Chính phủ đã xử lý được bao nhiêu dự án 'treo', lãng phí, 'làm nghèo đất nước'?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/10/2023 16:26 GMT+7

Chính phủ vừa có báo cáo cụ thể về kết quả xử lý gần 1.000 công trình, dự án "treo", không hiệu quả, lãng phí, vẫn được gọi là những công trình "làm nghèo đất nước" đã được Quốc hội "điểm mặt, chỉ tên".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thay mặt Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 74 năm 2022 của Quốc hội về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, ông Phớc đã báo cáo cụ thể về tình hình xử lý gần 1.000 công trình, dự án "treo", không hiệu quả, lãng phí, vẫn được gọi là những công trình "làm nghèo đất nước".

Chính phủ đã xử lý được bao nhiêu dự án treo, lãng phí, 'làm nghèo đất nước'? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình xử lý các dự án, công trình "làm nghèo đất nước" theo nghị quyết của Quốc hội

GIA HÂN

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng nêu tại nghị quyết.

Kết quả, với 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, đã có 8 dự án khắc phục tồn tại và đưa vào hoạt động; 1 dự án đã thực hiện thu hồi, thanh lý tài sản; 1 dự án được gia hạn tiến độ thực hiện; 4 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư; 2 dự án đơn vị thực hiện bàn giao cho đơn vị khác quản lý, sử dụng. Tổng cộng 16/51 dự án đã được xử lý. Các dự án còn lại đang rà soát, xử lý.

Đối với 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ, ông Phớc thông tin, tới nay đã có 1 dự án đang triển khai thực hiện, các dự án còn lại vẫn đang rà soát, xử lý theo quy định.

Dự án được triển khai thực hiện là dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, 2, 3 và 4 tại TP.Cần Thơ. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhà máy Ô Môn 1 hoạt động từ năm 2015, hiện đang hoàn thiện dự án chuyển đổi vòi đốt cho tổ máy số 2, dự kiến sẽ đưa vào vận hành đồng bộ với dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.

Đối với nhà máy Ô Môn 2, ngày 22.2, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và liên danh Marubeni và Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (WTO) đã ký kết các điều khoản chính của hợp đồng cung cấp khí. Nhà đầu tư đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc đấu nối lưới điện, phạm vi chiếm đất và các hạng mục dùng chung của dự án, hợp đồng mua bán điện.

Với nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3, ông Phớc cho hay, hiện đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để triển khai dự án.

Còn với nhà máy nhiệt điện Ô Môn 4, hiện EVN đã hoàn thiện hồ sơ mời thầu EPC của dự án và sẵn sàng phát hành sau khi EVN và PVN thống nhất các điều khoản thỏa thuận về hợp đồng mua bán khí.

"Hiện nay, đối với dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đồng ý chủ trương chuyển chủ đầu tư các dự án từ EVN sang PVN và đang triển khai các thủ tục thay đổi theo quy định pháp luật", báo cáo nêu rõ.

Đối với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, tới nay đang triển khai thực hiện 2 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 3 dự án; chấm dứt hoạt động 2 dự án; xem xét giao đất 1 dự án. Tổng cộng đã xử lý 8/19 dự án.

Đối với 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, ông Phớc cho biết, tới nay đã chấm dứt hoạt động 22 dự án; quyết định thu hồi đất 126 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 93 dự án; rà soát để thu hồi đất 25 dự án; điều chỉnh 10 dự án; đưa vào hoạt động 41 dự án. Tổng cộng đã xử lý 317/880 dự án (khoảng hơn 36%).

Tại Nghị quyết 74 năm 2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Xem nhanh 12h ngày 21.10: Thời sự toàn cảnh

Liên quan tới nhiệm vụ rà soát các dự án, kiến nghị liên quan đến đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án có khó khăn, vướng mắc và các dự án sử dụng đất chậm tiến độ để có phương án, giải pháp tháo gỡ, ông Phớc cho biết, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2023 - 2025 thực hiện rà soát các dự án, kiến nghị liên quan đến đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án có khó khăn, vướng mắc và các dự án sử dụng đất chậm tiến độ để có phương án, giải pháp tháo gỡ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 27.12.2022, Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án 153 về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện rà soát, hoàn thiện; trên cơ sở kết quả rà soát, sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.