‘Chính phủ đang quyết tâm gỡ vướng bất động sản, không để ai phải chết’

Chí Nhân
Chí Nhân
27/04/2023 15:07 GMT+7

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định như trên tại hội thảo "Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 27.4.

Thủ tướng, bộ ngành họp cả ngày để gỡ vướng

"Hiện tại, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng điều quan trọng tôi muốn khẳng định trước hội thảo, từ các bộ ngành đến Chính phủ đang rất quyết tâm gỡ khó cho thị trường bất động sản. Cụ thể, cách đây 2 ngày, Thủ tướng đã họp cả ngày với các bộ ngành và doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ. Chưa năm nào mà Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn như trong những tháng đầu năm 2023. Ngay bản thân tôi, được giao nhiệm vụ vào làm việc với TP.HCM - ngày hôm qua chúng tôi đã làm việc từ sáng sớm đến chiều tối để gỡ vướng cho từng trường hợp", ông Khởi nói.

‘Chính phủ đang quyết tâm gỡ vướng bất động sản không để ai phải chết’ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

ĐỘC LẬP

Theo ông Khởi, bất động sản có tác động lan tỏa đến 45 ngành kinh tế, trong đó có nhiều ngành rất quan trọng. Chính vì vậy, thời gian gần đây đã có rất nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này.

So với năm 2021, năm 2022 ngành bất động sản vô cùng khó khăn, giảm cả về dự án được cấp mới, dự án triển khai (giảm hơn 50%), giao dịch cũng giảm, giá bán giảm bình quân 6 - 8%... Thế nhưng chỉ có dư nợ tín dụng tăng liên tục - không biết tăng vào đâu? Bước sang quý 1/2023, tất cả các mặt ngành này tiếp tục giảm và tín dụng vẫn tăng.

"Bức tranh chung của toàn thị trường vô cùng khó khăn. Hầu hết các dự án đang triển khai không triển khai được. Có tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động. Có dự án không thiếu vốn lại vướng pháp lý và ngược lại. Lãi cho vay vẫn cao trong khi giá cả vật liệu tăng. Thực tế, có doanh nghiệp bất động sản phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô tinh giảm bộ máy tối đa. Nguồn cung sản phẩm hạn chế vô cùng nhưng nguồn cung nhà cao cấp vẫn nhiều - người mua không mua. Nguồn cung mà Nhà nước và người dân cần (nhà ở xã hội) thiếu vô cùng - cả quý 1/2023 chỉ có 1 dự án được khởi công", ông Khởi khái quát thị trường.

Gỡ "vướng tâm lý" từ địa phương và cả doanh nghiệp

Đại diện Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, vướng mắc có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là hệ thống pháp lý trong đó có luật Đất đai. Trong quá trình thực thi luật này cũng có cái sai của một số doanh nghiệp, khi gặp khó thay vì gỡ vướng lại thích "đi qua cửa khác, đi tắt" cho nhanh nhưng vô tình chạy đường vòng rất mất thời gian.

Thứ hai là "vướng tâm lý" của người thực thi pháp luật. Đây cũng là cái vướng chung ở các địa phương. "Có nhiều vấn đề pháp lý không hẳn vướng mà do các địa phương e ngại không dám triển khai. Các sở ngành cứ ngồi với nhau bàn mà không dám quyết. Hôm qua tôi họp cả ngày với Sở Xây dựng TP.HCM, có nhiều dự án cả năm vẫn đứng yên. Địa phương cũng phải tham gia giải quyết cho doanh nghiệp, không nên trông đợi vào bộ ngành trung ương. Có những cái vướng cứ kêu đến cấp cao nhất là Thủ tướng Chính phủ nhưng trong khi trách nhiệm giải quyết theo luật lại nằm ở UBND cấp tỉnh. Các tổ công tác cũng vậy, chúng tôi chỉ xem xét việc vướng đó nằm ở đâu và chỉ ra trách nhiệm thuộc về ai để đúng người đúng việc", ông Khởi nói.

Thứ 3 là vướng về nguồn vốn mà đặc biệt  lãi suất vay cao, doanh nghiệp không thể "chịu đựng" được với lãi suất hiện nay.

‘Chính phủ đang quyết tâm gỡ vướng bất động sản không để ai phải chết’ - Ảnh 2.

Các đại biểu đánh giá hội thảo "Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức đã đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc của thị trường

ĐỘC LẬP

Tuy nhiên, ngược lại, nguyên nhân sâu xa của các vướng mắc hiện nay vẫn có 1 phần lỗi của doanh nghiệp khi chỉ phát triển sản phẩm đơn thuần dựa trên sự kỳ vọng vào thị trường. Tôi xin hỏi: Các doanh nghiệp ở đây có biết rằng sang tháng 4.2024 sẽ có 3 - 4 luật mới ra đời? Với hàng loạt chính sách mới như vậy, liệu các doanh nghiệp nào nhận ra sẽ đối mặt với những vấn đề gì về mặt chính sách? Thật sự khi làm chính sách, dự thảo gửi đến, các doanh nghiệp tham gia góp ý thì không ai quan tâm, đến khi vướng lại kêu. Hiện nay, chúng ta đang hoàn thiện dự thảo luật Đất đai và một số luật khác doanh nghiệp nên đọc để tham gia ý kiến ngay từ đầu để tránh vướng về sau.

Với quyết tâm vực dậy thị trường bất động sản, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách rất thông thoáng. Ông Khởi dẫn chứng: "Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33, tôi cho đây là Nghị quyết rất toàn diện và lần đầu tiên trong các văn bản chính thức dùng tới cụm từ "hệ sinh thái bất động sản". Điều này cho thấy rằng, chủ trương giải quyết và định hướng phát triển ngành bất động sản một cách đồng bộ và toàn diện".

Chính phủ cũng đã ban hành gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, kèm theo đó là đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Chỉ cần UBND cấp tỉnh công bố danh sách các dự án là được vay với lãi suất chỉ 8,7%, mức lãi này có khả năng còn giảm tiếp theo sự giảm lãi vay thương mại. Đây là gói tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và nhà ở công nhân.

Từ nay đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Các chính sách cho mục tiêu này rất thông thoáng như miễn giá đất cho chủ đầu tư, miễn luôn điều kiện cư trú cho người mua nhà và rất nhiều chính sách thông thoáng khác…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.