Chiến sự Ukraine ngày 215: Nga gấp rút huấn luyện binh sĩ được động viên?

Khánh An
Khánh An
27/09/2022 05:30 GMT+7

Phía Ukraine cho rằng Nga tổ chức huấn luyện tại Crimea cho các binh sĩ mới được động viên, trong khi một số bên cho rằng nhiều tân binh Nga ra tiền tuyến nhưng chưa được chuẩn bị sẵn sàng.

Một binh sĩ dự bị chia tay người thân tại vùng Rostov (Nga) để đến căn cứ sau khi được động viên

afp

Trang Kyiv Independent ngày 26.9 đưa tin Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết giới chức do Nga lập ra bắt đầu huấn luyện các binh sĩ vừa nhập ngũ tại thành phố Sevastopol ở Crimea, đồng thời bắt đầu triệu tập một số người ở tỉnh Luhansk.

Báo cáo tình báo quân sự của Anh cũng cho rằng đợt binh sĩ đầu tiên sau khi Nga động viên một phần đã bắt đầu đến các căn cứ quân sự. Bộ Quốc phòng Anh cho rằng nhiều người trong số đó đã đến tiền tuyến “với rất ít sự chuẩn bị liên quan”.

Xem nhanh: Ukraine, châu Âu nói ông Putin không đùa về vũ khí hạt nhân

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW-Mỹ) cho rằng lực lượng vũ trang Nga chưa chuẩn bị sẵn cho đợt động viên quy mô lớn một cách hiệu quả ít nhất kể từ năm 2008.

Cụ thể, họ đã không xây dựng lực lượng dự bị cần thiết để động viên nhanh nhằm tạo hiệu ứng tức thời trong chiến sự, và điều này không thể sớm được khắc phục.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trước đó cho hay nước này động viên một phần nhằm huy động 300.000 binh sĩ dự bị để bổ sung lực lượng.

Trong khi đó, Ukraine tiếp tục đẩy mạnh phản công tại nhiều nơi. Bộ Tư lệnh chiến dịch miền nam Ukraine cho hay lực lượng nước này phá hủy 5 kho đạn, 3 xe tăng, 1 khẩu pháo tự hành, 5 xe bọc thép và tiêu diệt 43 binh sĩ Nga ở miền nam. Ngoài ra, phía Ukraine còn bắn hạ một chiếc Su-25 và một trực thăng Mi-8 của Nga.

Tỉnh trưởng Kharkiv Oleh Syniehubov cho hay hỏa lực của Nga khiến 3 người thiệt mạng và 11 người bị thương ở Donetsk.

Trong khi đó, quan chức Elena Kravchenko đứng đầu ủy ban bầu cử do Nga lập ra tại thành phố Rubizhne (tỉnh Luhansk) cho biết phía Ukraine phóng 6 quả đạn pháo nhằm vào một trường học nơi có một điểm bỏ phiếu, nhưng chưa rõ thiệt hại, theo Sputnik. Hai bên chưa bình luận về những thông tin trên của đối phương.

Điện Kremlin nói không có quyết định đóng cửa biên giới trong bối cảnh lệnh động viên được ban bố

Nguy cơ hạt nhân

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đánh giá việc Tổng thống Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là có thật.

Trong bài phát biểu trước toàn dân liên quan lệnh động viên cục bộ hôm 21.9, ông Putin khẳng định mình “không nói ngoa” khi cảnh báo rằng Nga có thể cân nhắc sử dụng “các dòng vũ khí hủy diệt” để bảo vệ lãnh thổ.

“Có lẽ hôm qua chỉ là trò hù dọa, nhưng hôm nay có thể là sự thực”, ông Zelensky nói trên Đài CBS News. Tổng thống Ukraine tố cáo Nga đang sử dụng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia làm con tin để đe dọa cả thế giới.

Ông Zelensky trong ngày 26.9 cũng họp với các quan chức hàng đầu về quân sự và an ninh để bàn về kế hoạch đoạt lại các lãnh thổ đang do Nga kiểm soát.

Tổng thống Ukraine nói gì về viện trợ của Mỹ?

Theo AFP, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc lại lời kêu gọi thế giới bãi bỏ vũ khí hạt nhân. “Nhiều thập niên sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chúng ta lại nghe những lời đe dọa hạt nhân. Tôi muốn nói rõ rằng thời kỳ hăm dọa hạt nhân phải kết thúc”, ông phát biểu tại phiên đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong ngày 26.9, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo ngừng xuất khẩu các vật liệu có thể sử dụng trong hoạt động sản xuất vũ khí hóa học cho 21 tổ chức Nga, bao gồm các phòng thí nghiệm khoa học, theo AP.

Trong một diễn biến liên quan, Điện Kremlin cho hay vẫn duy trì liên lạc với Mỹ về vấn đề vũ khí hạt nhân, Reuters đưa tin. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc duy trì kênh đối thoại nhằm phục vụ cho các trường hợp cần trao đổi khẩn cấp giữa hai cường quốc hạt nhân.

Mỹ viện trợ 457,5 triệu USD cho Ukraine

Theo Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Mỹ sẽ hỗ trợ thêm 457,5 triệu USD viện trợ an ninh dân sự cho Ukraine.

Trong thông cáo, ông Blinken cho biết khoản viện trợ này nhằm giúp cơ quan tư pháp hình sự và thực thi pháp luật ở Ukraine “ghi nhận, điều tra và truy tố những sự tàn bạo của lực lượng Nga”.

Tổng thống Ukraine "sốc" khi Israel không cung cấp hệ thống phòng không Vòm sắt

Đợt hỗ trợ trên nâng tổng viện trợ của Mỹ cho các cơ quan thực thi pháp luật của Ukraine lên 645 triệu USD kể từ giữa tháng 12.2021.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas cho hay nước này đang cân nhắc viện trợ thêm 50 xe bộ binh M113 cho Ukraine.

IAEA nối lại đối thoại về nhà máy Zaporizhzhia

Ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay ông sẵn sàng nối lại thương thuyết với Ukraine và Nga trong tuần này liên quan đến việc thiết lập vùng an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York (bang New York) hồi tuần trước, ông Grossi đã tiếp xúc với các ngoại trưởng Nga và Ukraine về kế hoạch an ninh nhằm bảo vệ an toàn cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Lực lượng Nga và Ukraine liên tục tố cáo lẫn nhau đã dội pháo về phía nhà máy. Hôm 26.9, Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại IAEA, khẳng định nước này hiện không đặt bất kỳ đơn vị chiến đấu lẫn vũ khí hạng nặng ở nhà máy. Tại đây, Nga chỉ đang duy trì đội ngũ chuyên gia chịu trách nhiệm về an toàn phóng xạ và các đơn vị thuộc Vệ binh Quốc gia Nga.

Ukraine trưng bày các hệ thống tên lửa tại triển lãm quân sự ở Ba Lan

Nga chưa phong tỏa biên giới

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết vẫn chưa có quyết định về khả năng phong tỏa biên giới Nga trước làn sóng rời nước của những người ở độ tuổi phục vụ quân sự.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng thừa nhận một số lệnh động viên gửi đến nhầm người và vấn đề này sẽ được điều chỉnh.

AFP đưa tin hàng dài xe cộ tiếp tục diễn ra ở chốt biên giới giữa Nga và Mông Cổ hôm 25.9, trong lúc nhiều người tiếp tục rời nước sau lệnh động viên cho chiến trường Ukraine. Giới chức huyện Altanbulag thuộc tỉnh Selenge ở miền bắc Mông Cổ cho biết đã có hơn 3.000 người Nga nhập cảnh tại chốt biên giới này từ ngày 21.9.

Thượng nghị sĩ Sergei Tsekov của Hội đồng Liên bang Nga kêu gọi chính quyền Moscow hãy đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự rời nước.

Trong một diễn biến khác, Reuters đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26.9 ký quyết định trao quốc tịch cho cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đang tị nạn tại Nga.

Ông Snowden (39 tuổi) còn có thời gian làm việc cho các hãng công nghệ như Dell, Booz Allen Hamilton và phụ trách các hợp đồng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Năm 2013, Snowden tiết lộ cho báo giới hàng loạt thông tin mật về việc NSA bí mật do thám, nghe lén, theo dõi email, internet các lãnh đạo, người dân ở Mỹ, châu Âu và cả châu Á.

Tổ chức quân sự tư nhân Wagner Group dính líu gì ở Ukraine mà bị Anh cấm vận?

Lý do thành lập công ty lính đánh thuê Wagner

Ngày 26.9, doanh nhân Nga Yevgeny Prigozhin, người mà phương Tây xem là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, xác nhận đã sáng lập công ty an ninh tư nhân Wagner chuyên cung cấp lính đánh thuê cho nước ngoài.

Hãng AFP dẫn tuyên bố của công ty Wagner cho biết ông Prigozhin, 61 tuổi, là người sáng lập công ty với mục tiêu ban đầu là đưa các tay súng đến vùng Donbass của Ukraine vào năm 2014. Điện Kremlin chưa bình luận về thông tin này.

Đây là lần đầu tiên ông Prigozhin thừa nhận sự liên quan với Wagner, đồng thời xác nhận đã gửi các nhóm cung cấp an ninh, hay còn gọi là lính đánh thuê, đến khu vực Mỹ Latinh và châu Phi.

Vào đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cuối tháng 3 cáo buộc Nga đang sử dụng tổ chức quân sự tư nhân Wagner để đưa “lính đánh thuê” đến miền đông Ukraine.

Xem thêm: Nhân vật thân chính quyền Nga nói mở công ty lính đánh thuê Wagner vì Donbass

Xem thêm diễn biến chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.