Chiến tranh tiền tệ bùng nổ

Thu Thảo
Thu Thảo
22/07/2018 10:46 GMT+7

Đây là nhận định của một số chuyên gia giỏi nhất trong thị trường ngoại hối có 5.100 tỉ USD giá trị giao dịch mỗi ngày.

Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa viết trên Twitter hôm 20.7, cáo buộc Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) “thao túng để tiền tệ lãi suất thấp hơn”. Ông Trump đăng tải nội dung trên sau khi nhân dân tệ (CNY) giảm giá xuống dưới mức 6,8 CNY đổi được 1 USD lần đầu tiên trong một năm, trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) không có nhiều động thái cho thấy họ can thiệp để chặn đà giảm. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính phủ Mỹ đang theo dõi chặt chẽ xem liệu Trung Quốc có thao túng tiền tệ hay không, theo Reuters.
Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mở ra mặt trận mới trong mối quan hệ ngày càng sóng gió giữa họ, hãng tin Bloomberg nhận định hậu quả có thể lớn, và ảnh hưởng đến không chỉ tiền tệ Mỹ và Trung Quốc. Mọi thứ từ chứng khoán, dầu thô đến tài sản thị trường mới nổi đều có nguy cơ bị thiệt hại vì Bắc Kinh và Washington đang đe dọa trật tự tài chính toàn cầu hiện thời.
Jens Nordvig, chiến lược gia tiền tệ hàng đầu Phố Wall, cho hay: “Rủi ro thực sự là chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi toàn diện về hợp tác thương mại và tiền tệ toàn cầu, và điều này sẽ không tốt đẹp. Những gì ông Trump nói trong 24 giờ qua chắc chắn chuyển tình hình từ cuộc chiến thương mại sang cuộc chiến tiền tệ”.
Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ vào năm 2015 có thể là hình mẫu dự báo cho những gì sắp diễn ra, theo chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện tài chính quốc tế kiêm cựu chiến lược gia tiền tệ tại Goldman Sachs, ông Robin Brooks. Các tài sản rủi ro và giá dầu có thể giảm khi lo ngại về tăng trưởng lên cao, tác động đặc biệt mạnh đến nội tệ của các nước xuất khẩu các loại hàng hóa, chẳng hạn như rúp Nga, peso Colombia, ringgit Malaysia, trước khi lan đến các đồng tiền còn lại của châu Á.
“Các ngân hàng trung ương châu Á lúc đầu sẽ cố gắng chặn chuyện nội tệ yếu bằng các biện pháp can thiệp. Song sau đó, các ngân hàng trung ương châu Á sẽ lùi bước, tôi cho rằng các đồng tiền thể hiện kém hơn hẳn trong sáu tháng tới sẽ là nội tệ của các nền kinh tế mới nổi châu Á”, ông Brooks cho hay.
Theo ông Nordvig, việc liệu PBOC có cố gắng neo tỷ giá CNY/USD ở mức 6,8 USD để tránh căng thẳng leo thang hay không là chìa khóa. Chuyên gia này cho rằng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi có thể tham gia vào tình hình căng thẳng hiện giờ trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 26.7 sắp tới, vì nỗ lực đưa ra tuyên bố để kéo USD đi xuống của Mỹ hồi tháng 1 là rất không phổ biến tại Frankfurt.
Chỉ số Bloomberg Dollar giảm 0,8% hôm 20.7, giảm mạnh nhất từ tháng 3. EUR kết thúc ngày 20.7 tăng 0,7% lên 1 EUR đổi được 1,1724 USD. Yen Nhật thì tăng 1%.
“Không nghi ngờ gì, nội tệ yếu hơn sẽ tạo lợi thế thiếu công bằng cho họ. Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận xem họ có thao túng tiền tệ hay không”, ông Mnuchin nói về Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận khi được báo giới hỏi rằng liệu Mỹ có đang bắt đầu một cuộc chiến tiền tệ hay không.
USD có thể tiếp tục bị tác động vì giới đầu tư sẽ chú ý đến ông Trump và tránh các khoản cược USD tăng giá, theo chiến lược gia giao dịch ngoại hối Credit Suisse Shahab Jalinoos. Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác là những nhân vật tích cực nhất về USD từ tháng 2.2017, theo số liệu được Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) đưa ra hôm 17.7.
“Hiện tình hình được Tổng thống Mỹ xác định gần như là một cuộc chiến tiền tệ, vì ông nói rõ rằng các nước khác đang thao túng tỷ giá vì nhiều mục đích cạnh tranh. Các bình luận phản đối lập luận trên có thể sẽ buộc thị trường giảm các khoản cược USD tăng giá”, ông Jalinoos nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.