Chiến tranh mạng gây hậu quả khôn lường

02/08/2016 06:28 GMT+7

Ngày 1.8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tổ đại biểu đơn vị bầu cử số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri Q.1, Q.3.

Chia sẻ lo lắng của cử tri về việc tin tặc xâm nhập, tấn công hệ thống mạng của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhìn nhận: “Hiện nay cả an ninh mạng, lẫn chiến tranh mạng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. Giữ vững chủ quyền quốc gia không chỉ là giữ vững vùng trời, vùng đất, vùng biển mà còn là nhiệm vụ giữ vững không gian mạng. Nếu xảy ra chiến tranh mạng thì hậu quả khôn lường”. Ông nói thêm: “Vừa qua xảy ra một số sự cố như cử tri phản ánh cũng xuất phát từ việc chúng ta còn chủ quan. Thời gian qua, chúng tôi cũng đi kiểm tra, cũng đã cảnh báo cho các cơ quan đó rồi. Thậm chí trong quá trình khảo sát, kiểm tra phát hiện lỏng lẻo, chúng tôi đã cảnh báo, yêu cầu tăng cường các giải pháp an ninh mạng, nhưng cảm giác của các cơ quan của chúng ta vẫn còn ở đâu đâu”.
Hiện nay cả an ninh mạng, lẫn chiến tranh mạng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. Giữ vững chủ quyền quốc gia không chỉ là giữ vững vùng trời, vùng đất, vùng biển mà còn là nhiệm vụ giữ vững không gian mạng. Nếu xảy ra chiến tranh mạng thì hậu quả khôn lường
Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Theo Chủ tịch nước, “lỗ hổng” về an ninh mạng ở nước ta hiện nay không hề nhỏ. VN là một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của tội phạm mạng. Chủ tịch nước khẳng định sẽ trực tiếp tham gia vào công tác chỉ đạo bảo vệ an ninh, an toàn mạng, cũng như phòng ngừa và chủ động tấn công tội phạm mạng. “Tôi cho rằng ngày nay thế giới kết nối, ngay cả lãnh đạo, chỉ huy bây giờ không thể chỉ đạo, chỉ huy theo cách cũ được, mà phải tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn các nguy cơ tấn công từ tội phạm mạng”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Liên quan đến nội dung phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Chúng ta phải dấy lên phong trào trong toàn xã hội nói không với tham nhũng, lãng phí; lên án gay gắt quốc nạn này. Mọi cán bộ, công chức, trước tiên là cán bộ lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị nêu gương về đạo đức, lối sống liêm chính, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật, trọng danh dự, làm để một tiếng tốt cho đời”.
“Với tư cách từng là Bộ trưởng Công an, từng trực tiếp chỉ đạo điều tra xử lý nhiều vụ “đại án”, nói thật với các đồng chí, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh đầy cam go, đòi hỏi phải có bản lĩnh, có sự quyết tâm rất cao”, ông chia sẻ.
Trước nỗi lo nợ công của VN tăng rất nhanh những năm qua, áp lực trả nợ cũng rất lớn, trong khi hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay chưa thật sự hiệu quả; đặc biệt là phải hết sức thận trọng khi vay vốn Trung Quốc, Chủ tịch nước khẳng định: “Vừa qua tôi yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán các khoản chi tiêu ngân sách, vay vốn nước ngoài, trong đó có vốn ODA để xem trong chi tiêu như vậy có khoản nào thật sự không cần thiết hay không để chấn chỉnh, khoản nào mình cần phải vay nữa và phương án trả ra sao”.
Khi cử tri chất vấn về sự cố cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, Chủ tịch nước nhìn nhận Formosa xả thải độc hại ra môi trường là sự cố rất nghiêm trọng, hủy hoại môi trường sống của chúng ta, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài. “Đã có chỉ đạo kiểm điểm lãnh đạo địa phương, kể cả lãnh đạo bộ ngành với tinh thần bất kể ai, bất kể tổ chức và cá nhân nào có liên quan đến sai phạm đó đều phải bị xử lý nghiêm minh”, ông khẳng định.
Ngày 1.8, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao, có cuộc tiếp xúc cử tri tại tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 4 với cử tri Q.5. Tại buổi tiếp xúc, ông Lê Minh Trí chia sẻ vừa qua Quốc hội đã quyết định cho lùi thời gian áp dụng của bộ luật Hình sự là do những thiếu sót của luật, cũng là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người dân. “Tuy nhiên, tất cả những quy định có lợi cho dân được quy định trong bộ luật này vẫn được áp dụng”, ông Trí nói.
Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.