộ, 4 cơ quan

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi tới Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026).
Theo đó, tờ trình của Chính phủ, đánh giá, trong cơ cấu Chính phủ khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021, việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực vẫn còn giao thoa, chưa được phối hợp giải quyết một cách đồng bộ, hiệu quả; sắp xếp tổ chức bên trong ở một số bộ chưa thực sự tinh gọn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ trong việc giải quyết những vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, nhất là trong việc xây dựng thể chế, chính sách vĩ mô còn có mặt hạn chế dẫn đến khó xác định trách nhiệm của từng cơ quan và cần phải thành lập nhiều tổ chức phối hợp liên ngành.
Tờ trình cũng cho hay, trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ được Quốc hội đánh giá, Chính phủ cho rằng, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết, phù hợp.
Bên cạnh đó, tờ trình của Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã có kết luận, khẳng định, “trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 như khóa XIV”.
Từ đó, Chính phủ đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các Bộ và cơ quan ngang Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 như khóa XIV.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại một số bộ, ngành

Tờ trình của Chính phủ cũng khẳng định, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV.
Trên cơ sở đó, xác định rõ hơn phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành; đồng thời nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành trong tình hình mới; tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng gắn với việc xây dựng chiến lược cải cách hành chính đến năm 2030, định hướng 2045 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính phủ cũng sẽ sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa thủ tướng Chính phủ, phó thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chính phủ cũng cho biết, sẽ ban hành nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian gắn với tinh giản biên chế của các bộ, cơ quan ngang bộ.
22 cơ quan thuộc Chính phủ 
18 bộ:
1. Bộ Quốc phòng
2. Bộ Công an
3. Bộ Ngoại giao
4. Bộ Nội vụ
5. Bộ Tư pháp
6. Bộ KH-ĐT
7. Bộ Tài chính
8. Bộ Công thương
9. Bộ NN-PTNT
10. Bộ GTVT
11. Bộ Xây dựng
12. Bộ TN-MT
13. Bộ TT-TT
14. Bộ LĐ-TB-XH
15. Bộ VH-TT-DL
16. Bộ KH-CN
17. Bộ GD-ĐT
18. Bộ Y tế
4 cơ quan ngang bộ:
1. Ủy ban Dân tộc
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
3. Thanh tra Chính phủ
4. Văn phòng Chính phủ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.