Chim trời phiêu du ký: 'Tín đồ' đặc biệt

Quang Viên
Quang Viên
29/05/2022 06:01 GMT+7

Hầu hết 'tín đồ' say mê chụp ảnh chim hoang dã của nước ta là đàn ông. Nhưng vẫn có những 'tín đồ' đặc biệt mà giới chụp ảnh chim ai cũng thán phục.

Trong thời gian khá dài theo chân những nhiếp ảnh gia thuộc hàng “siêu hạng” trong làng chụp ảnh chim hoang dã, tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy một cậu bé 12 tuổi cùng mẹ cũng là những tay săn ảnh chim có “thành tích”. Giới chụp ảnh chim hoang dã Việt Nam còn tiết lộ một người đàn ông Úc say mê chụp chim Việt như điếu đổ.

Mẹ con cùng “lọt hố vôi”

Giữa cái nắng tháng ba như thiêu đốt, Lê Thị Quỳnh Trâm cùng cậu con trai Duy Nhiên (12 tuổi) vác máy ảnh vô rừng Cần Giờ (TP.HCM) để chụp chim. Tôi bám theo cũng toát mồ hôi, thế mà hai mẹ con họ cứ kiên nhẫn luồn qua những khu rừng rậm rạp để tiếp cận chim. Có nơi, cậu bé Nhiên bì bõm trong bãi sình như đi... cày. Ít ai biết Quỳnh Trâm hiện là Giám đốc Tuyển sinh và Hỗ trợ tài chính của Đại học Fulbright. “Em bắt đầu để ý đến các loài chim xung quanh mình khi đi học thạc sĩ ở Mỹ. Nhưng chính thức “lọt hố vôi” từ một hội thảo về các vấn đề môi trường và sau đó tham gia chuyến đi với các anh chị chụp chim hoang dã”, Quỳnh Trâm chia sẻ. “Lọt hố vôi” là cách mọi người vẫn gọi vui với ý là đã tham gia trò chụp ảnh chim hoang dã thì khó thoát ra được.

Chị Quỳnh Trâm chụp chim ở Cần Giờ

Quang Viên

Để có một bức hình đẹp, mẹ con Quỳnh Trâm phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc, thậm chí phải “chấp nhận thương đau”. “Đội nắng, dầm mưa rừng, bị côn trùng cắn là chuyện thường. Cũng có lần bị cả gia đình heo rừng ra hù cho một trận”, Quỳnh Trâm thổ lộ.

Vác máy ảnh chụp chim to đùng dường như hơi quá sức với mình, thế nhưng Duy Nhiên vẫn một mình xăm xăm vào sâu trong rừng. Cậu muốn “lập thành tích” chụp được những bức ảnh chim khác với mọi người trong đoàn. Khi cậu bé quay trở ra thì hí hửng khoe: “Ở bìa rừng chim nhát nên phải vào sâu. Nhờ vậy, cháu chụp được mấy con chim rồi”. Tôi rất ngạc nhiên khi biết từ lúc 6 tuổi Nhiên đã theo mẹ chụp ảnh chim hoang dã. Khi đó, cậu bé làm nhiệm vụ quan sát qua ống nhòm rồi định danh loài chim bằng cách sử dụng sách hoặc phần mềm Bird Vietnam (chim Việt Nam). Sau đó, mở tiếng kêu của loài đó để nhử con chim đến gần hơn để mẹ chụp ảnh. Lên 9 tuổi, Duy Nhiên chính thức cầm máy, trở thành nhiếp ảnh chim hoang dã vào nghề nhỏ tuổi nhất.

Không chỉ chụp chim hoang dã trong nước, Quỳnh Trâm còn phiêu du đến Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Mỹ để chụp. Một số chuyến đi, mẹ con Quỳnh Trâm cùng song hành. Người phụ nữ gốc Huế này không thể quên chuyến chụp chim ấn tượng nhất tại Hokkaido, Nhật Bản. Cô đã dành 12 ngày để chụp loài sếu Nhật Bản, đại bàng vai trắng (loài đại bàng lớn nhất thế giới), và cú cá Blakinston. Trong chuyến đi đó, Quỳnh Trâm đã gặp 3 cơn bão tuyết. “Mỗi ngày Trâm phải đứng ngoài trời tuyết lạnh khoảng 8 giờ để chụp hình. Chính nhờ những cơn bão tuyết này mà có nhiều bức ảnh rất đẹp”, Quỳnh Trâm tiết lộ. Nhưng kỷ niệm “nhớ đời” nhất của cô là hơn 3 giờ sáng đứng trên cầu Otowa (Nhật Bản), trong cái lạnh âm 18 độ C để chụp đàn sếu. “6 lớp áo loại giữ nhiệt đặc biệt, 3 lớp quần, 2 lớp tất, 2 lớp nón... để giữ ấm. Vậy mà đứng hàng giờ trong thời tiết đó vẫn cảm nhận cái lạnh từ từ ngấm vào người. Lạnh như thể các mạch máu chỉ muốn đông lại. Các kiểu chạy tại chỗ cũng không đủ làm cho các đầu ngón tay chân bớt tê buốt”, Quỳnh Trâm kể.

Chim đại bàng chị Quỳnh Trâm chụp ở nước ngoài

NVCC

Ông Tây mê chim Việt

Jim George đến từ Úc. Không chỉ bị phụ nữ Việt “đốn tim” rồi thành vợ thành chồng, Jim còn si mê chim Việt. Nguyễn Văn Thắng, thành viên của tổ chức điều phối dự án Mekong Shorebird của Birdlife, cho biết: “Đi cùng nhau, tôi thấy sự đam mê và chân thành của ông đối với chim. Chúng tôi đã trở thành bạn tốt cùng nhau đi xem và chụp ảnh chim hoang dã Việt Nam rất nhiều chuyến. Jim cũng là người đầu tiên gửi cho tôi những khoản tài trợ để thực hiện các dự án bảo vệ chim Việt Nam”.

Jim George (giữa) trong một chuyến đi chụp chim

Facebook nhân vật

Bé Duy Nhiên bất chấp gian khổ để đi chụp chim hoang dã

NVCC

Chúng tôi kết nối được với Jim George, ông hào hứng nói: “Khoảng 6 năm trước, tôi đến thăm Vườn quốc gia Cát Tiên để chụp ảnh chim đuôi cụt bụng vằn và đuôi cụt bụng xám. Tôi rất ấn tượng với số lượng các loài chim ở đây, cũng như sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia này”. Người đàn ông đến từ Úc này không thể nhớ hết số lượng các loài chim mà mình đã chụp trên thế giới, nhưng ở Việt Nam ông chắc chắn rằng đã chụp hơn 200 loài. Đặc biệt, Jim rất tự hào trong bộ sưu tập chim hoang dã Việt Nam của ông có hầu hết các loài chim đặc hữu và chim khó chụp. “Kỷ niệm khó quên nhất của tôi là chụp loài chim đặc biệt ở Việt Nam là chim khướu Ngọc Linh, loài đặc hữu của Việt Nam”, Jim George tiết lộ. Hành trình để Jim George chụp được loài chim này rất thú vị. Theo Jim kể, ông và anh Nguyễn Hào Quang, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Wildtour, đã mất 3 ngày đi bộ vào khu rừng có độ cao trên 2.000 m tại vùng núi Ngọc Linh thuộc Kon Tum. Họ đi theo một con đường mòn rất khó đi cho đến khi nghe thấy tiếng gọi của khướu Ngọc Linh. “Mang hành lý, đồ ẩn náu, thiết bị máy ảnh đi trên một con đường trơn trượt lên xuống núi và qua suối không phải là điều dễ dàng. Dù sao vào ngày thứ ba, chúng tôi đã được tưởng thưởng với một số bức ảnh rất rõ ràng về loài chim đặc hữu hiếm khi được chụp ảnh này”, Jim chia sẻ và cho biết thêm: “Cách đây bốn năm, tôi cũng đi chụp ảnh loài chim bồng chanh rừng, được coi là loài chim quý hiếm thứ hai ở Việt Nam và có một số hình ảnh tuyệt vời”.

Không chỉ lặn lội nhiều nơi để chụp ảnh chim hoang dã Việt Nam để thỏa mãn niềm đam mê, Jim George còn âm thầm tài trợ tiền cho những người nằm trong các tổ chức bảo vệ, bảo tồn chim hoang dã. Tôi hỏi ông suy nghĩ gì về thực trạng các loài chim hoang dã ở Việt Nam, Jim George bày tỏ: “Thật không may, các thế hệ tương lai có thể không được may mắn để nhìn thấy những loài chim quý, chim đặc hữu của Việt Nam vì môi trường sống của chúng đang suy giảm do rừng bị tàn phá”. Ngoài ra, ông còn lo ngại khi thấy số lượng lưới mờ (đặc biệt là ở Gò Công) và bẫy chim được sử dụng ở Việt Nam. “Một chương trình giáo dục của anh Bảo đang được tiến hành và hy vọng thái độ của mọi người sẽ thay đổi theo thời gian”, “tín đồ” chim Việt này nói thêm về chương trình bảo tồn, bảo vệ các loài chim mà thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên bộ môn Điểu học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đang thực hiện. (còn tiếp)

“Khi tôi mới bắt đầu chụp ảnh chim ở Việt Nam, số lượng nhiếp ảnh gia hạn chế. Giờ đây, con số đã tăng lên đáng kể và có nhiều nhiếp ảnh gia rất tài năng, những người sẵn sàng chia sẻ thông tin và khuyến khích người khác. Nhiều người trong số các nhiếp ảnh gia về chim ở Việt Nam là đẳng cấp thế giới”.

Ông Jim George

Chim trời phiêu du ký

'Thánh chim', 'vua cú'

Kỳ thú săn ảnh chim quý

'Choáng' chuyện chụp chim

'Sứ giả' chim hoang dã

Khướu quý Việt Nam kêu cứu

Sếu ơi !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.