Chính không phải tà - đôi điều suy ngẫm

Để thực hành chữ chính đối với một người quả không dễ chút nào, và càng không dễ đối với người cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý.

Cuộc sống xung quanh chúng ta có bao điều tốt đẹp, tại sao chúng ta phải tà, chúng ta phải nói lời gian dối, làm việc gian dối: tà gian, tà đạo, tà ngôn, tà tâm… Sao chúng ta không chính, không nói lời ngay thẳng, làm việc ngay thẳng: chính tâm, chính ngôn, chính danh, chính đạo.

Đã bao lần tôi tự nhủ mình phải viết, phải nói lên những gì mình cảm, những gì mình thấu và những gì mình thực hành, để từ đó được lan tỏa những điều tốt đẹp đến với đông đảo người nghe, người đọc. Và hôm nay, Báo Thanh Niên đã cho tôi cơ hội này, mặc dù dẫu biết rằng chỉ gói gọn trong hơn 1.000 từ với 1 chủ đề mà tôi nghĩ lớn hay nhỏ không quan trọng, nhưng nó sẽ là điểm tựa để tôi có đủ lòng tin và dũng khí vươn ra những diễn đàn lớn hơn, nói lên nhiều điều có ý nghĩa sâu sắc từ trái tim mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng răn dạy người cách mạng cần có 4 đức là: cần - kiệm - liêm - chính

Tư liệu

Với bài viết này bản thân tôi không mong gì hơn ngoài việc đem đến cho bạn đọc đôi dòng suy ngẫm, bằng sự cảm nhận của chính bản thân mình - một người đảng viên, một giảng viên với hơn 20 năm cống hiến và làm việc trong cơ quan của Đảng và Nhà nước, cho đến hôm nay vẫn trung thành và vẹn nguyên chữ chính - không được tà, như lời chỉ dạy của Bác Hồ kính yêu.

Vâng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng răn dạy: Trời có 4 mùa, đất có 4 phương, người cách mạng cần có 4 đức, thiếu 1 mùa thì không thành trời, thiếu 1 phương thì không thành đất và thiếu 1 đức thì không thành người. Tứ đức đó chính là: cần - kiệm - liêm - chính. Cần, kiệm, liêm là gốc của chính. Không có cần, có kiệm, có liêm thì không có chính… Cần, kiệm, liêm, chính là yêu cầu nhất thiết phải có, là tứ đức cơ bản làm nên đạo đức cách mạng, nên gốc của người cách mạng.

Với bản thân tôi từ khi bước chân vô ngôi trường này, đã tâm niệm mình cần làm những gì để sau này không phải hổ thẹn với chính lòng mình.

Và rồi, cho đến hôm nay đã gần 20 năm tuổi đảng, đã 2/3 chặng đường cống hiến, tôi đã và đang làm được điều đó. Đó là điều tôi rất đỗi tự hào. Với tôi, chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn, không gian dối, nói đúng, làm đúng chân lý, lẽ phải. Chính là miệng không nói lời tà, tai không nghe điều tà, chân không đi đường tà.

Người chính là người ngay thẳng, không xu nịnh người trên, không bợ đỡ kẻ dưới, lòng không sợ, tâm không tà. Người chính toát lên từ dáng vẻ đi đứng đàng hoàng, ánh mắt tự tại, vẻ mặt an nhiên thư thái, không sợ sệt, không mắt la mày lém, cử chỉ hành vi đường hoàng tử tế, vì không nói sai không làm sai, không làm tổn hại đến ai. Làm việc bằng chính năng lực của mình, bằng lương tâm và trách nhiệm, không phải vì lợi danh, làm việc vì niềm vui, “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, không phải làm việc để được cái này cái kia về mặt vật chất rồi mới làm. Mà cái được chính là lòng tin, niềm tin và sự ghi nhận từ những thành quả mình tạo ra. Sự tôn trọng, trân trọng của người khác từ hiệu quả công việc, từ thái độ và sự ứng xử của mình. Đó mới là đích đến mà một người chân chính cần làm và phải làm.

Lời nói ngay thẳng, làm việc ngay thẳng, quang minh chính đại, “cây ngay không sợ chết đứng”, làm bằng cái tâm trong sáng, cái đức ngay thẳng thì không việc gì mình phải sợ, cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng có ngày lòi ra… Người làm việc xấu, tà gian thì luôn luôn phải nghĩ, phải tìm mọi cách, bằng mọi thủ đoạn xảo quyệt để che đậy, giấu diếm, nhìn ai cũng với con mắt nghi ngờ sợ sệt, từ dáng đi đến hành động và lời ăn tiếng nói đều phải đề phòng, cảnh giác. Những người như vậy khổ chứ sung sướng cái nỗi gì, dè dặt bất an là tâm lý thường thấy. Mà rốt cuộc để làm gì chứ? Để được cái gì chứ? Tôi nghĩ thật khổ sở cho ai đó khi rơi vào trạng thái này. Suy cho cùng cũng vì 2 chữ danh - lợi mà ra.

Con người chính trực, lời nói ngay thẳng, không sợ mất lòng dù rằng “sự thật thì mất lòng”, nhưng anh ta đường đường chính chính mà đi, mà nói, mà làm, có sao nói vậy, không bẻ cong ngòi bút, không làm việc gì xấu trái với đạo lý, với lương tâm của mình thì đâu có gì mà phải sợ. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng viết “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Thế mới thấy để thực hành chữ chính đối với một người quả không dễ chút nào, và càng không dễ đối với người cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý. Nó đòi hỏi phải có dũng khí, dám tìm cái sai trái cong vẹo của bản thân để từ đó kiên trì nhẫn nại uốn nắn cho ngay thẳng. Đồng thời cần chân thành, chân thực và ngay thẳng với tất cả mọi người, nhất là với thủ trưởng của mình, tìm ra những điều còn chưa tốt, chưa thiện, chưa thực và quyết tâm thay đổi ở mình, tất nhiên nếu đã đủ chân ắt sẽ chính và ngược lại. Nếu mỗi người chúng ta, mỗi cán bộ đảng viên chúng ta ai cũng ý thức được điều đó ngay từ ngày giơ nắm tay lên đầu hô 3 tiếng “quyết tâm” trong lễ tuyên thệ kết nạp đảng thì tôi nghĩ rằng không một kẻ thù nào, một thế lực thù địch nào có thể chống phá được chúng ta. Chúng ta kiên định vững tâm, chúng ta chính từ trong tâm, chính từ trong ngôn, chính trong lẽ sống của cuộc đời người cán bộ, đảng viên, từ đó lan tỏa trong gia đình, ngoài xã hội, chắc chắn sẽ không có chỗ cho tà, chắc chắn cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, đó là quy luật và tôi vững tin về điều đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.