Chiến sự tối 22.5: Nga tháo gỡ bom mìn, Ukraine nói Bakhmut vẫn là ‘tâm chấn’

Khánh An
Khánh An
22/05/2023 18:48 GMT+7

Phía Nga cho biết đã bắt đầu tháo gỡ bom mìn ở Bakhmut, trong khi Ukraine cho biết thành phố vẫn là "tâm chấn" của xung đột.

Chiến sự tối 22.5: Nga tháo gỡ bom mìn, Ukraine nói Bakhmut vẫn là ‘tâm chấn’ - Ảnh 1.

Cảnh đổ nát ở Bakhmut vào ngày 21.5 sau nhiều tháng chiến sự khốc liệt ở thành phố miền đông Ukraine

REUTERS

Hãng TASS ngày 22.5 dẫn lời ông Denis Pushilin, quan chức thân Nga đứng đầu "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" (DPR) do Moscow hậu thuẫn cho hay chiến dịch sơ bộ nhằm tháo gỡ bom mìn đã bắt đầu tại thành phố Bakhmut.

"Tiến hành rà phá bom mìn cẩn thận, kỹ lưỡng là rất quan trọng đối với chúng tôi. Với quy mô của các hoạt động chiến đấu diễn ra ở đó, đây là một công việc rất khó khăn, vất vả", ông cho biết.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 452 có diễn biến gì nóng?

Bộ Quốc phòng Nga hôm 21.5 cho hay lực lượng nước này đã kiểm soát hoàn toàn Bakhmut, nhờ các đơn vị thuộc Công ty Quân sự tư nhân Wagner, với sự hậu thuẫn của các đơn vị pháo binh và máy bay của Nga.

Trong khi đó, tờ The Guardian ngày 22.5 đưa tin lực lượng vũ trang Ukraine cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn tại Bakhmut, sau khi giới chức Ukraine bác bỏ thông tin Nga kiểm soát hoàn toàn thành phố.

Quân đội Ukraine còn cho biết thêm rằng trong ngày qua, các lực lượng Nga "đã không thành công khi cố gắng giành lại các vị trí đã mất ở phía nam khu định cư Ivanivske" gần đó.

Reuters dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 22.5 cho biết lực lượng nước này vẫn đang tiến lên ở các bên sườn của thành phố Bakhmut, dù sức di chuyển đã giảm và Nga điều thêm lực lượng đến.

Bà Maliar nhắc lại rằng Ukraine vẫn còn một chỗ đứng nhỏ bên trong thành phố.

Tổng thống Zelensky: "Bakhmut vẫn còn trong tim"

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW-Mỹ), lực lượng lính đánh thuê Wagner dường như bị ảnh hưởng năng lực cho các hành động quân sự trong tương lai, sau khi giành kiểm soát ranh giới hành chính phía tây Bakhmut.

"Các lực lượng Nga có thể sẽ cần thêm quân tiếp viện để trấn giữ Bakhmut và các bên sườn của nó, với cái giá phải trả là ảnh hưởng hoạt động ở các hướng khác", theo ISW.

DPR có thể đối phó tên lửa tầm xa?

Theo ông Pushilin, năng lực phòng không của DPR có thể thích nghi nhanh chóng, nhất là đối với những cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Ukraine.

"Lực lượng phòng không của chúng tôi có thể thay đổi các thông số khá nhanh chóng, tìm ra những cách chống lại các cuộc pháo kích của Ukraine", ông trả lời Đài Rossiya-24 TV khi được hỏi về sự khó khăn trong việc ngăn chặn các tên lửa tầm xa và khả năng sẵn sàng của DPR.

Tên lửa Anh sẽ thay HIMARS của Mỹ về tầm quan trọng trong quân đội Ukraine?

Trước đó hôm 20.5, một quan chức DPR nói rằng lực lượng Ukraine đã tiến hành tấn công thành phố Mariupol, dường như dùng tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp.

Hai bên tiếp tục thiệt hại

Theo trang tin Kyiv Independent ngày 22.5, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho hay lực lượng pháo binh của nước này đã tấn công 5 khu vực tập trung của các binh sĩ Nga, 2 kho đạn, 3 đơn vị pháo binh tại điểm khai hỏa.

Ngoài ra, phía Nga còn bị tấn công tại 2 điểm kiểm soát, một hệ thống tác chiến điện tử, một hệ thống tên lửa phòng không và "một mục tiêu quan trọng khác".

Không quân Ukraine tiến hành 14 cuộc tấn công vào các điểm tập trung của binh sĩ và thiết bị Nga, cùng 7 cuộc tấn công vào các hệ thống tên lửa phòng không Nga. 

Ukraine đang phóng đại uy lực phòng không nước này?

Phía Ukraine còn cho biết trong vòng 24 giờ trước đó, Nga phóng 6 tên lửa, tiến hành 52 cuộc không kích và bắn 65 quả đạn pháo nhằm vào Ukraine.

Về phía Nga, TASS đưa tin lực lượng Nga phá hủy 2 kho đạn của Ukraine gần khu vực Andreyevka ở Donetsk.

Phát ngôn viên Vadim Astafyev của Nhóm tác chiến phía Nam của lực lượng Nga cho hay các cuộc tấn công của một đơn vị tên lửa thuộc nhóm này đã phá hủy các kho đạn của lữ đoàn cơ giới số 24 và lữ đoàn cơ giới số 54 của phía Ukraine.

Ông cho biết thêm, pháo binh Nga cũng đã tấn công vào địa điểm triển khai tạm thời của một tiểu đoàn thuộc nhóm Right Sector của quân đội Ukraine gần khu định cư Novgorodskoye.

Nga và Ukraine chưa bình luận về các thông tin trên của đối phương.

Nga: Chiến đấu cơ F-16 đến Ukraine đặt ra câu hỏi về sự can dự của NATO

Vì sao Tổng thống Brazil không gặp Tổng thống Ukraine?

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ngày 22.5 cho hay người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã không xuất hiện trong cuộc gặp song phương theo lịch trình trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản.

"Tôi đã có một cuộc gặp song phương dự kiến với ông Zelensky tại đây, trong căn phòng này lúc 15 giờ 15. Chúng tôi đã chờ đợi và nhận được thông tin rằng ông ấy đến muộn", Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Brazil cho biết.

Tổng thống Zelensky đã tìm cách gặp riêng Tổng thống Lula. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo cho hay do lịch trình nên họ đã không gặp được. Trong cuộc họp báo tại Nhật trước khi về nước, nhà lãnh đạo Brazil cho hay rằng ông đã muốn gặp để thảo luận về vấn đề Ukraine.

Theo Tổng thống Lula, nhóm của ông đã lên lịch để ông gặp Tổng thống Zelensky vào chiều 21.5, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine đến muộn, còn lịch trình của ông đã kín vào thời gian sau đó.

Trung Quốc triệu tập đại sứ Nhật Bản về tuyên bố của G7, Tokyo nói gì?

Ông Zelensky sau đó nói với các phóng viên rằng "mọi người đều có lịch trình của họ, vì vậy chúng tôi không thể gặp tổng thống Brazil".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.