'Chiết khấu bán lẻ xăng dầu 0 đồng là áp bức doanh nghiệp'

21/09/2022 14:10 GMT+7

Doanh nghiệp đầu mối đang để mức chiết khấu xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ 0 đồng thì đấy là sự áp bức, không bình đẳng đối với các cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp tham gia cung ứng xăng dầu đến người tiêu dùng .

Đó là ý kiến chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tại buổi tọa đàm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21.9 tại Hà Nội.

Theo bà Hường, trong chuỗi xăng dầu trên cả nước hiện có 17.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó hệ thống của Petrolimex từ 2.500 - 2.700 cửa hàng, các doanh nghiệp khác có hơn 1.000 cửa hàng. Còn lại trên 13.000 cửa hàng là cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trực tiếp tham gia bán lẻ xăng dầu cho người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh mức chiết khấu 0 đồng từ các doanh nghiệp đầu mối khiến họ càng bán càng lỗ nặng, nguy cơ phá sản

Ngọc Thắng

Nếu xét về lý thuyết kinh tế, ai làm chủ chuỗi phân phối, người đó làm chủ thị trường thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu hiện nay đang làm chủ chuỗi phân phối nhưng không làm chủ được thị trường. Thực tế, doanh nghiệp bán lẻ đang chịu thiệt hại lớn nhất trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Bà Hường cho biết, trong thời gian dài vừa qua, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang để chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ ở mức 0 đồng thì đấy chính là sự áp bức, không bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

“Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chúng tôi ở cuối chuỗi nhưng không có quyền đưa ra mức chiết khấu của mình, không có quyền đòi hỏi, chỉ trông chờ sự hào sảng của các doanh nghiệp đầu mối để họ chia sẻ. Chúng tôi chưa được quyền quyết định chi phí này”, bà Hường nói.

Cũng tại hội nghị, bà Hường thẳng thắn bày tỏ quan điểm liên quan đến câu chuyện được nhắc nhiều trên truyền thông vừa qua, các cây xăng nghỉ bán hàng, găm hàng để trục lợi.

Bà Hường bày tỏ quan điểm về sự bất bình đẳng khi doanh nghiệp đầu mối chiết khấu 0 đồng

phan hậu

Theo bà Hường, đối với cửa hàng xăng dầu hiện nay, sức chứa tối đa 3 bể chứa tổng 75 m3, theo tính toán thì lượng tích trữ bình quân của tháng chỉ khoảng 40%. Bởi hàng cứ nhập về buổi sáng thì chiều lại bán vơi và giả sử có găm được 40% thì là lợi cũng không được bao nhiêu. Trong khi đó, găm hàng là rất rủi ro, nếu cơ quan quản lý thị trường kiểm tra mà phát hiện, xử phạt sẽ bị rút giấy phép kinh doanh xăng dầu.

“Truyền thông cứ nói là cửa hàng găm hàng trục lợi nhưng mà chúng tôi chỉ được hưởng một phần chiết khấu từ doanh nghiệp đầu mối thôi. Nếu chúng tôi được lợi 1 thì họ được lợi 10, thì ai mới là người được hưởng lợi trong việc găm hàng này. Đối với doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi, giấy phép kinh doanh còn giá trị hơn cả sổ đỏ, sợ nhất là bị rút giấy phép kinh doanh. Các doanh nghiệp bán lẻ không có khả năng găm hàng xăng dầu mà nếu có găm hàng, bị rút giấy phép thì thiệt hại còn lớn gấp nhiều lần”, bà Hường nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.