Chiêu trò bán hàng trên mạng - Kỳ 2: Nhiều kẽ hở trong quản lý

03/08/2012 03:40 GMT+7

Do sự quản lý việc mua bán hàng qua mạng của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo nên người tiêu dùng (NTD) bị “lừa” ngày càng nhiều.

>> Chiêu trò bán hàng trên mạng

Dính “bẫy” giá rẻ

Đầu tháng 3.2012, chị Thùy Châu (27 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) vào trang nava.shop để tìm mua hàng. Trang web này có mục sale off 70% nguyên kho điện thoại iPhone, Nokia... của Công ty TNHH điện thoại Sài Gòn. Chị Châu liên hệ với chủ shop là Trần Thanh Sang qua số điện thoại 0933541468 và được người này cho biết chương trình áp dụng nhân ngày 8.3, ưu tiên cho các bạn nữ với số lượng có hạn, đảm bảo hàng chính hãng 100%. Tin tưởng, chị Châu đặt mua 2 điện thoại (iPhone 4Gs - 32G với giá đã giảm còn 4,6 triệu đồng và iPhone 4G - 32G với giá đã giảm còn 3,2 triệu đồng).

 Chiêu trò bán hàng trên mạng
Quảng cáo khách sạn 5 sao giá khủng khiếp - Ảnh: Lê Nga (chụp lại từ màn hình)

 

Mức phạt nặng nhất chỉ 30 triệu đồng

Theo Nghị định 19/2012 thi hành luật Bảo vệ quyền lợi NTD, đối với hành vi quảng cáo lừa dối NTD sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm. Theo điều 21, nghị  định này, đơn vị bán hàng nếu không cung cấp cho NTD hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của NTD; hoặc không cho NTD truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu trong trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử, sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với việc bán hàng qua truyền hình, qua mạng, hàng hóa được giao tận nhà được coi là hình thức “bán hàng tận cửa”, từ ngày 1.5.2012, nếu người bán không cung cấp rõ thông tin về địa chỉ trụ sở, nơi giải quyết việc khiếu nại của NTD, cũng bị chế tài theo điều 17 của nghị định với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Khi chuyển tiền, người của shop bảo sáng hôm sau (9.3) sẽ gửi hàng sớm. Đợi mãi không thấy hàng về, chị Châu gọi vào số máy trên thì không liên lạc được nữa. “Sau đó, tôi gọi cho Nava (08.39117179) nhờ hỗ trợ. Ngày 12.3, Nava liên hệ bảo gửi hình 2 phiếu chuyển tiền của ngân hàng qua email Shop.nava@nct.vn. Từ đó đến nay tôi gọi điện, gửi email cầu cứu Nava hỗ trợ giải quyết nhưng vẫn không có hồi âm”, chị Châu nói.

Nạn nhân mới nhất là chị Kim Liên (25 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu) vừa có đơn trình bày, chị đặt mua iPad 2 - wifi - 3G - 32G với giá 5 triệu đồng cũng ở nava.com. Chị Liên bức xúc: “Sau khi chuyển tiền vào tài khoản 1603205339475 (chủ tài khoản là Phan Thời Hiểu) và nhắc nhở nhiều lần, tôi cũng nhận được hàng nhưng là 1 cái điện thoại Samsung kèm 1 cái máy tính xuất xứ từ Trung Quốc đã qua sử dụng”.

Trong vai một người muốn mở shop bán hàng, chúng tôi liên lạc với người đại diện của Nava hỏi quy định đăng quảng cáo bán hàng trên trang web này. Nữ nhân viên (từ chối cung cấp tên) cho biết chỉ cần kiểm tra thấy thông tin sản phẩm và giá cả phù hợp là cho đăng. "Còn mua bán, chất lượng hàng hóa là do chủ shop và người mua tự thỏa thuận. Nếu người mua tố cáo chủ shop nhận hàng không trả tiền thì Nava đưa người đó vào danh sách đen rồi cung cấp thông tin (tên, số CMND) chủ shop cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Chứ Nava không làm gì được", cô nhân viên nói. Khi chúng tôi xin địa chỉ Nava để liên lạc trực tiếp thì bị từ chối.

Buông lỏng quản lý

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Trưởng văn phòng khiếu nại - Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM, bức xúc: “Hầu hết hàng hóa được bán qua mạng hiện nay là hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi, mà không bị quản lý. NTD khi đã lỡ mua, không sử dụng được hoặc bị hư hỏng thì không khiếu nại được, đành phải chịu thiệt thòi bởi không biết được địa chỉ của nơi bán hàng, hoặc nếu có biết, đến khiếu nại thì cũng không được giải quyết thỏa đáng”.

Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), Nghị định 37/2006 Chính phủ quy định chi tiết luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi. “Những quảng cáo giảm giá hơn mức này đều là vi phạm và các cơ quan quản lý phải vào cuộc xử lý triệt để”, luật sư Hải nêu ý kiến.

Còn theo luật gia Thu, luật pháp đã có những quy định rõ ràng với những mức chế tài cụ thể dành cho những hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, điều đáng nói pháp luật chưa có biện pháp hiệu quả để quản lý những đối tượng vi phạm. Theo luật sư Hải, việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đang bị buông lỏng nên không ít NTD đã bị lừa đảo vì hàng hóa giả mạo, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua thống kê sơ bộ, phát hiện có đến hơn 200 sàn giao dịch thương mại điện tử chui, quảng cáo ồ ạt cho hàng ngàn sản phẩm khác nhau.

“Luật cho phép người tiêu dùng bị lừa đảo có thể khởi kiện, nhưng để kiện được những kẻ bán hàng lừa đảo trên mạng thì vô cùng gian truân. Thẩm quyền giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền lợi NTD thuộc về cấp quận huyện, song nhiều nơi không quan tâm hoặc vẫn còn rất lúng túng khi tiếp nhận khiếu nại của NTD. Phải có sự can thiệp quyết liệt của cơ quan công an, xử lý nghiêm những kẻ bán hàng lừa đảo mới mong từng bước chấn chỉnh được thực trạng bát nháo hiện nay để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NTD”, luật sư Hải nói.

 Chiêu trò bán hàng trên mạng

Chiêu trò bán hàng trên mạng

Chiêu trò bán hàng trên mạng
Quảng cáo bán sản phẩm hàng hiệu không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, giá bán chỉ vài chục đến hơn trăm ngàn đồng - Ảnh: Lê Nga

Bắt khẩn cấp 4 thành viên của muaban24

Chiều 2.8, đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP.Hà Nội), đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 4 người của Công ty CP đào tạo mua bán trực tuyến 24 (muaban24.vn), để điều tra về hành vi sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, gồm: Ngô Văn Huy (39 tuổi), Tổng giám đốc; Lê Văn Cường (37 tuổi), Phó giám đốc phụ trách đào tạo kinh doanh; Nguyễn Mạnh Hà (32 tuổi), Trưởng phòng kỹ thuật, quản trị trang web muaban24.vn. Còn Chủ tịch HĐQT muaban24.vn là Nguyễn Tuấn Minh (39 tuổi, tạm trú tại TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã bỏ trốn.

Theo thông tin ban đầu, Huy, Hà và Cường đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Trước đó, tối 1.8, công an đã khám xét nhà riêng của cả 4 người trên, thu giữ nhiều máy tính, USB và tài liệu liên quan đến hoạt động của công ty này. Được biết, muaban24.vn đã bán hơn 118.000 gian hàng điện tử trên web muaban24.vn cho nhiều người ở hơn 30 tỉnh thành.

Song thực tế kiểm tra cho thấy, chỉ có khoảng 5% tổng số gian hàng được bán có hàng để bán, còn lại chỉ với mục đích mua suất, kêu gọi, lôi kéo người khác tham gia đóng tiền để hưởng % hoa hồng. Theo tài liệu điều tra, Công ty mua bán 24 đang còn nắm giữ hơn 200 tỉ đồng của những người tham gia đóng tiền. Hiện vụ việc đang được Công an TP.Hà Nội tiếp tục điều tra làm rõ.

* Thông tin từ Công an Thanh Hóa cùng ngày cho biết, hiện Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Thanh Hóa đang điều tra, xác minh làm rõ những hành vi vi phạm của chi nhánh MB24.vn tại Thanh Hóa. Chi nhánh này có địa chỉ tại 110 Dương Đình Nghệ, P.Đông Thọ, TP.Thanh Hóa, do Nguyễn Văn Huy, trú tại H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) làm giám đốc.

Hà An - Ngọc Minh

Lê Nga - Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.