Chiến sự Ukraine đến tối 17.9: ông Putin nêu rõ mục tiêu, ông Biden cảnh báo Nga

Văn Khoa
Văn Khoa
17/09/2022 19:00 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nêu mục tiêu chính của chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong khi Tổng thống Joe Biden cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả quốc tế nếu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh hôm nay 17.9 nhận định Ukraine tiếp tục tiến hành hoạt động phản công ở phía đông bắc trong khi các lực lượng Nga đã thiết lập tuyến phòng thủ giữa sông Oskil và thị trấn Svatove thuộc tỉnh Luhansk, cũng thuộc miền đông Ukarine.

Binh sĩ Ukraine ngồi trên xe chiến đấu bộ binh gần thành phố Izium trong tỉnh Kharkiv thuộc đông bắc Ukraine ngày 16.9

Reuters

“Nga có thể xem việc duy trì quyền kiểm soát khu vực này là quan trọng vì khu vực kết nối với một trong số ít các tuyến đường tiếp tế chính mà Nga vẫn kiểm soát từ tỉnh Belgorod của Nga. Nga có thể sẽ cố tiến hành một cuộc phòng thủ kiên cố ở khu vực này, nhưng không rõ liệu các lực lượng tiền tuyến của Nga có đủ nguồn dự trữ hoặc nhuệ khí để chống chọi với một cuộc phản công của Ukraine hay không”, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá trong bản cập nhật về tình hình chiến sự Nga-Ukraine.

Tổng thống Putin cảnh báo gì Ukraine trong cuộc họp báo mới nhất?

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định kế hoạch của chiến dịch quân sự ở Ukraine vẫn không thay đổi, theo Hãng tin TASS. Tổng thống Putin nhấn mạnh mục tiêu chính “là giải phóng toàn bộ lãnh thổ Donbass” thuộc miền đông Ukraine và “công việc này vẫn tiếp tục”. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine.

Xem thêm: Tổng thống Putin nhắn phương Tây: Cô lập Nga là điều không thể

Ukraine âm thầm đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí tiên tiến?

Tạp chí Politico ngày 16.9 loan tin Ukraine đang âm thầm theo đuổi các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm có được các loại vũ khí tiên tiến do Mỹ sản xuất, bao gồm hệ thống phòng không Patriot, máy bay chiến đấu F-16 và máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle. Dù Kyiv đã dừng yêu cầu công khai những loại vũ khí này, nhưng họ vẫn muốn có để chống lại chiến dịch quân sự của Nga.

Politico dẫn một số nguồn tin tiết lộ Ukraine và Mỹ “đang thảo luận về việc có nên gửi cả 3 mặt hàng này hay không khi các thỏa thuận tài trợ dài hạn đang được chốt lại”. Nguồn tin lưu ý các cuộc thảo luận đã giảm bớt, nhưng vẫn tiếp tục ở mức thấp.

NATO cạn kiệt kho dự trữ vũ khí vì Ukraine

Mỹ lâu nay từ chối các lời kêu gọi cung cấp 3 loại vũ khí trên, không chỉ vì lo ngại động thái này sẽ kích động Moscow, mà còn do những thách thức về bảo trì mà lực lượng của Kyiv sẽ phải đối mặt, theo Politico.

Xem thêm: Moscow phản ứng mạnh về việc Mỹ ‘khoe khoang’ hỗ trợ Ukraine chống lực lượng Nga

Tổng thống Biden cảnh báo Nga

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài CBS được xuất bản ngày 16.9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả quốc tế nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hóa học ở Ukraine.

Khi được hỏi sẽ nói gì với Tổng thống Putin “nếu ông ấy đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hóa học”, Tổng thống Biden trả lời: "Đừng. Bạn sẽ thay đổi cục diện chiến tranh không giống bất cứ thứ gì kể từ Thế chiến 2".

Trước đó, tại một hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 2.8, ông Alexander Trofimov, nhà ngoại giao cấp cao của Cục kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, bác bỏ điều mà ông cho là “những suy đoán hoàn toàn vô căn cứ, xa rời thực tế và không thể chấp nhận được rằng Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là ở Ukraine”, theo Reuters.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ngày 206, Tổng thống Putin đe dọa "phản ứng nghiêm trọng hơn" với Ukraine

Ông Trofimov tuyên bố Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga. “Không có kịch bản nào trong hai kịch bản giả định này phù hợp với tình hình ở Ukraine”, ông Trofimov phát biểu tại hội nghị nói trên.

Xem thêm: Nga nêu kịch bản dùng vũ khí hạt nhân

Tại sao nhiều quan chức Mỹ thất vọng về lệnh cấm vận áp đặt lên Nga?

Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ mới đây tiết lộ rằng họ thất vọng khi nhận thấy các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn dắt cho đến nay đã không có tác động lớn hơn đối với nền kinh tế Nga, theo CNN.

Nhiều quan chức Mỹ dự đoán những tác động nghiêm trọng nhất từ các lệnh cấm vận đối với nền kinh tế Nga có thể sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là vào đến đầu năm sau.

Trước đó, giới chức Mỹ được cho là hy vọng rằng các lệnh cấm vận sẽ nhanh chóng làm tê liệt bộ máy tác chiến của Nga ở Ukraine, khiến Điện Kremlin khó duy trì nỗ lực trên chiến trường và thậm chí có thể khiến dư luận chống lại chiến dịch quân sự ở Ukraine khi cuộc sống hằng ngày trong xã hội Nga trở nên khó khăn, theo CNN ngày 16.9.

Tại sao nhiều quan chức Mỹ thất vọng về lệnh cấm vận áp đặt lên Nga?

Thực tế, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với kết quả mà nhiều quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden mong đợi khi họ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow vào tháng 2.

Xem thêm: Tại sao nhiều quan chức Mỹ thất vọng về lệnh cấm vận áp đặt lên Nga?

Xem thêm các diễn biến liên quan chiến sự Nga-Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.