Chiêu trò của Trung Quốc khi liên tục “bắt nạt” Úc

03/12/2020 07:17 GMT+7

Liên tục sử dụng nhiều biện pháp mang tính “bắt nạt” nhằm vào Úc, Trung Quốc muốn tìm cách đe dọa các nước có ý định cùng hợp tác để chống lại những hành vi của Bắc Kinh.

Ngày 2.12, Reuters đưa tin ứng dụng WeChat của Trung Quốc đã chặn một nội dung do Thủ tướng Úc Scott Morrison đưa ra nhằm lên án việc ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thông qua mạng xã hội Twitter đăng tải bức ảnh một người đàn ông ăn mặc như binh sĩ Úc cầm dao dính máu kề cổ một đứa trẻ Afghanistan.
Sau đó, chính phủ Úc cho rằng đó là bức ảnh được dàn dựng và hành vi của phát ngôn viên Triệu là “ghê tởm”, “đáng khinh bỉ”. Canberra yêu cầu Bắc Kinh phải xin lỗi về việc này.

Chiêu trò “giết gà dọa khỉ”

Vụ việc xảy ra khi căng thẳng Úc - Trung dâng cao trong những tuần gần đây. Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố quyết định đánh thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Úc, có hiệu lực từ ngày 28.11. Theo đó, rượu vang Úc nhập khẩu vào Trung Quốc phải chịu mức thuế từ 107 - 212%. Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc đã tiết lộ với báo giới về một xấp tài liệu gồm 14 khiếu nại về các hoạt động “vu khống” đối với Bắc Kinh.

Đài Bắc kêu gọi Canberra hỗ trợ đối phó Trung Quốc

Người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu kêu gọi Úc hỗ trợ để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc đại lục. Trong cuộc phỏng vấn với Đài ABC (Úc) ngày 1.12, ông Wu cảnh báo nguy cơ xung đột trong khu vực “cao hơn trước” vì sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Ông Wu kêu gọi Úc cùng các nước khác hỗ trợ Đài Loan bằng cách chia sẻ thông tin tình báo, đồng thời cáo buộc Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với Đài Loan.
Phúc Duy
Trả lời Thanh Niên ngày 2.12, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) nhận xét: “Bắc Kinh muốn trừng phạt Úc nhằm tấn công sự hợp tác của “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ). Trong nhóm này, Úc có thể xem là mắt xích yếu nhất bởi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản, thực phẩm trong nhiều năm qua. Thực tế, sự lệ thuộc này đã tác động đến định hướng an ninh của Canberra. Hồi năm 2008, cũng từ áp lực của Trung Quốc, Úc đã rút khỏi cuộc tập trận hải quân đa phương thường niên Malabar. Trung Quốc đang muốn “dằn mặt” Úc về rủi ro bị tổn thương kinh tế”.
Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định diễn biến leo thang căng thẳng giữa hai nước thể hiện sự lo ngại của Bắc Kinh đối với việc Canberra trở thành một phần của “tuyến phòng thủ tiền phương” chống lại Trung Quốc trên toàn cầu.
Thực tế, không chỉ tăng cường hợp tác trong “bộ tứ kim cương”, Úc cũng đã lên tiếng yêu cầu điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 và cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.
“Úc thời gian qua liên tục tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật, vốn là hai đối thủ quan trọng của Trung Quốc. Trong khi đó, Úc lại là nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Chính vì thế, Canberra trở thành “mục tiêu hoàn hảo” để Bắc Kinh thực hiện chiêu thức “giết gà dọa khỉ”. Bắc Kinh lo ngại các cường quốc tầm trung như Úc sẽ hợp tác với nhau để chống lại sự can dự cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc. Qua đó, việc “bắt nạt” Úc là cách để Bắc Kinh “dằn mặt” các cường quốc tầm trung và các nước khác có ý định hợp tác để chống lại hành vi của Trung Quốc. Bắc Kinh chọn cách cưỡng ép kinh tế đối với Canberra”, PGS Nagy phân tích.

Đòn thù không hiệu quả ?

Trước diễn biến trên, GS Sato cho rằng: “Thực tế, các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các đối tác như Ấn Độ bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh áp dụng các hình thức cưỡng ép kinh tế tùy vào từng bên. Ví dụ, Trung Quốc muốn “làm khó” các mặt hàng điện tử của Nhật nhưng không dễ vì thiếu nguồn cung cấp thay thế tương ứng. Còn nông sản của Úc có thể bị thay thế bởi các nhà cung cấp khác như Mỹ, Canada... Tuy nhiên, nếu các nước cùng “đồng lòng” trước Bắc Kinh thì các biện pháp hiện tại chỉ khiến người dân Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn cho cùng một sản phẩm”.

Trung Quốc bị tố muốn độc chiếm đảo ở Úc

Sau khi đạt thỏa thuận thuê một phần của đảo Keswick (Úc) trong 99 năm, công ty Trung Quốc China Bloom bị tố xua đuổi người dân địa phương khỏi đó, theo trang tin Newsweek. Người dân địa phương phản ánh tình trạng China Bloom “độc chiếm” Keswick (bang Queensland), cấm tàu thuyền tiếp cận, không cho phép họ sử dụng đường băng, và thậm chí chỉ cho phép người Trung Quốc đến bãi biển. Trong thỏa thuận năm 2019, China Bloom kiểm soát 20% đảo, nhưng lại chặn tất cả lối vào công viên quốc gia ở Keswick, theo phản ánh của truyền thông Úc.
Người dân địa phương còn tố cáo China Bloom cấm chủ nhà cho thuê tài sản của họ hoặc quảng cáo trên trang Airbnb. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Sở Tài nguyên bang Queensland cho biết các vấn đề phát sinh giữa người dân địa phương và China Bloom không nằm trong điều khoản hợp đồng ký kết với chính quyền bang, nên kỳ vọng các bên sớm tìm được biện pháp khắc phục.     
Phúc Duy
Theo ông Sato, một trong các biện pháp mà Úc có thể đáp trả là đệ trình các hành vi của Trung Quốc lên WTO, đồng thời tìm kiếm những thị trường thay thế.
Còn ông Nagy thì chỉ ra: “Lẽ ra, Úc có ít biện pháp để ứng phó lại sự cưỡng ép kinh tế từ Trung Quốc, nhưng “trong nguy có cơ” khi tình hình bệnh dịch Covid-19 đã giúp Canberra có lối thoát. Cụ thể, Covid-19 khiến du học sinh Trung Quốc không thể đến Úc, nên Canberra đã nhìn thấy sự lệ thuộc kinh tế đối với Bắc Kinh, nên có động lực mở rộng các đối tác kinh tế. Giờ đây, Úc có thể mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản, rượu vang và thịt bò đến các nước châu Âu”.
GS John Blaxland (Giám đốc Viện Đông Nam Á - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc) thì lạc quan rằng những biện pháp cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc có thể khiến Úc khó khăn trong một thời gian, nhưng rồi mọi chuyện sẽ sớm ổn định. Ông Blaxland dẫn lại kinh tế Úc cũng từng khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi việc Anh gia nhập cộng đồng chung kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, khó khăn sau đó đã trôi qua nhanh chóng.
GS Blaxland còn chia sẻ: “Xem trên mạng xã hội, tôi thấy rất nhiều người muốn mua rượu vang Úc khi chứng kiến các hành vi của Trung Quốc”. Ông cho rằng đó chính là dấu hiệu tốt để Úc mở thêm thị trường. Đồng thời, một điểm tích cực là hành vi của Trung Quốc sẽ khiến cho nội bộ nước Úc trở nên đoàn kết hơn trong các chính sách trước Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.