Chìm tàu ở Trung Quốc: Không còn khả năng tìm thấy người sống sót

05/06/2015 09:02 GMT+7

(TNO) Đến sáng 5.6, số thi thể được tìm thấy trong vụ chìm tàu tại sông Dương Tử, Trung Quốc đã tăng lên 82, vẫn còn gần 360 người mất tích. Trong khi đó, cơ quan chức năng cho rằng có rất ít khả năng tìm thấy người sống sót sau khi con tàu được lật lại.

(TNO) Số thi thể được tìm thấy trong vụ chìm tàu tại sông Dương Tử đã tăng lên 82, theo cập nhật vào sáng ngày 5.6 của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc. Trong khi đó, cơ quan chức năng cho biết có rất ít hy vọng tìm thấy người sống sót sau khi con tàu được lật lại.

Thân nhân những người bị mất tích trên chiếc tàu bị chìm ở sông Dương Tử
- Ảnh: Reuters
Nhiệm vụ giải cứu giờ đây đã trở thành chiến dịch tìm vớt thi thể từ con tàu. Con tàu du lịch Ngôi Sao Phương Đông chở theo 456 người (trước đó các nguồn tin đưa con số 458 người) bị lật sau một trận lốc xoáy đêm 1.6 trên sông Dương Tử đoạn qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Chỉ 14 người sống sót được tìm thấy, trong đó có thuyền trưởng.
Sau 3 ngày tìm kiếm ở các vùng nước gần đó, đội cứu hộ đã quyết định lật con tàu lên theo phương thẳng đứng vào chiều 4.6.
“Có rất ít cơ hội tìm thấy người sống sót bên trong thân tàu. Chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng không có khả năng tìm thấy người sống sót”, China Daily ngày 5.6 dẫn lời người phát ngôn Bộ Giao thông, Từ Thần Quang.
Đội cứu hộ, với số lượng lớn là quân nhân, đã làm việc xuyên đêm. Hơn 200 thợ lặn đã tìm kiếm trong bóng tối và sau khi cắt được vỏ tàu, đội đã tìm kiếm ở mỗi căn phòng nhưng không thấy dấu hiệu của người sống sót, theo Reuters.
Một số thân nhân tức giận về việc chính quyền không cung cấp đủ thông tin vụ chìm tàu. Ngày 4.6, nhiều gia đình đã thuê xe buýt từ thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), đến huyện Giam Lợi, tỉnh Hồ Bắc, nơi con tàu bị chìm.
Người dân làm lễ cầu nguyện cho những người trên con tàu bị chìm tại
 tỉnh Hồ Bắc đêm 4.6 - Ảnh: Reuters
Khi đến nơi, nhóm thân nhân cố vào khu vực cứu nạn thì bị những cảnh sát đã đi cùng họ từ Nam Kinh đến Giam Lợi chặn lại. Cơ quan chức năng nói rằng họ có thể đến khu vực này theo từng nhóm nhỏ, nhưng phóng viên và người quay phim không được đi theo. “Tôi không thể bác bỏ khả năng là thậm chí trong số các phóng viên Trung Quốc vẫn có người muốn làm hại chính quyền”, Hu Shining, phó cảnh sát trưởng Nam Kinh, nói với người thân của nạn nhân.
Hơn 10.000 người đã kéo đến một quảng trường tại trung tâm huyện Giam Lợi đêm 4.6 để cầu nguyện, theo China Daily.
Một số người còn yêu cầu chính quyền công bố tên của người sống sót cùng với 82 người đã thiệt mạng. Họ đặt nghi vấn tại sao hầu hết người được cứu lại là nhân viên trên tàu. Số khác thì chất vấn vì sao thuyền trưởng không cho tàu vào cảng khi biết có lốc, cũng như làm thế nào thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn trên tàu lại có thời gian mặc áo phao mà không nhấn còi báo động.
Hiện thuyền trưởng và kỹ sư trưởng đã bị tạm giữ để điều tra. Các cuộc điều tra ban đầu cho thấy con tàu không chở quá tải và có đủ áo phao cho mọi người. 
Người thân nạn nhân bị cảnh sát đánh

Người thân của các hành khách bị mất tích trong vụ chìm tàu trên sông Dương Tử tố họ bị cảnh sát đánh khi dò hỏi thông tin về thảm họa trên, theo Reuters ngày 4.6.

Những người này đã đổ ra đường phố Thượng Hải ngày 4.6 để kiến nghị với chính quyền, tuy nhiên họ đã bị cảnh sát đưa đến một tòa nhà được cho là dùng phát biểu trước truyền thông.

Ẩu đả xảy ra giữa cảnh sát và những người thân ngay sau đó.  Một đoạn video truyền đi trên internet quay lại vụ cảnh sát đánh và vật những người thân của nạn nhân.

Một phụ nữ có chồng và cha chồng bị mất tích sau vụ chìm tàu, nói: “Tại sao họ xài tiền thuế của người dân để bắt nạt chúng tôi? Tại sao tất cả cảnh sát đều ở đây?”.

Hiện cảnh sát chưa bình luận gì về vụ việc trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.