Chín ngọn cỏ linh - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

Những đêm không ngủ được, nhìn chong chong cái trần nhà, nơi những vết ố của thời gian vẽ lên nó muôn hình thù kỳ dị, tôi thường nghĩ về lão Thỷ hàng xóm.

Lão Thỷ nói với tôi rằng, với một người ốm lâu ngày, thì cái trần nhà chính là một bức tranh mô tả muôn màu của cuộc sống. Với cái trần nhà cũ kỹ loang lổ do xi vữa lâu năm ngấm nước mưa của tôi thì cuộc sống quả thật quá lắm màu sắc. Tôi đã từng nhiều ngày tháng nằm một chỗ và ngắm cuộc sống được tự nhiên vẽ lên trên trần nhà ấy, tưởng như chẳng bao giờ có thể tách rời nó được. Hơn mười năm trước, một tai nạn đã khiến tôi mất đi đôi chân. Chán đời, tôi từng nghĩ mình sẽ cứ nằm một chỗ nhìn trần nhà và đợi thần chết đón đi.
Lão Thỷ sống một mình trong ngôi nhà lớn, từng một thời được bao người mơ ước. Hồi thịnh vượng, mỗi ngày căn nhà được lau dọn ít nhất một lần, luôn có người vào kẻ ra, người đưa kẻ đón. Bây giờ chỉ còn lão Thỷ quẩn quanh ra vào. Đêm nào lão cũng thổi sáo, những bản nhạc cổ lỗ từ những năm tháng xa lắc xa lơ.
Tôi thương lão, bằng một nỗi cảm thông sâu xa, lặng thầm khi ngồi trong bóng tối căn phòng của mình nhìn sang ngôi nhà to đẹp tàn phai qua một khoảng vườn cách xa vừa đủ. Khoảng vườn ấy, dạo mới trở về, lão Thỷ trồng một loại cỏ lá nhọn như lá lúa, nhưng mềm mại như mái tóc buông dài. Lão nói người ta dùng nó nấu nước uống, rất tốt cho sức khỏe. Trước đây vợ lão coi đó là món đồ uống yêu thích. Cứ cách hai, ba hôm chị lại dắt đứa con gái tám tuổi của mình ra vườn hái cỏ về hong nắng rồi nấu nước uống. Chị vừa hái cỏ vừa hát, con bé con cũng vừa hát vừa hái cỏ. Tôi không để tâm lắm đến đứa trẻ, nhưng trông chị ta vui vẻ hạnh phúc lắm, như cái thời trước kia ngôi nhà còn chưa xuống cấp hoang tàn.
Đôi lần tôi định hỏi xin lão thứ cỏ ấy để nấu nước uống thử xem sao, nhưng sợ mẹ không bằng lòng, lại thôi. Mẹ tôi nói bất cứ cái gì liên quan đến lão Thỷ đều đen đủi, mẹ không muốn tôi còn chút dính líu gì đến lão nữa. Bà căm giận lão. Nếu chẳng vì lão năm xưa đem máy móc về phá tan một vạt núi Trầm linh thiêng, thì tôi đã chẳng mất oan đôi chân như thế này.
***
Làng tôi là làng Trầm, có một ngọn núi duy nhất mọc lên giữa một vùng đồng bằng rộng lớn, cũng gọi là núi Trầm. Núi Trầm là một ngọn núi đá trơ khấc. Thảm thực vật chỉ một số ít loài cây và cỏ hoang bò nhẫn nại trên đá. Vài khóm cây may mắn vớ được một hốc đất ít ỏi hiếm hoi trong các hõm đá để vươn lên xanh tốt. Cỏ cây mọc trên núi Trầm đều thấp tè, ngắn ngủn, nhưng lại có những bộ rễ dài hàng mét, âm thầm len vào các kẽ đá mưu sinh.
Lão Thỷ ngày còn trẻ đẹp trai lồng lộng. Không chỉ lão đẹp, đàn ông làng Trầm hầu hết đẹp, trong khi ngược lại, đàn bà làng Trầm lại xấu. Lão Thỷ nói đó là do phong thủy của làng. Hoặc nếu không do phong thủy, thì lỗi lớn nhất khiến gái làng Trầm xấu truyền đời chính là do thành hoàng. Chả làng nào như cái làng Trầm quê kệch heo hút, thờ ai làm thành hoàng không thờ, lại đi thờ một người đàn bà chết trôi. Chết trôi thì cũng chẳng phải lỗi của người chết trôi, mà lỗi của bà ta là quá xấu.
Mẹ tôi, rất mực thành kính và tin tưởng thành hoàng làng, kể câu chuyện mà bà được nghe từ bà ngoại của bà kể lại: Xưa làng Trầm đất rộng người đông, một năm bỗng nhiều người mắc chứng bệnh kỳ lạ. Không đau không ốm, mà chỉ suốt ngày ngơ ngẩn như bị ma bắt mất hồn. Người bệnh chán ăn chán uống, chán công việc, chán đủ thứ, ngày một xanh xao, chỉ tối ngày đòi trèo lên núi ngồi, cuối cùng chết trong lặng lẽ. Ngày nọ, một người đàn ông lạ đi qua bảo làng có người phạm vào thần núi. Muốn chữa được bệnh phải hái được loại cỏ linh trên núi.
Trên núi Trầm có loài cỏ linh ư? Nó là loài nào trong số những loài cây ít ỏi chịu đựng khô cằn trên núi kia? Ông ta bảo không biết, chỉ biết rằng trên núi có loại cỏ tự tỏa ánh xanh trong đêm tối trời. Vào đêm cỏ tỏa sáng, mỗi người mắc bệnh phải hái chín ngọn về dùng mới hiệu nghiệm. Bằng không, nó chỉ là một loài cỏ bình thường như bao loài cỏ khác mà thôi.
Cái đêm xác người đàn bà xấu chết trôi dạt vào bến sông làng Trầm, ngọn núi Trầm bỗng dưng như có muôn ngàn chú đom đóm xanh phát sáng. Người ta lên núi hái loài cỏ sáng xanh đem về làm thuốc. Bệnh ngẩn ngơ thuyên giảm rồi biến mất.
Vậy cỏ linh đó là loại cỏ nào? Chẳng ai trong làng nhớ được. Bao năm tháng đã lùi xa rồi, làng chẳng còn ai mắc bệnh ngẩn ngơ, và loại cỏ tỏa ánh sáng xanh kia chỉ còn trong truyền thuyết.
***
Gái làng Trầm chẳng người nào xinh đẹp, trừ ba người đàn bà đều tên là Ngân Hoa, và họ là mẹ con bà cháu trong một gia đình.
Năm đó Ngân Hoa bà từ đâu tìm đến làng Trầm với một đứa trẻ trong bụng. Bà ta xin dân làng cho ở nhờ, lấy nghề bốc thuốc lá trả ơn. Ngân Hoa con ra đời, đến năm mười lăm tuổi thì trở thành cô gái đẹp nhất làng Trầm, đồng thời cũng đẹp nhất vùng. Trai làng Trầm và trai trong vùng đều say lòng trước cô. Một trong những gã say đắm cô Ngân Hoa con đó chính là anh chàng Thỷ.
Thỷ là hàng xóm sát cạnh nhà tôi, nghèo rơi nghèo rớt. Ngày đó, đâu chỉ nhà anh Thỷ, mà cả làng Trầm cùng nghèo rớt nghèo rơi. Nhà anh có nghề truyền đời làm sáo trúc, sáo diều đem bán rong khắp chốn gần xa. Vì có nghề, nên lúc nào trong nhà anh cũng vi vu tiếng sáo. Ông bà anh Thỷ trồng nhiều mít, toàn là mít mật. Mỗi mùa quả chín, chúng rụng bồm bộp trong vườn, nát be nát bét. Anh Thỷ mê cô Ngân Hoa con xinh đẹp mới tuổi mười lăm, tuyên bố với cả làng là sẽ cưới cô làm vợ. Nhưng Ngân Hoa bà cười khẩy, bảo cái thứ trai nghèo như xơ mít trong vườn nhà anh ấy, đừng có mơ đến con gái bà.
Cô Ngân Hoa con mười sáu tuổi thì lấy được chồng giàu trên huyện, bỏ lại anh Thỷ và hàng chục trai làng si tình khác. Người ta không cưới được cô gái đẹp ấy thì thôi, có chết ai nào, nhưng anh Thỷ thì chết cả cõi lòng, bỏ đi biệt xứ.
Mười năm sau, vợ chồng cô Ngân Hoa con lục đục, bỏ nhau, cô mang con gái cũng tên là Ngân Hoa về làng Trầm gửi ngoại rồi theo người đàn ông khác đi biền biệt đâu đó. Chính năm ấy, anh Thỷ cũng từ biệt xứ trở về làng, kéo theo một khối đồ sộ trùm bạt kín mít được chất trên cái xe Bò Ma. Anh Thỷ bảo cái nghề làm sáo lãng mạn của cha ông không giúp cuộc sống này trở nên khá khẩm được. Bố mẹ đã mất, đám em gái đi lấy chồng, một mình anh ở ngôi nhà dột nát với cái khối trùm bạt từ trên xe Bò Ma, anh nói thứ này sẽ giúp anh thoát kiếp nghèo xác xơ mít mật, còn giúp cả làng thoát nghèo nữa.
Cái xưởng khai thác đá của anh Thỷ khai sinh từ đó. Hôm nào cũng thế, mờ sáng là cả làng bị dựng dậy bởi những tiếng mìn phá núi lấy đá ùng oàng. Vết thương trên thân núi Trầm mỗi ngày thêm toang hoác. Ngày nào cũng vài chục lượt xe tải từ các nơi đổ về đè nghiến con đường làng tới chân núi lấy đá chở đi. Anh Thỷ bảo chất lượng đá núi Trầm là vô địch thiên hạ. Để khỏi bị làm khó, anh tuyển toàn bộ người làng vào làm công nhân. Tôi là một trong số những gã trai mới lớn nghe theo tiếng gọi của tiền bạc, hăm hở lao vào công cuộc phá núi với anh.
***
Đã mấy hôm rồi không nghe tiếng lão Thỷ thổi sáo vào mỗi đêm khuya, tôi dần sinh nghi và lo lắng thay cho lão. Sống một mình trong căn nhà cô độc, có khi chết mấy ngày không ai hay biết cũng chẳng có gì lạ.
Những cơn gió từ phía núi Trầm thổi về gờn gợn lạnh. Từ bao đời, núi Trầm đổ bóng xuống làng Trầm. Tôi cũng giống như những người làng Trầm già cỗi và cô độc, những đêm tối trời, như một cái gì đó thôi thúc trong sâu thẳm, cứ ngước nhìn ngọn núi lặng câm và chờ đợi những đốm sáng lấp lánh trong truyền thuyết. Núi Trầm từ khi không còn bị cái xưởng khai thác đá của lão Thỷ gặm ngấu xén tỉa, đã trở thành ngọn núi dị dạng. Ban ngày, những vết xước trên thân núi trắng như bị một nhát dao khổng lồ chém sạt xuống, đã chục năm trời không mưa nắng nào làm cho nó cũ hơn được. Ban đêm, vệt trắng của cuộc tàn phá vẫn ánh lên nhờ nhờ trên thân núi.
Mở xưởng khai thác đá được dăm năm, anh chàng Thỷ đẹp trai đã vàng đeo lủng liểng đầy người. Người làng Trầm đâu riêng anh Thỷ, ai cũng thích vàng. Hễ có vàng, việc đầu tiên họ nghĩ đến là đeo nó lên người. Sau anh Thỷ, đám thanh niên làng vốn được anh nhận vào làm công nhân cũng thi nhau sắm vàng đeo, kể cả những gã chẳng thể đi phá núi được nữa, do tai nạn đá văng, đá lở làm gãy tay chân, đầy mình thương tích.
Có nhiều vàng đeo đầy người, anh Thỷ đến nhà bà Ngân Hoa và xin cưới cô cháu gái bà ta. Cô Ngân Hoa cháu về làm dâu nhà anh Thỷ năm mười sáu tuổi, bằng tuổi mà Ngân Hoa mẹ cô năm xưa đã bỏ anh Thỷ cùng đám trai làng lấy chồng hàng huyện. Ngày cưới, cô là cô dâu đẹp nhất, mặc chiếc váy cưới đẹp nhất trong số tất cả váy cưới trong vùng. Ngôi nhà anh Thỷ xây bằng chính đá núi Trầm chờ đám cưới cũng là ngôi nhà đẹp nhất từ trước tới khi đó. Cả làng Trầm chưa từng chứng kiến đám cưới nào to và nhiều thứ xa hoa đến thế.
Sau đám cưới, đối với anh Thỷ, chẳng còn ai hay cái gì tồn tại ngoài vợ. Anh không còn suốt ngày tất bật ngoài xưởng để đôn đốc công nhân này kia, mà lúc nào cũng kè kè cô vợ trẻ. Không chỉ thế thôi, anh còn thuê một người đàn bà đến sống tại nhà anh, chỉ để lo mỗi việc chăm sóc cô vợ anh, đi với cô ta ra chợ hay các đám cưới hỏi. Những người đàn bà làng Trầm đều âm thầm ganh tị với cô Ngân Hoa cháu, và họ cũng đồng thời lo sợ nếu được như cô.
***
Lại những đêm tiếp theo, ngôi nhà lão Thỷ chìm trong yên ắng. Cơn mất ngủ đêm khiến tôi thao thức nghĩ về lão. Những ngọn gió lạnh đơn côi từ núi Trầm vẫn lẳng lặng lùa về. Vườn mít nhà lão Thỷ đua nhau khua lá xào xạc. Lão Thỷ đã xây ngôi nhà đẹp nhất trong vùng cho người vợ trẻ của lão, nhưng lão vẫn giữ nguyên vườn mít như nhắc nhớ cái thời nghèo khổ, bị coi thường. Bây giờ, tất cả đều còn đó, chỉ sự xa hoa và người vợ trẻ của lão không còn nữa. Người làng Trầm bảo lão Thỷ phá núi thiêng, phải trả giá như thế là nhẹ lắm rồi. Cái ngày lão về làng cùng cái xưởng khai thác chết tiệt của lão, là ngày đen tối nhất, cuối cùng chỉ gây tai họa mà thôi.
Mẹ chết lặng khi người ta đưa tôi với đôi chân nát bấy về nhà. Một hòn đá lớn đã vượt qua tầm kiểm soát của những cái đầu thông thái nhất làng Trầm, nghiến nát đôi chân của tôi và lấy đi mạng của một cậu trẻ làng bên. Trong cuồng điên vì đau khổ, mẹ tôi tuyên bố sẽ khiến nhà Thỷ sạt nghiệp.
Tôi không biết mẹ tôi đã làm gì, hay bà chẳng làm gì cả. Hai tháng sau, đột nhiên anh Thỷ bị công an gọi đi, và từ đó biền biệt mười năm sau mới trở về.
Ngày về, anh Thỷ tàn tạ thành lão Thỷ. Đêm đầu tiên trở về, ngôi nhà của lão bỗng vang lên tiếng sáo trúc. Hồi Thỷ còn trẻ, bố anh cũng muốn anh theo nghề gia truyền, nên nhọc tâm dốc sức truyền dạy hết những gì ông gom góp được trong đời lang bạt của mình cho anh. Anh Thỷ thổi sáo hay nhất vùng, hay hơn cả ông và bố anh. Anh cũng là người chế tác được những cây sáo trúc, sáo diều chất lượng tốt nhất, cho âm thanh hay nhất. Mười năm tuổi trẻ phiêu bạt vì tình, chắc có lúc anh đã mưu sinh bằng những cây sáo.
Bây giờ, cây sáo trúc đưa lão Thỷ đến với những cung điệu lãng mạn và cổ lỗ, mà ngày nay đám trẻ chẳng thèm đếm xỉa lấy một giây.
Ngôi nhà đã xuống cấp, rêu và lá khô dồn lại thành từng đống rồi mục ruỗng khắp nơi. Cũng không lạ, những người chủ mới của ngôi nhà đã không ở được trong vòng một năm, họ nói nó đã bị ma ám, và bỏ hoang nhiều năm liền.
Thế nên khi lão Thỷ hỏi mua lại, họ mừng húm như vớ được vàng, vội bán lại ngôi nhà mà họ từng tự hào mua được từ tay người vợ của Thỷ, mà trong vòng một năm lão đi vắng, đã kịp cưới một người đàn ông khác.
Khoảng hơn một tháng sau khi lão Thỷ mua lại ngôi nhà, một buổi sáng cả làng Trầm ngỡ ngàng khi thấy chồng mới của cô Ngân Hoa kéo người đến gây sự. Mới hay, cách đó vài ngày, cô Ngân Hoa mang đứa trẻ con của chồng mới về sống với chồng cũ. Không biết tại sao cô lại sẵn sàng bỏ anh chồng trẻ, dắt con gái về với lão chồng cũ nay đã già nua, xập xệ.
Có vẻ hai người tái hợp rất hạnh phúc. Lão Thỷ lại sắm sanh vật dụng đắt tiền về ngôi nhà. Hình như tiền bạc chẳng là vấn đề đối với lão. Lão đi vắng, tiền của lão tự biết cách kiếm chỗ náu thân, lão trở về, chúng tự khắc tìm về đoàn tụ.
Người làng Trầm đồn rằng việc mở xưởng khai thác đá của lão chỉ là việc che mắt thiên hạ, chứ thực ra lão làm việc khác. Việc khác là việc gì, chẳng ai biết, nhưng hẳn nó kiếm ra rất nhiều tiền, chứ cái xưởng khai thác đá kia, sau mấy vụ tai nạn thương tích chết người, nguyên phải đền bù cho người ta cũng đủ khiến nó sạt nghiệp.
Nhưng rồi, chỉ sau một năm tái hợp, cô Ngân Hoa cùng đứa con gái bỗng nhiên biến mất. Ngôi nhà trở lại ắng lặng, lạnh lẽo như trước khi lão Thỷ trở về.
Mẹ tôi bảo rằng, những gì lão Thỷ đã gây ra cho tôi và một số thanh niên làng, trong đó có hai người mất mạng vì khai thác đá, khiến bà không cam lòng. Vì thế, lão Thỷ cùng vợ con lão càng gặp bất hạnh, bà càng hả dạ.
Tôi thương lão, bằng sự cảm thông sâu xa, lặng thầm, nhưng tôi thương tôi và mẹ tôi hơn nhiều. Mẹ tôi rất hay ngồi lặng lẽ trước hiên nhà nhìn núi Trầm, với một nỗi buồn vô hạn. Khi lão Thỷ mở xưởng khai thác đá và lấy trai làng làm công nhân, mẹ đã không đồng ý cho tôi tham gia. Mẹ bảo thà nghèo chứ không làm những việc phạm đến trời đất. Huống chi, núi Trầm là nơi duy nhất trên thế gian có loại cỏ thiêng, sẽ tự tỏa sáng vào một đêm bất kỳ nào đó.
Nhưng tôi đã không tin bà. Không ai ở làng Trầm tin bà hết.
***
Những chiếc lá mít khô xếp dày kín lối vào nhà lão Thỷ. Lâu lắm rồi tôi không thấy lão. Chỉ tiếng sáo vẫn vi vút hết ngày dài lại đến đêm sâu. Người làng Trầm đồn nhà lão Thỷ có nghề làm sáo, lão biết cách cài những cây sáo ở những vị trí bí mật nào đó trong ngôi nhà, để khi gió lùa qua, chúng tạo nên những âm thanh kỳ lạ, khi ngọt ngào day dứt như tình đầu mới chớm, khi thê lương như một niềm đau.
Công an đến khám nghiệm tử thi vợ lão Thỷ và đứa trẻ. Cả làng Trầm một lần nữa như những hạt ngô trên chảo rang sắp nổ. Người ta nói hai người đó chết vì nhiễm độc. Nghe đâu chất độc ngấm dần vào thịt da, xương máu của họ do ăn một loài thực vật lạ.
Căn phòng mà người ta tìm thấy xác họ nằm sâu dưới tầng hầm của ngôi nhà, nơi trước đây không một ai biết nó tồn tại. Ngoài hai cái xác, người ta còn thấy rất nhiều tiền và vàng ở đó. Chỉ lão Thỷ là không biết đi đâu.
Đêm ấy, những vì sao đã tắt, trời đen như đổ mực, tôi nằm trong căn phòng tối ngước nhìn trần nhà. Lão Thỷ từng nói rằng với một người ốm lâu ngày, thì cái trần nhà chính là một bức tranh mô tả muôn màu của cuộc sống.
Hình như có muôn ngàn con đom đóm vỡ tổ bay trong đêm tối với những cái bụng sáng xanh của chúng. Tôi lần bước ra phía cửa sổ. Trong đêm đen thẫm, bên kia bờ rào, vườn cỏ hoang của lão Thỷ đang lặng lẽ tỏa một màu sáng xanh huyền ảo.
Và, từ phía núi Trầm, những làn gió ấm thoảng đưa về vi vu tiếng sáo buồn thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.