Chim trời phiêu du ký: 'Thánh chim', 'vua cú'

Quang Viên
Quang Viên
28/05/2022 07:08 GMT+7

Có hai nhân vật được giới chụp chim hoang dã chuyên nghiệp ưu ái “phong” thánh và vua vì khả năng tìm chim hoặc chụp được loài chim đặc biệt với số lượng áp đảo.

“Thánh chim”

Dân chụp ảnh chim hoang dã gọi những người hướng dẫn quan sát, chụp chim hoang dã là birdguide. Hầu như những nhà nhiếp ảnh chim hoang dã “thứ thiệt” đều biết đến một birdguide có nick name Toby Trung. Họ phong anh là “thánh chim” bởi tài tìm chim siêu đẳng. “Trong khi nhiều người chụp ảnh chim hoang dã danh nổi như cồn cũng chưa chắc tự mình tìm được các loài chim quý, chim hiếm thì Toby Trung lại tìm ra”, anh Nguyễn Đức Hùng, một tay chụp chim hoang dã ở TP.HCM, cho biết.

Toby Trung trong một chuyến đi tìm chim

Quang Viên

Một lần hiếm hoi tôi không chỉ được tiếp cận mà còn theo chân “thánh” đi tìm chim. Trong trang ph ục áo màu xanh lá, quần rằn ri, mũ rằn ri, khoác ba lô và đeo lỉnh kỉnh máy ảnh, ống nhòm, loa phát tiếng chim, “thánh” cưỡi xe máy lên đường vô rừng. Nếu hôm đó không có tôi, “thánh” chỉ độc hành. Đến rừng, “thánh” dỏng tai nghe tiếng chim, giương ống nhòm lên ngắm... Hình dáng chim chỉ mới thoáng qua, hoặc nghe tiếng kêu của chúng, “thánh” phán ngay loài gì, từ đâu đến, giới tính, tập tính… Rồi “thánh” tìm góc máy chụp ảnh.

Tôi hỏi: “Một năm có bao nhiều lần đi tìm chim?”, câu trả lời của anh làm tôi sửng sốt: “Khoảng 300 ngày đi rừng tìm chim trong một năm, hầu hết là đi một mình”. Có những chuyến để tìm được một loài chim mới, Toby Trung phải lặn lội trong rừng cả tháng trời. “Vua chim” Tăng A Pẩu còn kể lại những chuyện đi tìm chim rất “dị” của Toby Trung. Theo đó, Toby Trung “bắt” vợ bế con gái còn nhỏ ra Hà Giang ở 3 tháng để anh có thể yên tâm đi tìm loài cú hiếm ở vùng này. “Thánh” cũng 2 lần té ở Phan Xi Păng. Còn trong hành trình đi tìm chim bồ nông, “thánh” phải thuê ghe di chuyển trên kênh rạch ở miền Tây. Lần đó, chiếc máy ảnh trị giá 100 triệu của “thánh” bị rớt, do va chạm mạnh nên chiếc máy hỏng nặng. “Toby Trung là con người kỳ dị”, ông Tăng A Pẩu nói một câu cô đọng về “thánh chim”.

Cú hù Phương Đông

Sau những chuyến đi tìm chim, khi phát hiện ra loài chim mới, đặc biệt là chim quý hiếm tại địa điểm lạ nào đó, Toby Trung sẽ là hoa tiêu dẫn đường cho những người chụp ảnh chim có tâm bảo vệ, bảo tồn chim đến đó để chụp. Khi mới vào nghề, Toby Trung miễn phí công “chỉ điểm”, nhưng sau này anh lấy một khoản phí nhất định để bù đắp cho “thiệt hại” khi đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc đi tìm chim. Nhiếp ảnh gia chụp chim hoang dã có tiếng Thuần Võ chia sẻ: “Tôi chọn cách nhờ những birdguide am hiểu dẫn tôi đi chụp ảnh các loài chim. Đó là cách chụp theo tôi là tốt nhất dành cho những người bận công việc lẫn gia đình mà vẫn đam mê thiên nhiên. Toby Trung là “thánh” tìm chim giúp tôi và nhiều anh em khác”.

Cú cá đồng hung

“Vua” cú

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu được giới chụp chim hoang dã đặt cho biệt danh “vua chim”. Nhưng ít ai biết anh còn có biệt danh khác là “vua cú”. Nhiều phương tiện truyền thông đã viết về người đàn ông mê chim này với danh xưng “vua chim”, nhưng hầu như chưa nhắc tới tên “vua cú”. Trong một dịp được theo chân những nhà nhiếp ảnh chim hoang dã, có người tiết lộ với tôi rằng chưa ai trong làng chụp ảnh chim hoang dã có bộ sưu tập cú đầy đủ nhất như Tăng A Pẩu. Vậy nên tôi tìm đến với “vua cú”. Gặp tôi, anh cười khà khà nói: “Trong dân gian còn quan niệm gặp cú là xui, nên cú bị ác cảm, kỳ thị. Dân chụp ảnh cũng ít người chụp cú, có thể vì loài chim này không “ăn ảnh”, và muốn chụp được nó phải đi ban đêm, thậm chí có người cũng sợ xui mà né cú. Còn tui lại thấy chúng thông minh và thân thiện. Vì thế, hơn 10 năm trước tôi đã vác máy ảnh vô rừng rình chụp cú”. Theo “vua cú”, sự bí ẩn của rừng đêm và dáng vẻ ma mị của loài cú kích thích anh khám phá về chúng.

Cú lợn

Tăng A Pẩu

Khu rừng đầu tiên Tăng A Pẩu đến chụp cú là Cát Tiên (Lâm Đồng). Lúc đó, anh rủ Ka Hoài - một người bản địa ở làng Tà Lài đi cùng, vì theo anh Ka Hoài có “đôi mắt cú vọ”, không có loài động vật nào thoát khỏi đôi mắt đó. “Chúng tôi cứ đi lầm lũi trong đêm. Mỗi người một cây đèn pin rọi không sót nhánh cây nào dọc hai bên đường. Tiếng cú thỉnh thoảng từ đâu lại vọng về như thôi thúc động viên chúng tôi”, Tăng A Pẩu chia sẻ. Rồi trong màn đêm mịt mùng, một con cú hù nâu lớn bằng con gà trống xuất hiện. Đây là loài cú rất hiếm và rất đẹp. “Ka Hoài thì thản nhiên, còn tôi vừa mừng vừa run. Cứ thế bấm máy lia lịa”, anh kể. Khi về nhà ngắm lại những tấm hình cú đầu tiên, “vua cú” mới thấy hết vẻ đẹp bí hiểm đến “sởn da gà”, đến ám ảnh của loài cú. Vậy là nhiều năm tiếp theo, A Pẩu cũng tự biến mình thành “ma rừng”, đêm đêm lại vô rừng tìm các loài cú. Không chỉ khu rừng ở Cát Tiên (Lâm Đồng), A Pẩu đi khắp các khu rừng được “thổ địa” mách nước hoặc tự tìm hiểu biết sẽ có cú. “Tôi cứ chụp lấy chụp để các loài cú, ảnh lưu trong ổ cứng mà không cần biết cú gì. Hằng đêm đi chỉ là để giải tỏa cơn nghiện âm thanh hoang dã của rừng đêm, của giọng kêu ma mị của loài cú”, Tăng A Pẩu tâm sự. Cho đến nay “vua cú” chụp đến 25 loài cú ở VN, trong đó có 3 loài nằm trong sách đỏ.

Theo sách Chim Việt Nam, tất cả cú đều thuộc nhóm IIB. Theo Nghị định 06/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nhóm IIB là nhóm các loài động vật hoang dã hạn chế khai thác và sử dụng. (Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu)

Chụp cú đã để lại những kỷ niệm khó quên đối với “vua cú”. Anh kể có lần đi rất sâu vào một khu rừng chụp cú lợn. Gặp nó, anh thấy nó như bị… “tăng động”. “Mình cách nó có 5 m mà nó vẫn đứng lắc lư, nó ngây thơ, nó ngúng nguẩy, nó vặn mình…bất chấp kẻ lạ mặt. Quay phim chụp hình chán, mình đến vỗ tay đuổi, con cú mới bay đi”, Tăng A Pẩu cười ha hả kể lại. Sau này, “vua cú” mới “ngã ngửa” vì biết đó là loài cú quý hiếm nằm trong sách đỏ mà hơn 10 năm sau các nhà nhiếp ảnh khác phải cố công tìm mãi mới thấy.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu (phải) trong một chuyến chụp cú

NVCC

Lần khác, đêm khuya, đang đi trong cơn buồn ngủ rũ rượi, chợt thấy một con cú xấu xí có cái miệng ngoác rộng tới mang tai nằm úp mặt lên thân cây xù xì. Trông xa, nó “tàng hình” không khác gì cục u cây, nếu người đi đường lướt ngang thật khó nhận ra đó là con chim cú. Sáng ra, anh quay lại chỗ này mong chụp được ảnh cú ban ngày. Nó vẫn nằm đó chừng như bất động nên nhiếp ảnh gia cứ “bắn” liên hồi. Sau chuyến đi, đem ảnh con cú này “khoe” thì một chuyên gia điểu học cho biết đó cũng là loài cú quý nằm trong sách đỏ. Với “vua cú”, đằng sau mỗi bức ảnh cú là một câu chuyện khác nhau, nhưng đều có mồ hôi, gian khổ, sự kiên nhẫn và cả những đêm dài thức trắng đợi chờ một bóng chim cú vụt qua giữa bầu trời nhờ ánh trăng.

Chim trời phiêu du ký

Kỳ thú săn ảnh chim quý

'Choáng' chuyện chụp chim

'Sứ giả' chim hoang dã

Khướu quý Việt Nam kêu cứu

Sếu ơi !


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.