NHÌN LẠI “TAO ĐÀN” CHIÊU ANH CÁC:

Chiêu Anh các và sự ra đời của thi đàn Hà Tiên

19/03/2024 07:19 GMT+7

Năm 1735, Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu qua đời. Con trai ông là Mạc Thiên Tứ nối tiếp sự nghiệp. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, Mạc Thiên Tứ đã đưa Hà Tiên vào một giai đoạn thịnh đạt cả về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa. Lần đầu tiên trên vùng đất mới, hoạt động sáng tác văn chương cũng như in ấn, truyền bá sách vở chữ Hán trở nên sôi động.

Vùng duyên hải Hà Tiên biến thành một trung tâm văn hóa, được ví như "trời Châu, đất Lỗ" của phương Nam. Tâm điểm của sinh hoạt văn chương Hà Tiên - theo nhà nghiên cứu Đông Hồ Lâm Tấn Phác - chính là "tao đàn Chiêu Anh các". Một trăm năm đã trôi qua kể từ khi Đông Hồ đề xướng khái niệm này, nhưng vẫn còn nhiều điều bàn cãi và những phát hiện mới mẻ về hoạt động của "tao đàn Chiêu Anh các".

Chiêu Anh các - trung tâm giáo dục Nho học Hà Tiên

Chiêu Anh các và sự ra đời của thi đàn Hà Tiên- Ảnh 1.

Hoạt động kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh các năm 2024 ở Hà Tiên

Hà Tấn Tài

Về bối cảnh ra đời của Chiêu Anh các, Đông Hồ muốn gắn chặt nó với cuộc gặp mặt với thương nhân kiêm văn nhân Trần Trí Khải đầu năm 1736. Nhưng các tài liệu lịch sử lại đưa ra cách nói khác hẳn. Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh (hoàn thành năm 1818) cũng như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (hoàn thành năm 1820) đều xác nhận rằng Chiêu Anh các được Mạc Thiên Tứ xây dựng ngay khi mới cầm quyền. Vũ Thế Dinh, một người từng được Mạc Thiên Tứ bảo dưỡng, cho biết ông dựng Chiêu Anh các "để thờ tiên thánh". Tiên thánh ở đây là chỉ Khổng Tử. Hoàng triều văn hiến thông khảo được biên soạn dưới thời Càn Long nhà Thanh cũng có nhắc đến việc tại Hà Tiên: "Trong nước có dựng miếu Khổng Tử. Vương cùng người trong nước đều kính lễ".

Chiêu Anh các là một "Văn Miếu" tại Hà Tiên. Vì vậy, nó cũng đi kèm vai trò là trung tâm giáo dục. Trịnh Hoài Đức cho biết Mạc Thiên Tứ "dựng Chiêu Anh các, mua sách vở, ngày ngày cùng chư Nho giảng luận". Hoàng triều văn hiến thông khảo cũng nhắc việc ở Hà Tiên "có nhà nghĩa học, tuyển con em trong nước mà có tài trí cùng với người nghèo không thể lo đủ thức ăn vào đó, để làm huyền tụng. Trong xứ ấy nếu có người Hán ở làm thuê mà có thể đọc hiểu nghĩa văn thì đề bạt làm thầy dạy. Con em đều răm rắp học theo".

Chiêu Anh các là một trung tâm giáo dục. Vì vậy, nó cũng đảm nhận vai trò một cơ quan in ấn và lưu trữ thư tịch. Điều này thấy rõ trong lời của Trịnh Hoài Đức. Năm 1820, trong lúc làm quan ở Huế, Trịnh Hoài Đức phát hiện tập Lư Khê nhàn điếu của Mạc Thiên Tứ. Trong tập ấy có đề "Bính Thìn, trọng xuân nguyệt thuyên, Chiêu Anh các tàng bản" (Khắc in vào tháng trọng xuân - tức tháng 3; Chiêu Anh các giữ ván in). Điều này cho thấy rõ rằng chỉ một năm sau khi Mạc Thiên Tứ nối nghiệp cha mình, việc khắc ván in sách đã được thực hiện ngay tại Hà Tiên. Nơi tàng trữ các ván in ấy chính là Chiêu Anh các. Điều này tương tự với chức năng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Chúng đều là trung tâm giáo dục, đồng thời là nơi lưu trữ ván in và in ấn các sách vở phục vụ học tập. Chính Trịnh Hoài Đức vào lúc thành đồng (20 tuổi) đã chính mắt nhìn thấy sáu bộ sách do Hà Tiên khắc in và cho lưu hành. Trong đó có năm tựa sách thuộc thể loại thi văn và một tựa Cách ngôn vựng tập. Điều đáng nói là vai trò trung tâm văn hóa, giáo dục của Chiêu Anh các gần như bị che lấp hoàn toàn. Hậu thế nhắc đến Chiêu Anh các như là một tao đàn, nơi các văn nhân gặp gỡ và sinh hoạt văn chương.

Chiêu Anh các và sự ra đời của thi đàn Hà Tiên- Ảnh 2.

Thạch Động - một cảnh trong Hà Tiên thập vịnh

tư liệu của tác giả

Cuộc gặp gỡ với Trần Trí Khải và sự ra đời Hà Tiên thập vịnh

Mùa xuân năm Bính Thìn (1736), Mạc Thiên Tứ cho khắc in tập Lư Khê nhàn điếu - tên thường gọi là Minh Bột Di Ngư. Cũng mùa xuân năm đó, một thương nhân kiêm văn nhân người Quảng Đông là Trần Trí Khải theo thuyền biển tới Hà Tiên. Trong thời gian ở đây, Trần Trí Khải có dịp giao lưu xướng họa với Mạc Thiên Tứ. Đây là một sự kiện quan trọng đối với lịch sử văn học Hà Tiên.

Đông Hồ Lâm Tấn Phác cho rằng chính cuộc gặp gỡ với Trần Trí Khải là động lực để Mạc Thiên Tứ thành lập "tao đàn Chiêu Anh các". Mạc Thiên Tứ ngỏ ý với Trần Trí Khải về "ý định khai hội tao-đàn, dựng văn-miếu, mở nhà nghĩa-học" rồi "giao cho Trần Trí-Khải tổ-chức hội thơ".

Sinh hoạt đầu tiên của hội tao đàn này chính là việc xướng họa thơ về mười cảnh đẹp của Hà Tiên, thường gọi là Hà Tiên thập vịnh. Theo Lê Quý Đôn, số văn nhân họa thơ ngoài Mạc Thiên Tứ còn có 25 người Bắc quốc (tức nhà Thanh) và 6 người Nam quốc. Ngoài ra, Mạc Thiên Tứ còn cùng các nhân sĩ xướng họa về cảnh bốn mùa ở Thụ Đức Hiên. Thụ Đức Hiên cũng là nơi Mạc Thiên Tứ đề tựa cho sách Hà Tiên thập vịnh. Đó chắc hẳn là thư phòng của Mạc Thiên Tứ. Số thi nhân họa thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh tổng cộng có 32 người. Tính gộp hai tập thơ thì có 63 người tham gia họa thơ cùng Mạc Thiên Tứ.

Số lượng thi nhân đông đảo và thi phẩm đồ sộ đó cho phép Đông Hồ Lâm Tấn Phác nói về một tao đàn hoạt động ở Hà Tiên. Đông Hồ gọi đó là tao đàn Chiêu Anh các. Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất nhiều người có tên trong "tao đàn" ấy chưa từng đến Hà Tiên. Làm thế nào họ có thể là thành viên của "tao đàn" kia được? (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.