Chiến thắng đấu giá đầu tiên - chiếc xe kéo tay vua Thành Thái tặng mẹ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/11/2022 07:08 GMT+7

Việc đấu giá thành công, đưa xe kéo tay vua Thành Thái tặng mẹ về nước là một kỳ tích.

Gay cấn từ đầu đến cuối

Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã có vụ mua bán “mẫu mực” để mở đầu việc đấu giá đưa cổ vật Việt ở nước ngoài về nước. Đó là việc đưa chiếc xe kéo tay vua Thành Thái tặng mẹ trở về. Theo đó, ngày 13.6.2014, đại diện trung tâm đã đấu giá thành công chiếc xe kéo này tại phiên đấu giá diễn ra ở Văn phòng Rouillac (Pháp). Mức giá cuối cùng khi đó của trung tâm là 45.000 euro, sau khi cộng thêm phần lệ phí đấu giá thành 55.800 euro, tương đương 1,3 tỉ đồng ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, do chiếc xe rất quý nên ngay sau phiên đấu giá, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris) tuyên bố nhà nước Pháp đề nghị mua lại chiếc xe này với cùng mức giá. Đề nghị được đưa ra theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại. Phía VN sau đó đã có quá trình vận động ngoại giao để Bộ Văn hóa Pháp đồng ý không cạnh tranh mua cổ vật chiếc xe kéo mà hoàng thái hậu Từ Minh từng sử dụng, vốn do vua Thành Thái tặng mẹ. Guimet cũng là bảo tàng lưu giữ nhiều bảo vật của VN mà người Pháp đã mang về.

Chiếc xe kéo

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

Phải tới ngày 5.4.2015, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mới chính thức công bố việc đấu giá thành công chiếc xe kéo tay của hoàng thái hậu. Nhà quản lý cũng công bố việc đưa xe về Hoàng thành Huế, góp mặt với các hiện vật khác trưng bày để giúp công chúng hiểu hơn về đời sống trong cung đình triều Nguyễn. Tính đến thời điểm Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mua được, chiếc xe đã có hơn 100 năm thất lạc.

Trước đó, xe bị bán cho Prosper Jourdan, một người Pháp là đội trưởng đội hộ vệ hoàng cung, thời điểm bán là sau khi vua Thành Thái bị truất ngôi. Ông này sau đó đưa chiếc xe cùng một số đồ quý khác về Pháp, giữ trong nhà. Gia đình ông Prosper Jourdan sau đó đã ủy nhiệm cho nhà đấu giá Rouillac đấu giá xe.

Nhưng cuộc trở về này còn chưa xuôi chèo mát mái ngay. Chiếc xe sau đó đã bị “giam” tại hải quan, dù trung tâm đã có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan miễn thuế. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ứng tiền để nộp thuế, mang xe về cố đô. Ngày 17.4.2015, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế làm công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn thuế giá trị gia tăng cho hiện vật này với số tiền phải nộp khoảng 129 triệu đồng. Lý do tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa ra là việc đấu giá đưa xe từ Pháp về VN nhằm bảo lưu bảo vật quý, phục vụ quảng bá văn hóa Huế và VN, không phải vì thương mại. Mặc dù vậy, văn bản đã bị “ngâm” khoảng 2 tháng, sau đó Bộ Tài chính trình Chính phủ miễn thuế cho chiếc xe này.

Chiếc xe khảm xà cừ tinh xảo đẹp nhất VN

Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khi đó, ông Phan Thanh Hải, đánh giá đây là chiếc xe kéo thuộc hàng đẹp nhất VN, có khảm xà cừ tinh xảo do nhóm nghệ nhân của làng nghề nổi tiếng miền Bắc thực hiện công phu. Bên cạnh đó, xe còn quý giá vì gắn liền với các nhân vật lịch sử, phản ánh một giai đoạn lịch sử quan trọng - triều đại phong kiến cuối cùng ở VN.

Bìa hồ sơ về chiếc xe kéo

Mặc dù vậy, sau khi xe về cố hương, được trưng bày tại cố đô Huế, đã có những ý kiến tỏ ra nghi ngại về giá trị thực của chiếc xe. Liệu đó có thực là xe của hoàng gia hay không khi thiếu các dấu hiệu hoàng gia trên đó, chưa kể hoa văn khảm trai lại có vẻ đã được Âu hóa. Có người cho rằng đây nhiều khả năng là xe của một người nước ngoài đặt làm chứ không phải xe của người Việt. Ý kiến khác lại cho rằng đây là xe của quan lại chứ không phải xe của hoàng tộc do không có hình chim phượng, và cũng không sơn son thếp vàng.

Về những nghi vấn này, ông Phan Thanh Hải cho biết các cán bộ của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và các nhà nghiên cứu rất yên tâm về căn cứ pháp lý cũng như khoa học của hiện vật. Chiếc xe có hồ sơ rõ ràng, được lập từ năm 1907, thời điểm vua Thành Thái bán xe. Trong hồ sơ còn có cả tờ giấy bán viết tay của vua Thành Thái bằng chữ quốc ngữ, chứng minh nó là đồ vật thuộc sở hữu của nhà vua. Nhà đấu giá Rouillac là một nhà đấu giá cổ vật chuyên nghiệp có uy tín trên thế giới. Khi có ý định tham gia đấu giá, trung tâm đã tham vấn ý kiến chuyên gia hàng đầu, họ đều xác định đây là cổ vật triều Nguyễn, có giá trị cao và nên mua.

Ông Hải cũng so sánh chiếc xe với những hình ảnh xe kéo từng sử dụng đầu thế kỷ 20 của vua Khải Định, vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, thái tử Bảo Long... Những chiếc xe hoàng gia kia đều có hình thức đơn giản, không có trang trí rồng phụng hay các dấu ấn hoàng gia. Theo ông Hải, xe kéo là phương tiện tân thời lúc đó. Chiếc xe này thậm chí còn là một trong những chiếc xe đầu tiên sản xuất trong nước. Nó không nằm trong điển chế của triều Nguyễn (như mũ, áo, võng lọng, kiệu, cáng...) nên việc không trang trí phượng theo truyền thống là điều có thể hiểu được. Bên cạnh đó, trung tâm cũng có một số đồ dùng trong cung có trang trí tương đồng với xe kéo. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.