Chiêu lừa rất cũ, nạn nhân mới vẫn... xếp hàng dài

Phan Thương
Phan Thương
27/10/2019 09:00 GMT+7

Tám người phụ nữ chưa một lần gặp mặt nhưng đều tin vào lời hoa mỹ, hứa hẹn của người đàn ông ngoại quốc trên mạng xã hội , để rồi bị lừa đến trắng tay.

8 người phụ nữ tuổi từ 30 đến gần 60, ở 6 tỉnh thành khác nhau tại VN, chưa một lần gặp mặt nhưng tin vào lời hoa mỹ, hứa hẹn của “một người đàn ông ngoại quốc hào hoa” trên mạng xã hội, để rồi bị người này lừa đến trắng tay.
Sau hơn 2 năm điều tra, truy tố, ngày 24.10, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo người Nigeria, tên Timothy, còn nạn nhân bước đầu xác định là 8 phụ nữ VN với số tiền bị lừa hơn 557 triệu đồng.

“Gửi quà”, hứa hôn... trên mạng

Theo cáo trạng, Timothy nhập cảnh VN ngày 28.4.2015. Đến TP.HCM, anh ta gặp gỡ một số bạn bè (không rõ lai lịch), rủ cùng nhau lừa đảo chiếm đoạt tiền của phụ nữ VN. Cụ thể, Timothy lập nhiều nickname trên mạng xã hội là Facebook, WhatsApp... kết bạn, tâm sự với nhiều người. Khi tạo được sự thân thiết, Timothy cho biết sẽ gửi quà tặng về VN cho họ, thậm chí, có những người Timothy hứa sẽ về VN tổ chức đám cưới. Món quà Timothy gửi về có thể là bộ mỹ phẩm, đồng hồ, túi xách đắt tiền...
Sau khi Timothy “bắn tin” trên mạng xã hội là đã gửi quà, thường khoảng 2 tuần sau sẽ có người tự xưng nhân viên bưu điện, hải quan, sân bay gọi cho các nạn nhân, thông báo họ có một số kiện hàng, yêu cầu phải chuyển trước một khoản tiền từ 10 - 20 triệu đồng để được nhận hàng. Thời gian này, Timothy chụp hình ảnh “quà tặng” là những món hàng trị giá hàng trăm triệu đồng gửi về để các nạn nhân tin tưởng chuyển tiền.
Khi bị bắt, dựa vào lời khai của Timothy và chứng cứ thu thập được từ các ngân hàng cho thấy Timothy và đồng phạm đã rút từ ngân hàng gần 1,9 tỉ đồng, bị cáo được chia từ 6,8 - 6,9% hoặc 10%. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ xác định được trong số 8 nạn nhân bị lừa, người chuyển cho Timothy ít nhất hơn 13 triệu đồng, cao nhất gần 200 triệu đồng, tổng số tiền bị cáo này chiếm đoạt hơn 557 triệu đồng. Trong khi đó, có bị hại khai đã chuyển cho băng nhóm này hàng tỉ đồng!

“Sập bẫy lừa” vì muốn... giúp người?!

Là nạn nhân duy nhất có mặt tại tòa, khi được HĐXX hỏi, bà H.T.N (56 tuổi, quê Hà Nam) trình bày tên Facebook của Timothy thời điểm kết bạn với bà là Edu Grace. Quá trình trao đổi, bị cáo dùng tiếng Anh. Bà N. chỉ biết bập bõm vài từ, còn lại lên Google dịch! Bà N. nói: “Đầu tiên chỉ 20 triệu đồng. Nhưng sau đó, bị cáo nói trong túi quà có 390.000 USD và hải quan buộc phải nộp thêm một khoản tiền để chống rửa tiền, chống buôn hàng giả nên tôi gửi thêm vài chục triệu đồng nữa, rồi trăm triệu...”. “Mục đích của bà là muốn lấy gói quà, trong đó có 390.000 USD phải không?”, chủ tọa hỏi tiếp và bà N. trả lời: “Là do người ta cứ bảo “nói thật là tôi gửi số tiền đó để tôi sang VN làm ăn. Bạn hãy giúp tôi lấy số tiền tích cóp cả đời tôi giúp tôi. Bạn cố gắng giúp đỡ tôi”. Nghe thế, và thấy họ cứ nhắn tin năn nỉ nên tôi cứ nộp, cứ nộp đến khi không còn khả năng nữa”.
Bà N. khai đã chuyển gần 1,5 tỉ đồng vào rất nhiều tài khoản, không nhớ tài khoản nào. Riêng tài khoản do Nguyễn Tuấn Anh đứng tên giùm Timothy là 100 triệu đồng.

Sự bừng tỉnh muộn màng

Nán lại sau phiên tòa, bà N. ngồi thẫn thờ ở hàng ghế đá góc sân. Ngoài bản án 12 năm tù, tòa sơ thẩm cũng buộc Timothy phải bồi thường toàn bộ số tiền cho 8 người bị hại, trong đó bà N. là 100 triệu đồng. Tòa giải thích dù bà N. khai đã chuyển khoản cho nhóm tội phạm lên đến 1,5 tỉ đồng, nhưng trong vụ này chỉ xác định được Timothy nên tòa chỉ xem xét, tuyên buộc bị cáo bồi thường cho bà 100 triệu đồng. Thế nhưng, có lẽ giờ đây, bà N. thấm thía rằng để được Timothy hoàn trả 100 triệu đồng là điều... không tưởng. Tại tòa, bị cáo khai thất nghiệp, đến tiền đi viện, mua thuốc vài triệu đồng còn không thể lo và phải nhờ sự chi trả của đồng phạm (không rõ lai lịch - PV), thì tiền đâu khắc phục hậu quả!
Không nén được tiếng thở dài, bà N. cho biết khi sự việc vỡ lở, bà đã phải giấu con cháu, gia đình rằng do kinh doanh, làm ăn với bạn thua lỗ để bán căn nhà ở quê trả nợ. “Nghĩ lại, khi đó tôi như con thiêu thân vậy. Lúc đầu chỉ 20 triệu, bị cáo năn nỉ tôi chuyển thêm, rồi dần dần 100 triệu, 200 triệu. Khi không còn sẵn tiền, vì muốn lấy lại số tiền đã chuyển nên tiếp tục vay tiền “đóng nốt lần này”. Tiền không thấy về mà căn nhà của gia đình đã ra đi”, bà N. chua chát và nói thêm: “Tụi nó có đường dây lừa đảo cả. Một thằng lừa được tôi thì chúng truyền tai nhau, câu kết với nhau, đưa ra nhiều lý do bảo tôi phải chuyển tài khoản này, tài khoản kia...”.
Hỏi bà N. báo chí liên tục thông tin những vụ lừa đảo tương tự, trong khi bản thân từng là công chức, trình độ đại học, sao vẫn để “sập bẫy”, bà phân bua: “Cô ơi, ở quê, chúng tôi đâu có thói quen đọc báo. Thấy con cháu chơi Facebook, mình cũng tập tành lập Facebook, kết bạn tùm lum. Giờ thì thôi, tôi không kết bạn với ai nữa, trừ bạn bè, người thân”. Hồi sau, giọng bà chùng xuống: “Giờ khổ lắm cô ạ. Ngày trước vợ chồng tích cóp có được căn nhà mặt tiền. Chồng mất, tôi bán nhà mặt tiền, mua 2 căn nhà trong hẻm, chia cho 2 thằng con trai, tôi ở với thằng lớn. Đúng là họa vô đơn chí”.
Trước khi đứng dậy ra về, bà N. chợt hỏi: “Không biết đồng phạm của nó có bỏ tiền ra bồi thường cho chúng tôi không nhỉ, để bị cáo được tha tù sớm. Với tụi nó 25.000 USD đâu là gì”. Tôi chỉ trả lời: “Nếu có, thư ký tòa hoặc thi hành án sẽ gọi cho chị”. Song, bà như chợt bừng tỉnh: “Mà nếu có tiền thì chúng nó đâu lừa tôi thê thảm vậy”.

Có vụ tiền lừa cả trăm tỉ đồng!

Trong vài năm trở lại đây, Bộ Công an và công an nhiều tỉnh, thành đã cảnh báo thực trạng khi mạng xã hội phát triển, đánh vào tâm lý sính ngoại, thiếu thốn tình cảm của nạn nhân, một số kẻ lừa đảo sẽ tự nhận là doanh nhân, người có điều kiện kinh tế, sinh sống tại nước ngoài... để làm quen. Ít lâu sau, chúng đề nghị được tặng nạn nhân một món quà giá trị như laptop, mỹ phẩm, điện thoại iPhone, túi xách, nữ trang đắt tiền gửi từ nước ngoài về.
Sau đó, chúng giả mạo nhân viên hãng vận chuyển, hải quan, yêu cầu người bị hại chuyển tiền để nộp phí nhận hàng. Tiếp theo, chúng thông báo trong bưu kiện có số lượng tiền lớn, yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền để mua giấy chứng nhận khoản tiền trong bưu phẩm không vi phạm pháp luật...
Dù cơ quan công an, báo chí cảnh báo thường xuyên nhưng mỗi năm vẫn có rất nhiều nạn nhân đến công an địa phương trình báo bị lừa. Cá biệt, tháng 4.2019, Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố 5 bị can về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, với hành vi lừa đảo như trên; khi bị bắt, công an thu giữ tại chỗ ở của các bị cáo nhiều giấy chuyển tiền từ VN về Nigeria với số tiền trên 100 tỉ đồng... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.