'Chiêu' để sinh viên chọn nhà trọ

Lê Thanh
Lê Thanh
11/09/2020 07:05 GMT+7

Sinh viên ngoại trú nào cũng mong tìm được nơi an toàn để an tâm ở trọ. Nhưng cách để nhận biết nhà trọ an toàn, không phải sinh viên nào cũng biết...

Né “bà hỏa”

Cuối tháng 7.2020, một vụ cháy phòng trọ sinh viên (SV) xảy ra ở đường liên phường (KP.6, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM). Ngọn lửa bùng phát dữ dội từ một phòng trọ SV khiến toàn bộ đồ đạc của SV bị cháy rụi, lan sang phòng trọ khác. May mắn, sau đó được lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Q.9 ứng cứu kịp thời, nhiều SV được giải thoát.
Vụ việc này đã được giới SV chia sẻ rất nhiều trên các hội, nhóm. Kèm theo đó là những trạng thái hốt hoảng, lo sợ, cảnh báo nhau coi chừng “bà hỏa” tấn công các khu trọ SV.
Chính vì thế, theo Trần Thùy Như, SV Trường CĐ Mẫu giáo T.Ư 3, một nhà trọ an toàn cần phải được trang bị đầy đủ hệ thống PCCC.
“Mỗi lần đi thuê nhà trọ, mình hay để ý nhà trọ ấy có dán những cảnh báo PCCC hay bình cứu hỏa hay không. Cho dù giá thuê có rẻ, nhưng không đảm bảo điều kiện PCCC thì mình cũng không thuê”, Như chia sẻ.
Còn Huỳnh Anh Tuấn, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết giới SV hay tự nấu ăn. Phòng trọ có bếp gas, bình gas mini… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn. “Vậy nên nếu chọn nhà trọ có trang bị thiết bị chữa cháy mới an toàn, để có tình huống xấu xảy ra thì cũng có thể ứng phó kịp thời”, Tuấn nói.
Hoàng Văn Quý, SV Trường ĐH Gia Định, cho biết việc cháy nổ trong phòng trọ xảy ra cũng có thể vì nguyên nhân chập điện. “Khi thuê phòng, cần khảo sát kỹ hệ thống đường điện trong nhà trọ. Nếu thấy cũ kỹ quá, thấy dây điện, ổ điện hở, bong tróc... thì có thể từ chối thuê, hoặc yêu cầu chủ nhà trọ thay ngay trước khi nhận phòng”, Quý chia sẻ.

Tránh “đạo chích”

Một trong những nỗi ám ảnh nhất của giới SV là nạn trộm cắp lộng hành ở các khu trọ. Nguyễn Đại Hưng, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể lại cách đây không lâu, khu trọ đang ở trên đường Lê Văn Chí bị trộm đột nhập. “Chỉ một đêm mà phòng trọ mình ở mất hết tài sản giá trị, từ máy tính xách tay, điện thoại cho đến ví tiền, ba lô...”, Hưng kể.
Theo Hưng, việc mất mát tài sản, nhất là những đồ vật có giá trị như xe máy, máy tính xách tay, giấy tờ tùy thân... dễ khiến SV mất tinh thần, không thể tập trung cho việc học. Hưng cho rằng “an cư mới... học tốt được. SV khi thuê phòng trọ cần phải chú trọng tìm nơi an toàn, có gắn hệ thống camera để phòng ngừa tối đa chuyện mất trộm”.
Đỗ Đức Mạnh, SV Trường CĐ Cao Thắng, nói: “Khi thuê phòng, SV thường hay chọn những nhà trọ giá rẻ rồi mặc kệ, không đoái hoài đến vấn đề an ninh. Nhưng theo mình, dù giá thuê có đắt hơn 200.000 - 300.000 đồng thì cũng có thể chấp nhận được. Miễn sao nhà trọ ấy an ninh, có tường rào, cổng ngõ kiên cố, có gắn camera...”.
Trần Anh Tuấn, bạn học của Mạnh, nói thêm: “Khi ở trọ, cũng cần đoàn kết với các phòng bên cạnh để có thể nhờ họ để ý phòng trọ lúc mình đi vắng. Hoặc mỗi khi có người lạ luẩn quẩn trong khu trọ, nhìn nghía phòng trọ... thì đề cao cảnh giác, báo động với nhau, báo cho chủ nhà trọ. Từ đó, có thể hạn chế thấp nhất việc bị trộm cắp”.

Rời xa cạm bẫy

Trong những năm đầu học đại học, Nguyễn Hoàng Huy, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trọ ở đường D2 (Q.Bình Thạnh), cách trường học chưa đầy 500 m. Nhưng đến năm 3, Huy quyết định thuê trọ ở “tuốt” bên đường Trần Phú (Q.5). Lý do là: “Lúc đó gần nhà trọ mình nhiều quán internet quá. Sau giờ học, mình không thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ các quán ấy, nên hay ghé đến để “cày game”. Thế là lực học ngày càng giảm sút. Mình hoảng quá, phải chuyển phòng. Tìm hoài mới ra khu không có quán internet”.
Theo Huy, việc nói không với game chủ yếu do ý chí của mỗi người. Tuy nhiên, nếu chọn phòng trọ mà xung quanh không có quán game, việc hạn chế chơi game dễ dàng hơn rất nhiều. Nhất là với SV, những người trẻ thường có xu hướng lựa chọn game để giải trí.
Cùng quan điểm, Nguyễn Hoàng Tuyển, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng có chiêu chọn nhà trọ để an toàn với bản thân, giúp tránh xa những cạm bẫy. Đó là không chọn nhà trọ gần các quán karaoke, vì vừa bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, những bát nháo, vừa giúp bản thân không tốn thời gian vào việc say sưa hát karaoke ở quán. Bên cạnh đó, còn phải “né” những nơi gần các điểm ghi lô đề, game bắn cá... để tránh bị sa lầy vào những trò đỏ đen.
Đừng quên đăng ký tạm trú
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay giới SV thường quên đăng ký tạm trú khi thuê phòng trọ. Điều này có thể dẫn đến những rắc rối khi xin giấy xác nhận của địa phương mỗi khi cần xin việc làm, bổ túc hồ sơ... Thế nên, mỗi khi thuê phòng, cần liên hệ chủ nhà trọ hoặc cảnh sát khu vực, công an phường để đăng ký tạm trú, vì đây là cách tuân thủ pháp luật, đồng thời được hưởng các quyền và nghĩa vụ theo luật Cư trú.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.